Đằng sau những tin đồn
Theo tờ Washington Post, chủ đề đang gây xôn xao chính trường nước Mỹ hiện tại là những suy đoán về việc ai sẽ thay thế, nếu ông Rex Tillerson từ chức.
Những dấu hiệu gần đây cho thấy Ngoại trưởng Tillerson đang dần trở nên mờ nhạt trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, có hai nhân vật đang dần nổi lên trong vai trò thay thế.
Tương lai của ông Tillerson bắt đầu gây tranh cãi khi báo chí Mỹ đưa ra những tin đồn nói người đứng đầu ngoại giao chuẩn bị từ chức hồi đầu tháng này.
Trả lời câu hỏi với phóng viên, cựu Giám đốc ExxonMobil không khẳng định cũng không phủ định thông tin trên. Nhưng ông hứa sẽ ở lại nếu “Tổng thống vẫn còn trọng dụng”.
Trong một tuyên bố công khai, Tổng thống Trump cũng lên tiếng xóa bỏ hiềm khích khi dành niềm tin tuyệt đối tới nhà ngoại giao hàng đầu của mình, bất chấp tin đồn cho rằng ông Tillerson đã gọi Tổng thống là “kẻ ngốc”.
Dẫu vậy, ngay từ khi lên nắm quyền vào tháng Một, Tổng thống Trump không dành sự tin tưởng cho bộ Ngoại giao trong việc tìm lời khuyên, hay xử lý các nhiệm vụ đối ngoại. Một cách xử lý được cho là hiếm có trong tiền lệ.
Thay vào đó, giới phân tích cho rằng, ông thường lắng nghe lời khuyên từ các cố vấn xuất thân quân sự, vốn được trọng dụng dày đặc trong nội các của mình.
Trong các tuyên bố ngoại giao chính thức về một số vấn đề quan trọng, đặc biệt là Triều Tiên, ông chủ Nhà Trắng cũng giao phó cho Đại sứ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, thay vì tìm đến người phát ngôn bộ Ngoại giao hay bản thân Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Điều này dẫn đến việc Ngoại trưởng Tillerson bị đánh giá là người có ít thực quyền nhất trên cương vị của mình trong nhiều đời Tổng thống trở lại đây.
Có ý kiến phân tích cho rằng, nếu ông Tillerson từ chức, vị trí này có thể sẽ được dành cho một trong hai ứng viên nổi bật: Đại sứ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley và Giám đốc CIA Mike Pompeo.
Hai ứng viên nổi bật
Haley nhận được nhiều lời ca ngợi đến từ các nhân vật cả trong và ngoài chính trường, dù bà chỉ mới bắt đầu nhiệm kỳ của mình ở Liên Hợp Quốc không lâu.
Nổi bật với những tuyên bố đại diện cho quan điểm của Washington về những vấn đề như biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên – Haley đã giúp thể hiện một lập trường cứng rắn và nổi bật ở Liên Hợp Quốc.
Không giống như Ngoại trưởng Tillerson – người vẫn còn đang lúng túng trong việc bổ nhiệm các nhân sự chủ chốt ở bộ Ngoại giao, bà Haley nhanh chóng tập hợp được đội ngũ cố vấn hàng đầu, giúp công việc của bà ở New York trở nên trơn tru.
Nữ Đại sứ tại Liên Hợp Quốc đã xây dựng hình ảnh một nhà ngoại giao chuyên nghiệp trong vỏ bọc của một đại diện vốn rất ít có tiếng nói trong quá khứ.
Tuy nhiên tờ Washington Post đánh giá nếu đảm nhiệm vai trò mới,chưa chắc đã tốt cho bà Haley.
Chính vì lý do làm việc ở Liên Hợp Quốc thay vì Nhà Trắng đã giúp bà tránh xung đột nội bộ và có thể hành động một cách độc lập.
Nếu trở thành Ngoại trưởng, có thể nữ Đại sứ này sẽ chịu chung số phận mờ nhạt như ông Tillerson. Do đó, việc thăng chức đối với Haley sẽ là một canh bạc lớn.
Ngược lại, Giám đốc CIA Mike Pompeo có thể sẽ là một Ngoại trưởng có quan hệ sâu sắc hơn với Tổng thống Trump và quan điểm của ông cũng phù hợp với nhiều người ở Nhà Trắng.
Ông là nhân vật có quan điểm cứng rắn về Iran và tin rằng Nga đã can thiệp trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Là nhân vật có tính cách thẳng thắn, Pompeo tỏ ra phù hợp cho vai trò làm kịch tính thêm những tuyên bố của Nhà Trắng.
Mặc dù việc chuyển hướng sang con đường chính trị là điều mà giới chức CIA cảm thấy khó chịu thì ngược lại, không có vấn đề gì khi một Giám đốc CIA trở thành người đứng đầu ở bộ Ngoại giao.
Một số báo cáo cho rằng nếu Pompeo được giao việc tại bộ Ngoại giao, Thượng nghị sĩ bang Arkansas - Tom Cotton là người phù hợp cho vị trí Giám đốc CIA còn trống.
Cotton là thượng nghị sĩ hiếm hoi có quan hệ tốt với Tổng thống Trump và đội ngũ Nhà Trắng. Việc trở thành Giám đốc CIA sẽ là bước đệm thuận lợi cho Cotton trên con đường chính trị sau này.
Tuy vậy, những đồn đoán và "kịch bản nhân sự" này có xảy ra hay không, vẫn phải chờ thời gian trả lời.