Ai sắp ngồi “ghế nóng” Chủ tịch BIDV sau 2 năm bỏ trống?

Ai sắp ngồi “ghế nóng” Chủ tịch BIDV sau 2 năm bỏ trống?

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 2, 05/11/2018 14:52

Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng BIDV đang xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật từ Tổng giám đốc sang Chủ tịch HĐQT. Trong khi “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT đang bị bỏ trống suốt 2 năm, đây là tín hiệu về việc ngân hàng này sắp có tân Chủ tịch.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) vừa có tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc sửa đổi điều lệ. Theo đó, từ quy định Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật sẽ được sửa thành Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật.

Trên thực tế, cách đây 2 năm, BIDV từng quyết định thay đổi người đại diện pháp luật từ vị trí Chủ tịch HĐQT sang Tổng giám đốc, sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 9/2016.

Tài chính - Ngân hàng - Ai sắp ngồi “ghế nóng” Chủ tịch BIDV sau 2 năm bỏ trống?

Ông Phan Đức Tú (trái), ông Bùi Quang Tiên (phải) đều đang nắm giữ chức vụ quan trọng tại BIDV

Hiện tại, ông Bùi Quang Tiên (sinh năm 1959) - Ủy viên phụ trách điều hành HĐQT của BIDV nhiệm kỳ 2017 – 2022 là người đại diện cho 30% vốn của Nhà nước tại ngân hàng này. Ông Bùi Quang Tiên mới phụ trách từ 1/5/2018. Trước đó, vị trí này được giao cho ông Trần Anh Tuấn, ngay sau khi ông Trần Bắc Hà rời ghế Chủ tịch HĐQT.

Như vậy, trong suốt 2 năm qua BIDV vẫn khuyết ghế Chủ tịch HĐQT. Động thái xin thay đổi người đại diện pháp luật của ngân hàng lần này làm rộ lên đồn đoán về việc BIDV sắp có Chủ tịch sau khi đề xuất này được cổ đông thông qua.

Nếu đồn đoán này thành hiện thực, thì 1 trong 2 người sau đây rất có thể sẽ trở thành tân Chủ tịch của ngân hàng lớn nằm trong nhóm “Big 4” này: ông Phan Đức Tú hoặc ông Bùi Quang Tiên.

Hiện, Tổng giám đốc BIDV là ông Phan Đức Tú, sinh năm 1964, được giao là người đại diện pháp luật cho BIDV. Còn ông Bùi Quang Tiên hiện đang là Ủy viên phụ trách HĐQT, là người đại diện cho 30% vốn Nhà nước tại ngân hàng này.

Bên cạnh nội dung xin chuyển đổi người đại diện pháp luật, tại Tờ trình nói trên, BIDV cũng trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Cụ thể, BIDV đã chính thức thông tin sẽ phát hành 17,65% cổ phần hiện tại cho ngân hàng KEB Hana của Hàn Quốc, tương đương với tỷ lệ 15% vốn sau phát hành.

Nếu được cổ đông đồng thuận, ngân hàng sẽ được nâng vốn điều lệ lên trên 40.000 tỷ đồng, sở hữu của Nhà nước sẽ giảm xuống 80,99%. Thời điểm phát hành dự kiến là trong năm 2018 – 2019. Đây là tin vui với BIDV sau hơn 4 năm tích cực tìm kiếm đối tác ngoại.

BIDV hiện là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống, đến cuối tháng 9/2018 đạt gần 1,27 triệu tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7.254 tỷ đồng và hoàn thành 78% kế hoạch kinh doanh năm 2018.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.