Trong khi cộng đồng phía hạ lưu một số đập thủy điện kêu than thiếu nước thì chủ đầu tư và một số cơ quan quản lý trực tiếp vẫn khăng khăng đã làm đúng những gì được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trả nước cho sông quá ít
Điển hình như cuộc đấu tranh vì nước sông Ba nổ ra ngay khi thủy điện An Khê – KaNak tích nước và phát điện. Cả hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên đều phản ứng gay gắt việc lượng nước được trả về sông Ba sau đập An Khê được cho là quá ít so với nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt là duy trì sự sống cho dòng sông.
“Trong vấn đề thủy văn, môi trường, việc chuyển nước từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác là tối kỵ. Tôi tham khảo nhiều tài liệu, ở một số nước đã phải phá đập, bỏ những thủy điện không cần thiết để trả nước cho sông, cho hệ sinh thái… Họ tính toán thấy rằng giá trị phát điện không bằng giá trị môi trường” - Ông Trần Trung Thành (phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây nguyên) |
Trước thực tế như vậy, thủy điện An Khê – KaNak vẫn một mực khẳng định làm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt đầu năm 2007. Cụ thể là trả nước về sông Ba sau đập An Khê chỉ 4m3/giây (44 triệu m3/năm).
Trong khi đó, theo số liệu thống kê nhiều năm về khí tượng thủy văn của vùng thì dòng chảy kiệt tại tuyến An Khê hơn 10m3/giây, tại tuyến KaNak hơn 7m3/giây.
Điều này cho thấy Bộ Tài nguyên và môi trường khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phá vỡ quy luật tự nhiên của dòng sông. Kết quả là khu vực có hàng trăm nghìn dân sống nhờ vào nước sông này gặp khó khăn. Chỉ tính riêng tỉnh Gia Lai có hơn 450.000 dân ở tám huyện, thị xã phía đông nam của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lượng nước tối thiểu trên sông Ba sau đập An Khê khô kiệt.
Thời gian qua, nhiều lần các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ, bộ ngành trung ương xem xét lại lượng nước xả về sông Ba, trong đó có kiến nghị của UBND tỉnh đối với Bộ Tài nguyên và môi trường. Dù không nói thẳng mức xả 4m3/giây thiếu cơ sở thực tế, nhưng văn bản kiến nghị của UBND tỉnh dẫn chứng mức nước kiệt nhất của sông cao hơn mức xả này gấp nhiều lần.
Sai lầm nối tiếp sai lầm?
Theo cách lý giải thường thấy ở nhiều thủy điện khác, lãnh đạo bộ phận quản lý thủy điện thượng Kon Tum (chặn sông Đắk Snghé, tỉnh Kon Tum) khẳng định làm đúng như những gì được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó quy định trả nước về sông Đắk Snghé 0,9m3/giây. Thậm chí hiện còn đang làm hơn những gì được phê duyệt, thủy điện chủ động thiết kế van đảm bảo xả trả nước về sông đến 3m3/giây nếu được yêu cầu xả đến mức này.
Theo số liệu đo đạc thực tế lượng nước của sông Đắk Snghé, sông Đắk Bla từ năm 2003 đến nay, lưu lượng nước thấp nhất trên sông Đắk Snghé (đo tại trạm Kon Plong) đều trên 10m3/giây, còn trên sông Đắk Bla hầu hết trên 15m3/giây. Lượng nước lúc kiệt nhất của sông đều gấp hàng chục lần so với lượng nước mà phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đã đồng ý cho thủy điện thượng Kon Tum xả trả lại cho sông Đắk Snghé (chảy về sông Đắk Bla) là 0,9m3/giây.
Trao đổi PV, ông Nguyễn Văn Huy – giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum – cho biết lưu lượng nước kiệt nhất của 20 năm qua ghi nhận được tại trạm Kon Plong (đoạn cuối của sông Đắk Snghé, cách đập thủy điện khoảng 25km) cũng đã ở mức 6,69m3/giây, cao hơn gấp sáu lần lượng nước thủy điện thượng Kon Tum trả nước về sông này. Còn trên sông Đắk Bla, lưu lượng nước kiệt nhất trong 35 năm qua ghi nhận được ở mức 12,6m3/giây.
Bình luận nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện thượng Kon Tum (phiên bản 2007, 2008 và bổ sung 2011), các nhà khoa học của Viện Tư vấn phát triển nêu rõ báo cáo này chưa đánh giá đầy đủ, chưa dự báo được toàn diện về những tác động, ảnh hưởng đến chế độ thủy văn, môi trường và những nguy cơ sự cố môi trường. Thực hiện chức năng phản biện, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kon Tum cũng gửi văn bản lưu ý UBND tỉnh Kon Tum khi cho rằng nếu thủy điện thượng Kon Tum tích nước hồ chứa, sông Đắk Bla chảy qua thành phố Kon Tum sẽ bị cạn, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống nhân dân vùng hạ lưu.
Với số liệu và luận cứ nêu trên, có thể nói phê duyệt về quy định trả nước của Bộ Tài nguyên và môi trường đã tạo điều kiện cho thủy điện thượng Kon Tum bức tử hạ lưu sông Đắk Snghé, đồng nghĩa với việc cắt nguồn nước đổ về sông Đắk Bla.
Theo Tuổi Trẻ