Như trước đó đã phản ánh, vừa qua, phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Tĩnh (PC49) đã bắt quả tang Đại lý thức ăn nuôi trồng thủy sản Hồng Thái (có địa chỉ tại xóm Mới, xã Thạch Bình, TP.Hà Tĩnh) đang bán, tàng trữ 207 lọ thuốc Hipper Lona Enro – S20%. Theo cơ quan chức năng, đây là loại thuốc có chứa chất Enrofloxacin, một loại kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản đã được quy định rõ tại Thông tư 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 1/6/2016 của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Đáng nói, chủ cơ sở này là của 2 vợ chồng ông Nguyễn Quang Thái hiện giữ chức vụ Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch công đoàn sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, còn bà Trần Thị Hồng đang công tác tại chi cục Thủy sản cũng trực thuộc sở này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài vợ chồng ông Nguyễn Quang Thái, vụ việc trên còn liên quan đến ông Phạm Ngọc Đài, hiện giữ chức Phó phòng Nuôi trồng thủy sản, chi cục Thủy sản Hà Tĩnh thuộc sở NN&PTNT.
Cụ thể, để hợp thức hóa các thủ tục về mặt pháp lý, ông Phạm Ngọc Đài đã đứng tên là chủ cơ sở Hồng Thái trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y số 123, do chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cấp ngày 14/11/2017. Ngoài ra, ông Phạm Ngọc Đài cũng là người đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 28A8007679 do UBND TP.Hà Tĩnh cấp ngày 1/11/2017, với địa điểm kinh doanh tại xóm Mới, xã Thạch Bình, TP.Hà Tĩnh.
Lý giải về việc này, trao đổi với PV, vị Phó phòng Nuôi trồng thủy sản Phạm Ngọc Đài cho biết, vào tháng 11/2017, ông đăng ký giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực chế phẩm sinh học, thuốc thú y nhưng sau khi xét thấy bản thân là cán bộ Nhà nước và làm trong ngành, không đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nên đã không làm nữa nhưng chưa có thời gian để xin tạm dừng hoạt động (?!).
“Tôi chỉ đứng tên cho chị Hồng thôi chứ không trực tiếp kinh doanh. Tôi chỉ cho chị Hồng mượn bằng thôi chứ không liên quan gì đến việc kinh doanh của chị Hồng cả. Việc chị Hồng kinh doanh chất cấm tôi không biết; trước đó, tôi cũng quán triệt là không được làm gì ảnh hưởng đến tôi. Là anh em trong cơ quan nên tôi cho chị Hồng mượn bằng thôi chứ không phải cho thuê bằng tiền bạc gì cả”, ông Đài nói.
Tiết lộ với chúng tôi, một cán bộ tại chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho hay, do bà Trần Thị Hồng không có bằng cấp để đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y nên đã “nhờ” anh Phạm Ngọc Đài đứng tên, tạo bình phong để hợp thức hóa các thủ tục về mặt pháp luật.
Để tìm hiểu sâu về quá trình cấp phép này, chúng tôi đã liên hệ làm việc với UBND TP.Hà Tĩnh (đơn vị cấp giấy phép kinh doanh cho cơ sở Hồng Thái). Ông Phạm Hùng Cường, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch, UBND TP.Hà Tĩnh cho biết, ông Phạm Ngọc Đài được cấp giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh số 28A8007679 vào ngày 1/11/2017. Về trường hợp cơ sở Hồng Thái thì vợ chồng ông Thái không đứng tên mà để cho ông Phạm Ngọc Đài đứng tên.
“Nếu chiếu theo luật công chức thì cán bộ công nhân viên chức Nhà nước sẽ không được tham gia đứng tên thành lập, điều hành kinh doanh cùng với ngành nghề mình đang công tác. Thời điểm xin cấp phép, ông Đài không kê khai mình đang làm ở sở NN&PTNT nên thực sự là chúng tôi không biết, nếu biết thì chúng tôi đã có khuyến nghị, xin ý kiến các sở, ban, ngành liên quan rồi. Vụ việc này, chúng tôi sẽ gửi văn bản xin ý kiến sở NN&PTNT và sở Kế hoạch & Đầu tư, nếu vi phạm sẽ thu hồi giấy phép”, ông Cường cho hay.
Chiều 11/1, trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng chi cục Thủy sản Hà Tĩnh khẳng định, không hề hay biết việc ông Phạm Ngọc Đài đứng tên cho cửa hàng thuốc thú y thủy sản Hồng Thái.
Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh thông tin, đơn vị đã đề nghị cơ quan chức năng có liên quan phối hợp với phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh kiểm tra, xử lý. “Quan điểm của ngành là ai sai sẽ xử lý thật nghiêm", ông Việt nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!