Ai là mục tiêu của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài khoản Internet Banking dịp cuối năm?

Ai là mục tiêu của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài khoản Internet Banking dịp cuối năm?

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 3, 03/12/2019 06:35

Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi khác nhau để lừa lấy thông tin và truy cập vào tài khoản Internet Banking của người dùng. Đặc biệt, đối tượng mà những kẻ lừa đảo nhắm đến nhiều nhất thường là người cao tuổi và người kinh doanh online.

Theo báo Vietnamnet, thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi khác nhau như trao đổi buôn bán, quảng cáo sản phẩm, thông báo trúng thưởng, mạo danh đòi nợ giúp ngân hàng… để lừa lấy thông tin và truy cập vào tài khoản Internet Banking của người dùng.

Đặc biệt, đối tượng mà những kẻ lừa đảo nhắm đến nhiều nhất thường là người cao tuổi và người kinh doanh online. Bởi người cao tuổi thường không nắm rõ về các ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới, còn người kinh doanh online thường đăng tải và tiết lộ các giao dịch/số tài khoản của mình trên các trang mạng xã hội.

Tài chính - Ngân hàng - Ai là mục tiêu của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài khoản Internet Banking dịp cuối năm?

Ảnh minh họa 

Trao đổi với chị Ngọc Hà, chủ một đại lý bán hải sản tại Hà Nội, chị cho biết vừa rồi cũng bị một đối tượng lừa lấy tài khoản Internet Banking. Đối tượng này dùng một tài khoản Facebook giả nhắn tin mua hàng với số lượng lớn vào trang FanPage bán hàng của chị Hà.

“Đối tượng đó nói với tôi là hiện đang lao động ở nước ngoài, đặt một đơn hàng hải sản lớn của tôi để chuyển về cho gia đình làm giỗ. Có thông tin tên tuổi, số điện thoại và địa chỉ của người nhận ở Trần Duy Hưng, Hà Nội. Tôi có vào xem thử trang Facebook cá nhân này thấy nhiều comment nói chuyện qua lại của chủ trang Facebook đó với người nhà thì đúng là chủ Facebook đang lao động ở nước ngoài thật. Có thể các đối tượng “hack” tài khoản Facebook của những người đang đi lao động ở nước ngoài để tăng độ uy tín khi đi lừa đảo”, chị Hà cho biết.

“Sau khi báo giá, chốt đơn, đối tượng bảo đang ở ngân hàng và chuyển tiền cho tôi qua Western Union, rồi tôi nhận được tin nhắn có link truy cập vào webiste giả mạo. Khi tôi vào thấy website này có giao diện khá giống với website của ngân hàng Techcombank, có số hotline trùng với số hotline của ngân hàng. Thêm vào đó, đối tượng liên tục gọi điện từ 1 số máy nước ngoài về giục tôi làm tôi không kịp suy nghĩ, hướng dẫn tôi đăng nhập, bảo vì đang ở ngân hàng, không có nhiều thời gian chờ tôi gọi điện hỏi ngân hàng ở Việt Nam”, chị Hà chia sẻ.

Theo đó, khi chị Hà truy cập vào trang website giả mạo thì được yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử, và ngay lập tức nhận được thông báo hủy mã OTP đang sử dụng, đồng thời mã OTP tài khoản internet banking của chị đang được kích hoạt trên một máy điện thoại khác. Biết bị lừa, chị đã gọi điện ngay đến số hotline của ngân hàng để khóa tài khoản.

Theo SHB, cùng với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, các hình thức lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao cũng có xu hướng gia tăng. Nhiều đối tượng lợi dụng uy tín, thương hiệu của các ngân hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Hình thức chung của kẻ lừa đảo như sau: nạn nhân sẽ nhận được thông điệp (thông qua tin nhắn, email, chat qua facebook messenger …) với nội dung thông báo trúng thưởng hoặc phân chia tài sản kèm theo yêu cầu click vào các đường link, trang web do kẻ lừa đảo cung cấp để có cơ sở nhận thưởng. Khi truy cập vào website giả mạo đó và đăng nhập internet banking, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân sẽ bị đánh cắp và gửi cho hacker để thực hiện một số hành vi phạm pháp như: chiếm đoạt tiền trong tài khoản thanh toán của khách hàng, thanh toán hàng hóa hoặc các dịch vụ bất hợp pháp khác…

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên của các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến ngân hàng yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ. Thậm chí đối tượng lừa đảo còn mạo danh cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát… yêu cầu cung cấp thông tin các dịch vụ ngân hàng hay mạo danh người thân/người mua hàng gửi đường link cho khách yêu cầu xác nhận thông tin…

Để đảm bảo an toàn trong giao dịch và quyền lợi của khách hàng, khách hàng cảnh giác với tất cả các yêu cầu liên quan đến việc click vào các trang website kèm theo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã đăng nhập dịch vụ internet banking, số thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, mã CVV. Các khách hàng không cung cấp cho bất kì ai các thông tin bảo mật như mật khẩu, mã OTP, thiết bị bảo mật, không click vào các đường dẫn, website, email lạ, hay có nghi ngờ là giả mạo hoặc không rõ nguồn gốc, không chuyển tiền, nạp tiền vào số điện thoại hay tài khoản để làm các thủ tục nhận thưởng hoặc nhận tiền.

Đào Vũ (Tổng hợp)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.