Ai nên quyết định chọn sách giáo khoa?

Ai nên quyết định chọn sách giáo khoa?

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 4, 24/11/2021 13:19

Dù đã hơn 1 năm kể từ ngày Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề xoay quanh việc thực hiện việc hướng dẫn chọn sách này.

Mặc dù đã nhiều lần ban hành các hướng dẫn, sửa đổi việc lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với địa phương và người học, nhưng trên thực tế, nhiều chuyên gia giáo dục và các địa phương vẫn còn cho rằng những quy định đó vẫn chưa giải quyết triệt để câu chuyện “lựa” và “chọn” sách.

Chọn bộ sách nào để dạy cho học sinh đã được quy định cụ thể trong Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT. Tổng kết lại sau hơn 1 năm thực hiện, thông tư đã thể hiện nhiều mặt hạn chế.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, trước hết khẳng định sự cần thiết của chủ trương "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa", ông khẳng định, việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa các nước trên thế giới đã thực hiện nhiều năm nay.

Về quyền quyết định lựa chọn SGK, nguyên Bộ trưởng cho rằng việc thực hiện theo Thông tư 25 như hiện nay tỏ rõ những bất cập. Khi mà, những người lựa chọn SGK không nắm sâu về chuyên môn.

"Chúng ta phải thay đổi quan điểm, quyết định chọn sách nào là phụ thuộc vào thầy cô giáo giảng dạy và nhà trường.
Theo tôi, trường nên có quyền quyết định việc này, bởi họ là người hiểu nội dung, hiểu phương pháp, điều kiện của nhà trường. Những người thực hành sử dụng sách được chọn sách sẽ phù hợp hơn là chính quyền địa phương", ông Nguyễn Minh Hạc khẳng định.

Tương tự, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) bày tỏ nhiều băn khoăn về Thông tư 25 đang thực hiện: “Chúng ta nên tôn trọng lựa chọn sách giáo khoa của từng trường, việc sử dụng loại sách nào phụ thuộc vào ý kiến của hội đồng của các tỉnh thành lập (theo Thông tư 25 - PV) là không hợp lý về mặt khoa học và thực tiễn.

Bởi người không sử dụng không thể chọn cho người sử dụng, hoặc một vài người lại chọn cho số đông là không hợp lý”.

Thầy Lâm cho rằng, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo, các giáo viên thấy bộ sách giáo khoa nào hợp với người dạy và người học thì họ chọn.

Giáo dục - Ai nên quyết định chọn sách giáo khoa?

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội

“Hiện nay chúng ta vẫn quan niệm sách giáo khoa là pháp lệnh là không đúng, sách chỉ mang tính tham khảo còn chương trình giáo dục mới là pháp lệnh. Không nên áp dụng theo kiểu cũ, coi sách giáo khoa là chính”, chuyên gia bày tỏ.

TS.Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm “Việc lựa chọn của các hội đồng này phải căn cứ trên cơ sở biên bản của tổ chuyên môn của các trường học. Các trường lựa chọn như thế nào thì phải tôn trọng ý kiến đó.

Ngay cả việc lựa chọn những người tham gia hội đồng là các thầy cô giáo thì việc lựa chọn vẫn chỉ phản ánh ý kiến của nhóm nhỏ chứ không phải của tất cả giáo viên. Trách nhiệm của họ là xem xét, đánh giá lại những trường học nào lựa chọn thiếu trách nhiệm, lựa chọn không phù hợp với điều kiện của địa phương”.

Giáo dục - Ai nên quyết định chọn sách giáo khoa? (Hình 2).

Thầy cô nên là người chọn lựa những bộ sách phù hợp

Những bộ sách giáo khoa được phát hành cũng đã trải qua rất nhiều vòng thẩm định và lựa chọn. Mỗi bộ sẽ có những thế mạnh riêng, theo chuyên gia giáo viên có quyền lựa chọn nhiều bộ sách chứ không nhất thiết chỉ sử dụng một bộ.

“Các địa phương nên lựa chọn nhiều bộ sách giáo khoa để đưa vào sử dụng chứ không nên cứng nhắc sử dụng một bộ duy nhất. Trên thế giới họ cũng không quá coi trọng việc lựa chọn sách giáo khoa nào, vì đấy là phụ thuộc vào nhu cầu của người cần”, TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị) cũng đã có những chia sẻ với Người Đưa tin, sau khi kết thúc đợt 2 của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: “Vừa qua ở nghị trường Quốc hội các đại biểu cũng có ý kiến về vấn đề này. Theo đó, hội đồng chọn sách chưa gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với cơ quan quản lý chuyên môn. Trong hội đồng nên có cả thành viên của chính quyền, đội ngũ các chuyên gia, thầy cô chuyên môn mới phù hợp”.

Quy trình chọn sách giáo khoa theo Thông tư Số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT:

Theo đó cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn sách giáo khoa. Tổ chuyên môn của cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các sách giáo khoa của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa.

Phòng GD&ĐT tổng hợp, báo cáo Sở GD&ĐT danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.

Sau khi tổng hợp, chuyển giao cho Hội đồng danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.

Hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa bằng việc tổ chức họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất; bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Sách giáo khoa được lựa chọn phải đạt trên 1/2 (một phần hai) số phiếu đồng ý lựa chọn.

Sở GD&ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng do Sở GD&ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.

Hồng Bích

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.