Vụ nổ ngày 24/2/2013 tại hẻm 384 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.8, Q.3, TP.HCM) được coi là ngày định mệnh kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của 11 nạn nhân xấu số.
Hiện trường vụ nổ làm 11 người chết
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ
Theo khoản 2, 3 điều 623 bộ luật Dân sự năm 2005, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, ngay cả khi không có lỗi. Trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.
Đối chiếu trong trường hợp này, ông Phương chính là người chiếm hữu, sử dụng chất nổ, chất cháy là nguyên nhân dẫn đến vụ nổ gây thiệt hại về vật chất cũng như tính mạng cho người khác. Do đó ông Phương phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.
Trách nhiệm của những người thừa kế trong việc thực hiện nghĩa vụ của người đã chết
Như đã nói ở trên, ông Phương là người phải bồi thường thiệt hại cho những thiệt hại về tài sản (nhà bị sập) và thiệt hại về người (ngoài gia đình ông Phương còn có 5 nạn nhân khác bị chết và một số người bị thương). Tuy nhiên, hiện nay ông Phương đã không còn sống, vợ và con ông Phương cũng đã chết, do đó những người thừa kế của ông Phương phải thực hiện nghĩa vụ mà người để lại di sản chưa thực hiện, trong đó có nghĩa vụ bồi thường.
Theo quy định tại khoản 1, 637 Điều BLDS 2005 “những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Như vậy, hàng thừa kế thứ nhất chỉ còn lại cha mẹ ruột của ông Phương, nếu cha mẹ ruột của ông Phương không từ chối nhận di sản thì cha mẹ ruột của ông Phương có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trường hợp cha mẹ ruột của ông Phương từ chối nhận di sản, thậm chí tất cả các hàng thừa kế khác như ông, bà nội ngoại, anh, chị, em ruột… rồi cụ nội, cụ ngoại, cô, dì, chú, bác,… cũng từ chối nhận di sản thì cũng không thể bắt những người này thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại thay ông Phương.
Bởi lẽ “Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác ” (Điều 642 BLDS năm 2005). Điều đó có nghĩa là người thừa kế chỉ không được từ chối nhận di sản trong trường hợp nhằm né tránh nghĩa vụ của chính bản thân họ. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản, người từ chối nhận di sản có nghĩa vụ thông báo việc từ chối của mình cho những người liên quan và chính quyền nơi có địa điểm mở thừa kế.
Thời hạn để từ chối nhận di sản là sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế. Khi những người theo thứ tự các hàng thừa kế từ chối việc nhận di sản thì họ cũng không còn thuộc trường hợp người được thừa kế và kèm theo đó họ không có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
Khi các hàng thừa kế từ hàng thừa kế thứ nhất đến hàng thừa kế thứ ba đều lần lượt từ chối nhận di sản thì di sản đó sẽ thuộc Nhà nước. Nhà nước sẽ là người thừa kế cuối cùng, đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình các nạn nhân.
Việc thanh toán bồi thường thiệt hại khi có yêu cầu của gia đình các nạn nhận vụ nổ chỉ được thực hiện sau khi đã thanh toán chi phí mai táng; tiền cấp dưỡng còn thiếu; tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; tiền công lao động. Trong trường hợp không có một thỏa thuận khác thì việc bồi thường thiệt hại cũng chỉ được thực hiện trong phạm vi tài sản hiện có mà người chết để lại.
Hiện vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ. Tuy nhiên có một thực tế trường hợp ông Phương không còn tài sản gì thì người chịu thiệt thòi nhất vẫn là gia đình các nạn nhân liên quan đến vụ nổ. Họ vừa gánh chịu nỗi đau mất nhà, còn gánh chịu nỗi đau từ sự ra đi của người thân. Đó là những nỗi đau không gì bù đắp nổi.
Luật gia Giang Quyết