Trong văn bản báo cáo tổng hợp từ các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP, tập đoàn kinh tế Nhà nước, cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ thông báo chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng tiền, tài sản công không đúng quy định; lãng phí, tặng quà, nhận quà không đúng quy định trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. Đây là một con số không nằm ngoài dự đoán của chính những người làm công tác này và dư luận.
Liên quan đến kết quả này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng.
Là người đã có nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến hối lộ, tham nhũng, ông có đánh giá gì về kết quả năm nay tiếp tục không phát hiện trường hợp nào biếu, nhận quà Tết sai quy định?
Tôi cho rằng kết quả này không quá bất ngờ và cũng không ngoài suy đoán của nhiều người. Việc biếu quà Tết có diễn ra là một chuyện nhưng phát hiện hay không lại là chuyện khác. Đặc biệt, với cách báo cáo có nhận quà Tết sai quy định hay không thì không có ai làm rõ ràng được cả. Trừ phi, chính người được biếu quà Tết nói: “Tôi nhận quà Tết sai quy định, tôi đi quà Tết sai quy định”. Nhưng chắc chẳng có trường hợp nào như vậy! Trong trường hợp này, không phải dùng luật mà được mà đây là chuyện đức nhiều hơn”.
Như ông nói, việc này là chuyện đức nhiều hơn là dùng luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng có thể đó là hiệu quả từ việc trước Tết đã có những chỉ thị quyết liệt về vấn đề này nên khiến các đối tượng “chùn tay”?
Có thể những răn đe trước Tết thực sự hữu ích nên mang lại kết quả như vậy. Nhưng rõ ràng, những người đưa, nhận hối lộ không phải vì răn đe đó mà sợ. Vì họ không đưa quà Tết, họ đưa lúc đầu năm, rằm tháng Giêng, dịp lễ giỗ Tổ…không thiếu thời gian, cơ hội để hối lộ, tham nhũng nếu họ có động cơ. Bởi thực tế, việc hối lộ, tham nhũng có nhiều biểu hiện tinh vi mà nhìn cái khó có thể thấy ngay được.
Có ý kiến cho rằng, nếu năm nào cũng không phát hiện được trường hợp biếu, nhận quà Tết sai quy định, vậy việc bắt phải báo cáo, cấm như các năm vừa qua là không cần làm. Cá nhân ông có đồng ý với quan điểm này?
Tôi nghĩ vẫn cần bởi nó mang tính răn đe, nhắc nhở thường xuyên. Điều đó còn hơn là việc kéo rồng rắn công khai đến các nhà lãnh đạo đưa quà, ầm ĩ. Tôi nghĩ cũng không quá bi quan vì có thể việc làm quyết liệt khiến những người muốn đưa quà Tết “chùn tay”. Nhưng không phải vì thế mà xong, chúng ta dặn là không biếu Tết chứ đâu có dặn là không biếu, nhận rằm tháng Giêng! Gốc rễ là làm sao chống được tham nhũng lâu dài, căn bản, bền vững.
Đúng là xung quanh các báo cáo của các cơ quan Nhà nước liên quan đến biếu, nhận, chúc Tết, người dân băn khoăn về tính chính xác, khách quan. Nhưng họ có quyền đưa ra các báo cáo của mình. Còn các tổ chức xã hội khác cũng có thể đưa ra các báo cáo của riêng mình, nếu 2, 3 tổ chức đều cho ra số liệu khác với báo cáo của cơ quan Nhà nước, đương nhiên con số của cơ quan quản lý là không thuyết phục.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm