Theo nguồn tin của PV, cuộc họp ngày 5/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã bàn, thống nhất phương án điều chuyển Bí thư Thành ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chinh sang làm Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã quyết định điều động, bổ nhiệm người thay thế vị trí Bí thư Thành ủy TP.Bắc Ninh của ông Nguyễn Nhân Chinh là ông Tạ Đăng Đoan, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh.
Trước đó (ngày 22/7), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh quyết định chỉ định Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chinh giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh. Ông Nguyễn Nhân Chinh là con trai ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đương nhiệm.
Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ định ông Nguyễn Nhân Chinh giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, Ban Tổ chức Trung ương đã có văn bản yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh xem xét lại các quyết định về nhân sự theo thẩm quyền. Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu cấp có thẩm quyền tỉnh Bắc Ninh phải bám sát các quy định, phân tích đánh giá kỹ lưỡng, thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong bố trí cán bộ.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, Ban Tổ chức Trung ương vào cuộc, yêu cầu kiểm tra việc điều động, chỉ định ông Nguyễn Nhân Chinh giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh là kịp thời để xử lý, trấn an dư luận. Theo ông Hòa, việc chỉ định ông Nguyễn Nhân Chinh làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh trước đó là có sự "nể nang".
Liên quan đến thông tin từ một số cơ quan báo chí, ông Nguyễn Nhân Chinh đã xin rút khỏi danh sách quy hoạch bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh để chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trao đổi với PV qua điện thoại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng nhận định, việc ông Nguyễn Nhân Chinh xin rút khỏi danh sách quy hoạch bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy là một quyết định tốt và chắc chắn được nhiều người ủng hộ.
Quay trở lại công tác nhân sự, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhận định, để xây dựng được đội ngũ cán bộ vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, công tác lựa chọn nhân sự trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp phải thực hiện liên tục, xuyên suốt, có khảo sát thực tế và lắng nghe nhiều chiều.
Phải nắm vững tiêu chuẩn công tác cán bộ của đảng. Tiêu chuẩn cán bộ nêu rõ những vấn đề phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực trình độ, quan hệ xã hội… Căn cứ vào những tiêu chí đó để lựa chọn người đủ đức, đủ tai. “Công tác cán bộ nhất thiết phải nghe ngóng ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thưởng, những người chuẩn bị ứng cử, đề cử vào cấp ủy phải qua quy hoạch cán bộ (có sự chuẩn bị từ dưới lên trên, chứ không thể bất thường mà vào được dánh sách ứng cử đề cửu được-PV). Công tác cán bộ phải minh bạch, nếu phát hiện ra người không xứng đáng cần loại bỏ.
Theo đánh giá của ông Lê Quang Thưởng, thời gian qua, công tác cán bộ làm khá tốt, có nhiều chuyển biến tích cực tuy nhiên cũng có chỗ này chỗ khác làm chưa tốt. Chính vì vậy, thông qua dân chủ trong cấp ủy, đảng bộ và nhân dân góp ý kiến để lựa chọn cán bộ. “Tất cả cán bộ đều ở một tổ chức, tất cả cán bộ cũng phải sinh sống ở một khu dân cư thì “tai mắt” của dân sẽ nắm được. Theo tôi, phải có dân chủ hóa mới tìm được những người tài và loại bỏ những người không xứng đáng ra khỏi cấp ủy”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lê Quang Thưởng, công tác kiểm tra, giám sát cán bộ phải đặt lên hàng đầu. Giám sát phải thông qua tổ chức, không thể làm tùy tiện. Thông qua các tổ chức đại diện cho nhân dân như Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân… để lắng nghe ý kiến và giám sát. Trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh, sau khi được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh gây nhiều ý kiến trái chiều. “Khi báo chí thông tin và có nhiều ý kiến khác nhau thì Ban Tổ chức Trung ương đã có ý kiến xem xét lại”, ông Thưởng nói.
Theo ông Thưởng, công tác giám sát cán bộ phải được đẩy mạnh, dựa vào các cơ quan chuyên trách của đảng như: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra các tỉnh, cơ quan tổ chức của cán bộ, các đoàn thể nhân dân. Trong đó, vai trò giám sát của cán bộ, đảng viên nơi làm việc, nhân dân nơi cư trú, các tổ chức chính trị - xã hội cần được phát huy hơn nữa trong quá trình giới thiệu, bổ nhiệm để không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài.
Hương Lan