Ai sẽ phát hiện cán bộ vi phạm 'uống rượu bia'?

Ai sẽ phát hiện cán bộ vi phạm 'uống rượu bia'?

Thứ 4, 17/04/2013 17:00

Quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước và lực lượng vũ trang trên địa bàn hai tỉnh Thanh Hóa và Trà Vinh uống rượu bia trong giờ hành chính và buổi trưa bắt đầu được thực hiện từ ngày 6/4/2013.

Theo đó, người nào vi phạm chỉ thị của Tỉnh ủy có thể bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc cắt hợp đồng lao động.

Mạnh tay với rượu bia

Trước thông tin nhiều tỉnh sẽ "mạnh tay" xử lý cán bộ, công chức, viên chức sử dụng rượu bia trong giờ làm việc, vào buổi trưa như: Xử lý kỷ luật sẽ được tiến hành trong vòng một tháng kể từ ngày cán bộ, công chức bị phát hiện vi phạm. Nếu cá nhân vi phạm lần đầu thì bị nhắc nhở, phê bình. Vi phạm lần thứ hai sẽ bị cắt thi đua và nếu vi phạm lần thứ ba sẽ bị kỷ luật.

Người đứng đầu và đơn vị có cá nhân vi phạm cũng sẽ bị xử lý không xét thi đua hoặc kỷ luật tùy theo mức độ. Trong đó UBND tỉnh Trà Vinh nói rõ các hành vi bị cấm gồm: Uống rượu bia trong giờ hành chính; uống trong các bữa ăn trưa của ngày làm việc; tiếp khách ở những nơi có tính chất nhạy cảm, có dư luận xã hội không tốt...

Thực tế hiện nay vẫn đang tồn tại thực trạng công chức uống bia rượu trong giờ hành chính, giờ nghỉ trưa... Ở Hà Nội, giờ nghỉ trưa, không khó để có thể bắt gặp cảnh tượng những công chức đang rôm rả ở một nhà hàng. Theo chủ một nhà hàng trên phố Cửa Nam (Hà Nội), buổi trưa cửa hàng anh có đến 3-4 phòng VIP đặt trước để tiếp khách. Phần lớn khách đến đặt trước đều là công chức hoặc người "có tí chức".

Sau những buổi trưa "bắt tay rộn ràng", những khuôn mặt đỏ gay gắt, hơi bia nồng nặc quay về công sở có lẽ không phải chuyện lạ ở các cơ quan hành chính. Nhiều người hy vọng việc "mạnh tay" xử lý cán bộ nhậu nhẹt buổi trưa, trong ngày làm việc sẽ giúp hình ảnh công chức tốt lên trong mắt người dân.

PGS.TS Đỗ Minh Cương, Vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban tổ chức Trung ương cho rằng: "Mục đích của quy định này thì có nhiều nhưng chắc chắn có mục tiêu bảo đảm kỷ luật hành chính, hạn chế tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa và văn minh công sở... góp phần chống suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

Uống nhiều rượu bia không chỉ ảnh hưởng xấu đến thái độ, chất lượng, hiệu quả công vụ mà còn có hại cho sức khỏe của chính cán bộ, công chức, viên chức. Hầu hết cán bộ trung ương khi về địa phương đều e ngại phải uống nhiều theo cái "phong tục" ở đây; khi "mời bất khả từ" thì phải cố uống, dễ phát sinh các "bệnh nghề nghiệp" của cán bộ, công chức hiện nay như suy gan, tiểu đường, mỡ máu, gút...".

Luật sư - Ai sẽ phát hiện cán bộ vi phạm 'uống rượu bia'?

Ở nhiều tỉnh, cán bộ, công chức nếu uống bia rượu buổi trưa có thể bị kỷ luật đến mức đuổi việc

Lợi ích của việc cấm uống rượu buổi trưa có lẽ không phải bàn. Tuy nhiên, liệu những lệnh cấm này có được thực hiện triệt để và quyết liệt hay lại "đầu voi, đuôi chuột"?. Ai sẽ là người phát hiện các vi phạm đó và việc xử lý sẽ được thực hiện ra sao? Đây là điều nhiều người quan tâm.

Việc phát hiện không khó?

Trao đổi với PV, PGS.TS Đỗ Minh Cương chia sẻ, ở nước ta, thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, cán bộ trung ương xuống địa phương thì cùng ăn suất cơm tiêu chuẩn tại nhà ăn tập thể cơ quan, Chủ tịch nước thường mang cơm trên xe để khi nghỉ trưa thì ăn ngay dưới gốc đa, bãi cỏ bên đường. Rượu bia được dùng nhiều trong gặp mặt bạn bè, đồng chí, tiếp khách... có lẽ từ ngày thống nhất đất nước.

Cái "văn hóa nhậu" "dô trăm phần trăm" hình như lan từ Nam ra Bắc, từ miền núi tràn về miền xuôi và đến nay đã tràn ngập khắp các vùng miền nước ta. Đáng mừng là mấy năm gần đây nhiều ngành, địa phương đã nhận thức được tác hại của rượu bia và đã có quy định cấm trong giờ làm việc và buổi trưa ngày làm việc, nhất là khi tham gia giao thông. Ngoài Trà Vinh, còn có Long An, Kon Tum, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Bình... đã có chỉ thị cấm tương tự.

Các ngành Tư pháp, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương đã và đang có quyết định cấm như vậy. Hầu hết các nước phát triển Âu - Mỹ, nhiều nước cùng khu vực với ta như Nhật Bản, Singapore, Malaysia... đã thực hiện thành công quy định cấm uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc.

"Phát hiện việc uống rượu bia trong giờ làm việc không khó. Cái khó là ai? Cơ quan, đơn vị nào chịu khó xắn tay vào làm? Chúng ta không cần có thêm tổ chức mới mà chính tổ chức đảng, chính quyền, công đoàn, đoàn thể... hiện có hãy coi đây là một nhiệm vụ trong công tác cán bộ và quản lý, giám sát công chức, viên chức. Về mặt nghiệp vụ, kỹ thuật với các trường hợp có tranh cãi, có thể dùng phương pháp, phương tiện phát hiện lượng cồn của đối tượng như cảnh sát giao thông đang làm. Khi đã phát hiện đúng rồi thì phải cương quyết xử lý theo quy định, tránh cách làm xuê xoa, đại khái, "đầu voi đuôi chuột", ông Cương nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Khá, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết: "Tôi cũng được biết thông tin một số tỉnh đã bắt đầu thực hiện việc này. Nhưng hiệu quả ra sao thì cũng chưa ai rõ. Như vừa rồi trong chuyến "vi hành" của bí thư Quảng Bình đã phát hiện ra 15 cán bộ uống cafe trong giờ hành chính. Liệu có bao nhiêu công chức cũng uống cafe mà không bị phát hiện? Ở một số địa phương bí thư tỉnh ủy có đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh. Ví dụ như tôi phát hiện được một người nào đó đi làm việc riêng trong giờ hành chính, tiếp khách say sưa buổi trưa. Tôi có thể nhắn tin cho bí thư.

Tuy nhiên, có bao nhiêu trường hợp như vậy được phản ánh. Hay đó chỉ là những trường hợp "chơi nhau", muốn "hạ bệ" nhau? Trong cơ quan, các đồng nghiệp cũng đều uống rượu bia, nể nang thì ai phát giác, tố giác người vi phạm quy định. Tôi nghĩ nếu cố gắng làm thì có thể giảm được chút ít tình trạng sử dụng rượu bia vào buổi trưa của cán bộ, công chức. Chứ nếu nói với quy định này mà muốn giảm triệt để thì chắc chắn là không thể. Với hình thức xử lý vi phạm là xử lý, khiển trách thậm chí đuổi việc, tôi nghĩ cũng khó có thể làm được. Bởi xử lý phải có quy trình, ai lập biên bản, lập biên bản như thế nào? Mức độ vi phạm ra sao thì đuổi việc? Chúng ta cũng chưa có quy định cụ thể".                       

Nếu Luật Công chức chưa có qui định xử phạt thì cần sửa đổi, bổ sung

PGS.TS Đỗ Minh Cương, Vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban tổ chức Trung ương cho rằng: "Lệnh cấm này đúng với tinh thần và mục tiêu của Luật Cán bộ, công chức hiện hành. Theo tôi, nó không trái luật. Tất nhiên, việc xử phạt cũng phải theo tinh thần xây dựng chuẩn mực hành vi của người thực hiện công vụ; khách quan, công bằng, từ nhẹ đến nặng, răn đe tái phạm... Nếu Luật Công chức chưa có quy định về xử phạt loại hành vi này thì cần có kế hoạch sửa đổi, bổ sung. Trước mắt có thể điều chỉnh bằng các văn bản quy phạm pháp luật do Chính quyền địa phương, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành như đã bắt đầu làm ở trên. Mạnh hơn nữa, chúng ta cần có một quyết định cấm của Chính phủ".  

Thơm Lan

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.