Lặng lẽ và chấp nhận
Khi mùa thu hoạch tại những ruộng bậc thang Na Pán Tẩn (là một trong những ruộng bậc thang nổi tiếng, đẹp nhất, nhì vùng Tây Bắc) kết thúc, cũng là lúc vùng đất này bắt đầu bước vào mùa mưa. Con đường lên Mù Căng Chải vốn dĩ chưa bao giờ dễ dàng, nay lại cộng thêm những đoạn đường núi sạt lở nên khó khăn càng chồng chất. Có đoạn đường bị cả nửa quả đồi ập xuống như đèo Khau Phạ, đất đá lầy lội, người tham gia giao thông phải dắt bộ hàng km mới có thể đi qua những đoạn đường này, càng làm cho chuyến hành trình đến Mù Căng Chải xa xôi, trắc trở hơn.
Là một khoảng đất nhỏ, nằm ở góc khuất bên kia dòng Nậm Kim, con suối cắt ngang thị trấn và khu bảo tồn sinh vật cảnh, trạm Khí tượng thủy văn Mù Căng Chải lại càng hiu hắt trong thị trấn miền núi vùng cao vắng vẻ. Nó lọt thỏm ở một thung lũng hẹp trên quốc lộ 32, kẹp giữa bởi hai rãnh núi cao vút, quanh năm được bao phủ bởi mây của dãy Hoàng Liên Sơn. Vào thời điểm mùa mưa, vùng đất này có những cơn mưa rừng tầm tã, hối hả ập đến bất cứ lúc nào.
Có những thời điểm, mưa liên tục hàng tháng trời, đất đá thi nhau đổ xuống đường làm cho Mù Căng Chải bị cô lập, xe cộ không ra, vào được. Khi chúng tôi đến nơi này, những hạt mưa phùn lất phất đầu mùa nhưng cũng đủ đem đến cảm nhận rõ hơn về sự hẻo lánh, đìu hiu, vắng vẻ, yên tĩnh đến lạ thường của con người và cảnh vật nơi đây. Tiếng sủa gâu gâu của mấy chú chó nhỏ trong trạm Khí tượng thuỷ văn báo hiệu có khách. Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Diệp Tuấn Anh - cán bộ của Trạm.
Từ trạm Khí tượng thuỷ văn nhìn xuống chân núi, mọi thứ thật nhỏ bé
Trạm cheo leo "trên trời", nhìn xuống dưới chỉ thấy mờ mờ, nhà cửa, đường sá nhỏ li ti... Trạm có 7 cán bộ, thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên (vì ở nhiều Trạm miền núi thường chỉ có 1 đến 2 cán bộ - PV), anh Tuấn Anh giải thích: "Do là "trạm kép" - vừa làm nhiệm vụ đo khí tượng kiêm đo cả thủy văn - nên quân số ở đây đông hơn nơi khác. Trong trạm có tất cả 7 cán bộ, gồm 4 khí tượng và 3 thủy văn. Đặc thù của ngành là phải bám trạm. Nghĩa là đã làm việc thì phải ăn, ở, ngủ, nghỉ ở trạm, để khi nào cũng có người "canh" và đo số liệu. Bởi vậy, tôi và 2 gia đình khác là anh Nguyễn Tiến Sơn và anh Phan Đức Nhã sống luôn tại dãy nhà cấp 4 trong Trạm để tiện cho công việc hàng ngày".
Trò chuyện hồi lâu, chúng tôi mới biết, 7 cán bộ của trạm đều từ địa phương khác đến công tác. Người gần nhất ở Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) còn lại là ở Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Ba Vì (Hà Nội). Họ lên công tác tại vùng núi xa xôi này đã gần 10 năm, hơn 10 năm. Cứ lặng lẽ và chấp nhận công việc hàng ngày là cheo leo "trên trời" để đo “ý trời”. "Ngày bình thường thì đi làm theo ốp (tức theo nhóm). Một ngày đi ốp 4 lần: 1h - 7h; 7h -13h; 13h - 19h; 19h - 1h. Vào những ngày mưa lũ, cán bộ phải trực 24/24h" - anh Tuấn Anh chia sẻ.
Thấy chúng tôi tò mò về cuộc sống riêng tư của các cán bộ trạm, anh Tuấn Anh cười xoà, tâm sự: "Chẳng có gì bí mật mà chỉ ngậm ngùi thôi. Gia đình tôi có 4 thành viên nhưng thời gian cả 4 thành viên được đoàn tụ rất ít. Bé Linh Chi (con gái lớn) của tôi vừa thi đại học xong, lên thăm bố. Không biết có phải "nghiệp cha truyền con nối" hay không mà cháu cũng thi vào trường của bố mẹ học ngày trước. Con của các cán bộ như tôi hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ nên các cháu rất ngoan. Đó là sự bù đắp tốt nhất cho chúng tôi có động lực làm việc". Linh Chi tiếp lời bố, nói chuyện với chúng tôi: "Trước đây, gia đình cháu ở Sa Pa (Lào Cai - PV), phải ở riêng tại khu đồi vắng vẻ, chỉ có mẹ và cháu ở thôi. Bố cháu lúc đó đang ở tận Hoàng Su Phì (Hà Giang). Mẹ cháu lại vừa sinh em Vy xong mà đêm tối vẫn phải đi làm...". Đúng là lặng lẽ và chấp nhận!.
Anh Tuấn Anh đưa chúng tôi lên thăm vườn quan trắc. Đó là một quả đồi nhỏ phía sau khu Trạm. Ngày trước, vườn quan trắc không được ở vị trí thuận lợi như bây giờ. Trước năm 1992, nó được đặt ở khu đồi thông bên cạnh. Đó là khu đồi gió cao nhất của huyện, phải đi đến hơn 1.000 bậc thang mới tới. Chúng tôi cũng đã được nghe câu chuyện về những khu đồi gió như thế trong Lặng Lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long. Nó như một nỗi ám ảnh không chỉ của những người mới vào nghề mà cả những người trong nghề nhiều năm phải lên khu đồi đó để lấy số liệu khí tượng vào ban đêm. Anh Tuấn Anh, cười, nói: "Ở cái đồi mà người ta cho là ám ảnh kia, bố tôi cũng chưa lên đó bao giờ". Hoá ra, nghề anh Tuấn Anh đang làm là nghề gia truyền.
Lặng lẽ làm việc giữa trời mưa
Kể không hết những giọt nước mắt và nụ cười
Tại trạm có một đôi vợ chồng trẻ mới, đó là anh Phan Đức Nhã (quê ở Nghĩa Lộ, Yên Bái), vợ là Đỗ Thị Minh Huệ (quê ở huyện Ba Vì, Hà Nội). Anh Nhã là cán bộ thủy văn, chị Huệ là cán bộ đo khí tượng. Thực tế, 2 người này học cùng trường nghề ở dưới xuôi. Họ biết nhau từ rất lâu rồi nhưng lên vùng núi xa xôi làm việc, cuộc sống nơi đây đã gắn kết họ với nhau. Họ thấu hiểu những khó khăn, gian khổ nên trân trọng và yêu nhau tha thiết. Theo anh Tuấn Anh, hai vợ chồng ở cùng trong ngành như gia đình anh còn đầy những gian truân, xa cách thì những cặp vợ chồng khác nghề chắc chắn khó khăn gấp bội. Anh Nguyễn Tiến Sơn quê ở Ba Vì (Hà Nội), vào ngành từ năm 1994, vợ làm giáo viên - ngoài ngành nên cứ phải theo chồng đi bất cứ chỗ nào được phân công. Người miền xuôi, mà lại sống chủ yếu ở miền núi nên nhiều người tự nhận mình là thổ dân.
Anh Diệp Tuấn Anh đã 20 năm công tác trong nghề mà nhiều lúc cũng thấy tủi thân với đồng lương và công việc hiện tại của mình. Cái sự vất vả mà mỗi khi nhắc đến cái nghề đo "ý trời" này không dừng lại. Xét về mặt nghiệp vụ, thì tương đối đơn giản. Nhiệm vụ của quan trắc viên chỉ là ghi lại thông tin về thời tiết được mã hóa trong các hộp thu số liệu có hình dạng từa tựa như tổ chim bồ câu, gọi là lều khí tượng, rồi thông báo về cho trung tâm xử lý. Với cán bộ thủy văn thì tính toán mực nước và lưu lượng nước thông qua thước đo theo kiểu bậc thang và một hệ thống chạy bằng ròng rọc. Cái khổ của nghề này, như chị Yên, vợ anh Tuấn Anh cho biết, thì nó rất ngược đời. Những lúc người ta cần phải "trốn" ông trời thì mình lại càng phải "phơi" ra để làm. "Lắm lúc trời sấm chớp đì đùng, 1 - 2h sáng đi lên kiểm tra lều khí tượng một mình, tim cứ đập thình thịch như sắp nhảy ra khỏi ngực đến nơi". Đã vậy, công việc trong nghề thì đến cả mấy chục năm cũng chỉ có đi lấy số liệu xong, báo cáo về trung tâm. Thế nhưng, vắng một "ốp" thôi thì cũng không được, vì như vậy thông tin thời tiết của ngày hôm đó coi như hỏng. Báo cáo xong cũng không được đi đâu xa, đề phòng trường hợp số liệu có vấn đề thì sẽ phải đi đo lại.
Nhiều khó khăn nhưng vì cuộc sống, các đôi bạn trẻ vẫn tiếp tục theo nghề, họ cùng nhau cười, khóc và nên duyên vợ chồng. Họ quyết gắn đời mình, gia đình mình với nghề đầy lặng lẽ, nhiều nỗi buồn này. Đôi vợ chồng trẻ nhất của trạm tâm sự: "Ai cũng nói, sao chúng em dại thế, gắn với nghề này làm gì, nó buồn, lặng lẽ và khó khăn chồng chất. Nhưng các cụ nói quá đúng, nghề chọn người chứ nhiều khi người không chọn được nghề. Chính vì thế mà có những nghề, nhiều gia đình cha truyền con nối. Tại trạm có anh Tuấn Anh theo nghiệp bố. Giờ bé Linh Chi (con gái anh) cũng sắp theo nghiệp cha. Linh Chi đã lớn, em thấu hiểu sự vất vả, buồn phiền khi bữa cơm trong gia đình không có đủ cả cha và mẹ. Nhưng, Linh Chi vẫn quyết định theo nghiệp của cha, âu cũng là cái số ở đời. Khi cái nghiệp đã vận vào thân rồi thì sự lặng lẽ, nước mắt và nỗi buồn không thể ngăn cản được ý chí theo nghề cha của Linh Chi.
Cảm phục và trân trọng Anh Lường Quang Thái, người dân tộc Mông, gốc ở Mù Căng Chải cho PV biết: "Tôi khâm phục những cán bộ người Kinh, bám trụ vùng đất này. Nhìn qua ảnh, Mù Căng Chải đẹp vô cùng nhưng ở thì mới thấy hết sự khắc nghiệt của nó. Những người làm nghề đo "ý trời" trên đỉnh Mù Căng Chải lặng lẽ sống và làm việc như thể phố phường sôi động không ảnh hưởng đến họ. Họ cũng giống người dân, phải làm vườn, trồng rau, thậm chí trồng lúa, ngô, khoai, sắn; nuôi gà, lợn... để tự cung, tự cấp". |
Phóng sự của Ninh Vũ và Quỳnh Chi