Hai tuần tiếp theo sẽ mang tính quyết định đối với nước Pháp khi cuộc đua tranh chức Tổng thống nhiệm kỳ 2022-2027 bước vào giai đoạn nước rút.
Đương kim Tổng thống Emmanuel Macron sẽ đối đầu với ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen trong vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022.
Ông Macron và bà Le Pen đã dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu vòng 1 hôm 10/4, lần lượt chiếm 27,8% và 23,2% số phiếu bầu, CNN dẫn nguồn Bộ Nội vụ Pháp cho biết. Theo đó, 2 ứng cử viên hàng đầu sẽ gặp nhau trong vòng bầu cử nước rút (runoff) vào ngày 24/4.
Vào lúc này, chiến dịch vận động tranh cử kéo dài 2 tuần đã bắt đầu. Tổng thống Macron tuyên bố, ông muốn "thuyết phục" nhiều cử tri Pháp ủng hộ tầm nhìn trung dung của mình.
Trong khi đó, bà Le Pen tuyên bố đã sẵn sàng cho cuộc chiến, mong muốn làm nổi bật giá năng lượng và thực phẩm tăng cao đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các hộ gia đình nghèo gần đây.
Kết quả bầu cử Tổng thống Pháp sẽ có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi khi châu Âu đang vật lộn để kiềm chế tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Vòng đấu quyết định
Theo phân tích của cơ quan thăm dò Ifop-Fiducial cho các đài truyền hình Pháp TF1 và LCI, vòng bầu cử đầu tiên của năm 2022 cho thấy sự thờ ơ của cử tri, với tỉ lệ tham gia ước tính là 73,3%, thấp nhất trong vòng 20 năm.
Mặc dù ông Macron nhận được nhiều phiếu bầu hơn bất kỳ ứng cử viên nào khác trong vòng đầu tiên, ông là một nhân vật phân cực có tỉ lệ đồng thuận đã giảm trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Trong một bài phát biểu sau khi vòng bỏ phiếu thăm dò kết thúc hôm 10/4, ông Macron kêu gọi người dân bỏ phiếu trong vòng hai.
"Cuộc cạnh tranh mà chúng ta sẽ tiến hành trong 15 ngày tới sẽ mang tính quyết định đối với Pháp và châu Âu", Tổng thống Macron phát biểu trước những người ủng hộ, kêu gọi tất cả cử tri ủng hộ ông vào ngày 24/4 để ngăn phe cực hữu lên nắm quyền ở nền kinh tế lớn thứ hai của EU.
Ông Macron đang tìm cách trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử kể từ thời ông Jacques Chirac vào năm 2002. Vòng bỏ phiếu hôm 10/4 đã cho ông một lợi thế nhất quán so với các ứng cử viên còn lại, nhưng cuộc đua chứng kiến sự bám đuổi khá sít sao trong tháng qua.
Cuộc thăm dò của Ifop-Fiducial được công bố hôm 10/4 cho thấy ông Macron sẽ giành chiến thắng trong vòng hai trước bà Le Pen, với tỉ lệ tương ứng là 51% và 49%, một khoảng cách quá hẹp để đảm bảo chiến thắng cuối cùng.
Sự ủng hộ dành cho bà Le Pen đã tăng đều đặn trong những tuần gần đây. Mặc dù nổi tiếng với các chính sách cực hữu của mình như hạn chế mạnh mẽ người nhập cư, lần này, bà Le Pen đã thực hiện một chiến dịch chính thống hơn, thành công trong việc làm dịu hình ảnh, ngôn ngữ của mình và tập trung nhiều hơn vào các vấn đề “sát sườn” với người dân Pháp như chi phí sinh hoạt tăng cao.
Trong bài phát biểu hôm 10/4, bà Le Pen cam kết sẽ trở thành Tổng thống của "tất cả người Pháp" nếu bà chiến thắng vòng hai, và kêu gọi những ai không bỏ phiếu cho ông Macron sẽ ủng hộ bà trong vòng nước rút tới đây.
Nhà lãnh đạo cực tả Jean-Luc Melenchon đứng ở vị trí thứ ba trong vòng 1, với 22% phiếu bầu. Ông nhận được thêm nhiều sự ủng hộ khi đã hơi muộn màng và từng được coi là một ứng cử viên có thể thách thức ông Macron.
Lá phiếu của những người ủng hộ ông Melenchon có thể mang tính quyết định đối với kết quả của vòng runoff tới đây, theo nhận định của các chuyên gia.
Ông Melenchon đã nói với những người ủng hộ ông rằng "chúng ta không được bỏ một phiếu nào cho bà Le Pen", nhưng cũng không ủng hộ ông Macron một cách rõ ràng.
Các ứng cử viên khác, sau khi thừa nhận thất bại trong vòng 1, đã nhanh chóng lựa chọn bên cho mình trong số 2 người đứng đầu (ông Macron và bà Le Pen).
Ở vị trí thứ 4, với 7,1% số phiếu bầu, ứng cử viên Eric Zemmour đã kêu gọi những người ủng hộ mình bỏ phiếu cho bà Le Pen.
Trong khi đó, các ứng cử viên từ các đảng trung tả và trung hữu truyền thống, Đảng Xã hội và Đảng Cộng hòa, đã ủng hộ ông Macron.
Trận tái đấu
Ông Macron đã đánh bại bà Le Pen một cách dễ dàng cách đây 5 năm để trở thành Nguyên thủ Quốc gia trẻ tuổi nhất của Pháp kể từ thời Napoléon. Nhưng các chuyên gia cho rằng, trận tái đấu lần này sẽ chứng kiến sự bám đuổi sít sao hơn nhiều so với vòng bầu cử năm 2017.
Ông Macron không còn là một người mới nổi trên trường chính trị Pháp, và hiện đang chạy đua vào Điện Elysee với những khen chê lẫn lộn đối với nhiệm kỳ Tổng thống vừa qua.
Kế hoạch đầy tham vọng của ông Macron nhằm tăng cường quyền tự chủ và sức mạnh địa chính trị của Liên minh châu Âu (EU) đã khiến ông được tôn trọng ở cả trong và ngoài nước. Và cuộc xung đột ở Ukraine là lúc ông thể hiện mình.
Tuy nhiên, khi nói đến các vấn đề trong nước, ông Macron đã trải qua một nhiệm kỳ khó khăn với các thách thức như phong trào “Áo vàng”, một trong những cuộc biểu tình kéo dài nhất trong nhiều thập kỷ của Pháp, và đại dịch Covid-19.
Chính sách mang dấu ấn của ông Macron trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này - yêu cầu mọi người xuất trình “hộ chiếu vắc-xin” để có thể tham gia các hoạt động sống bình thường - đã giúp tăng tỉ lệ tiêm chủng của nước Pháp, nhưng lại khiến một bộ phận thiểu số phản đối.
Một nghiên cứu của cơ quan thăm dò Ipsos-Sopra Steria đã tiết lộ độ tuổi của các cử tri ủng hộ các ứng cử viên Tổng thống Pháp tiềm năng năm 2022, trang The Guardian cho biết. Cụ thể, Tổng thống đương nhiệm Macron giành được sự ủng hộ lớn nhất từ những cử tri lớn tuổi nhất, từ 70 tuổi trở lên. Ứng cử viên cực tả Melenchon được các cử tri độ tuổi 24-34 yêu mến. Còn ứng cử viên cực hữu Le Pen có sức hút đối với những cử tri 50-59 tuổi.
"Sự bất mãn rộng rãi với ông Macron (đặc biệt là trong giới trẻ) có nghĩa là kết quả cuối cùng là không chắc chắn và không thể đoán trước được. Bà Le Pen sẽ tiếp tục khai thác điều này, và do đó, khả năng lật ngược thế cờ là hoàn toàn có thể xảy ra", nhà bình luận các vấn đề châu Âu của CNN, Dominic Thomas, nhận định.
Le Pen là con gái của ông Jean-Marie Le Pen, một ứng cử viên Tổng thống cực hữu nổi tiếng. Ông Le Pen đã lọt vào vòng nước rút và đối đầu với ông Jacques Chirac vào năm 2002.
Bà Marine Le Pen thực sự đã thể hiện tốt hơn cha mình ở vòng đầu tiên của 2 cuộc bầu cử Tổng thống gần đây.
Trong cuộc chạy đua lần này, bà Le Pen đã cố gắng thể hiện sự khác biệt so với chính bản thân mình trong cuộc bầu cử năm 2017.
Ban đầu, cuộc bầu cử năm nay được dự đoán là một cuộc trưng cầu dân ý về sự thống trị của phe cực hữu trong chính trường Pháp, nhưng cuộc xung đột ở Ukraine - một vấn đề quan trọng khác đối với cử tri - đã tác động sâu sắc đến đường đua chính trị Pháp.
Theo cuộc thăm dò của Ifop, sự ủng hộ dành cho ông Macron đạt đỉnh vào đầu tháng 3, khi các cử tri tán thưởng Tổng thống của họ vì những nỗ lực của ông trong việc hòa giải xung đột giữa Nga và Ukraine, mặc dù các nỗ lực này chưa thành công.
Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ mang lại điểm trừ cho bà Le Pen, người công khai ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bà Le Pen đã đến thăm Tổng thống Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2017 của mình. Lần này, sau sự gây hấn của Nga đối với nước láng giềng Đông Âu, bà buộc phải thay đổi chiến lược.
Các cuộc tranh luận sắp tới sẽ rất quan trọng nếu ông Macron thuyết phục được cử tri loại bà Le Pen do sự ủng hộ trước đây của bà Le Pen đối với ông Putin, nhà bình luận các vấn đề châu Âu của CNN, Dominic Thomas, giải thích.
Minh Đức (Theo CNN, The Guardian, ABC News)