“Họ ở khắp nơi và đang tiến gần nước Mỹ”
Các phần tử khủng bố quốc tế đã chọn bán đảo Arale (AQAP) Yemen làm nơi đặt đại bản doanh của Al-Qaeda. Từ rất lâu, cùng với thời gian, chúng được chính quyền Taliban ở Afghanistan dung túng, chứa chấp. Chính từ nơi đây, chúng vươn tầm để phát triển lực lượng và tổ chức các hoạt động rộng khắp Bắc Phi, gây nên mối lo ngại cho Mỹ, phương Tây và nhiều quốc gia trong khu vực.
Thủ lĩnh chân rết Al-Qaeda tại Yemen Qassim al-Rimi .
Là một tổ chức khủng bố lớn, đương nhiên, chúng không thể bỏ qua sự kiện khủng bố Boston diễn ra cách đây hơn một tháng. Qassim Al-Rimi, thủ lĩnh của nhóm Al-Qaeda đặt tại Yemen đã kêu gọi người Hồi giáo tại Mỹ tiếp tục bảo vệ tín ngưỡng của mình và cảnh báo nền "an ninh yếu ớt" (từ của Al-Qaeda) của nước này trong một thông điệp ghi âm đăng tải trên mạng. Nội dung của thông điệp mang tên "Lá thư gửi nhân dân Mỹ" khẳng định các vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ sẽ khó có thể được ngăn chặn kịp thời và người dân Mỹ sẽ phải sống trong sự cảnh giác, nỗi lo sợ cao hơn.
Thông điệp như sau: "Sự kiện Boston... và lá thư tẩm độc (gửi tới Nhà Trắng), bất kể ai đã thực hiện việc này, đều cho thấy an ninh của Mỹ không còn nằm trong tầm kiểm soát. Những cuộc tấn công đó còn tái diễn và không thể ngăn lại được. Mỗi ngày, người dân Mỹ sẽ được chứng kiến những "bất ngờ" và các nhà lãnh đạo sẽ không kịp bảo vệ người dân khỏi những "bất ngờ" đó".
Sự kiện Boston mà vị thủ lĩnh chân rết của Al-Qaeda đề cập đến chính là vụ nổ bom do hai anh em Dzhokhar Tsarnaev (19 tuổi) và Tamerlan Tsarnaev (26 tuổi, đã chết) thực hiện. Hai nghi phạm đã bị cáo buộc tội cố ý giết người, gây ra cái chết cho ba người và làm hơn 260 người bị thương. Tamerlan đã bị thiệt mạng trong cuộc đọ súng với cảnh sát, còn Dzhokhar hiện đang bị giam giữ và chờ ngày xét xử.
Thủ lĩnh Al-Qaeda cũng úp mở rằng, vụ việc lần này hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu chính quyền Hoa Kỳ hành động theo các cảnh báo từ phía Nga cung cấp cho Cục điều tra liên bang Mỹ FBI. Thực sự, các nhân viên tình báo Mỹ đã nhận được một lời cảnh báo về nghi phạm khủng bố vào năm 2010. Lời cảnh báo cho rằng, Tamerlan Tsarnaev đang chuẩn bị tham gia vào một cơ quan khủng bố đặt tại khu vực phía Nam của Nga Dagestan.
Thủ lĩnh Al-Rimi còn nhấn mạnh, cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden và thủ lĩnh Yemen Anwar Al-Awlaki không giúp chấm dứt cuộc chiến chống Mỹ của các phần tử Hồi giáo mà còn làm tăng thêm sự phẫn nộ trong cộng đồng đạo Hồi. Al-Rimi cảnh báo: "Các người nghĩ rằng loại bỏ các nhóm thánh chiến ở Afghanistan là an toàn ư? Sai rồi. Họ ở khắp nơi và đang tiến gần nước Mỹ hơn khi "lỗ thủng" an ninh đang rộng dần".
Trùm khủng bố Osama bin Laden dù đã chết vẫn là nối ám ảnh.
Cảnh giác cao độ
Trong thông điệp "Lá thư gửi nhân dân Mỹ", thủ lĩnh Al-Rimi có nhắc đến vụ việc xảy ra gần đây là ba lá thư có tẩm chất độc ricin. Một lá thư gửi tới dinh thự Tổng thống Mỹ Barack Obama, một lá gửi cho Thượng nghị sĩ Roger Wicker, lá còn lại gửi đến thẩm phán Sadie Holland Alexander. Qassim Al-Rimi cho rằng siêu cường số một thế giới không còn an toàn như trước, nước Mỹ đang dần mất kiểm soát với tình hình an ninh trong nước và đang yếu kém hơn theo từng ngày.
Ngay đến hệ thống an ninh mạng của Mỹ mới đây cũng bị các tin tặc tấn công, hàng loạt hệ thống vũ khí tối tân của Mỹ đã bị đánh cắp dữ liệu. Các nhóm chuyên gia quốc phòng và cố vấn quân sự Mỹ cho rằng, hàng chục thiết kế và công nghệ hệ thống vũ khí then chốt đã rơi vào tay các tin tặc làm dấy lên một sự mơ hồ về khả năng thắt chặt an ninh và bảo mật của Mỹ.
Theo bản báo cáo, các loại vũ khí này gồm có hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao theo khu vực THAAD, máy bay cánh xoay V-22 Osprey, hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot PAC-3, máy bay không người lái Global Hawk, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis và máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35. Các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng về lâu dài, các dữ liệu này sẽ giúp những người có được tài liệu gia tăng lợi thế trong bất kỳ cuộc đối đầu nào hoặc nâng cao khả năng khủng bố, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh nước này.
Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh, không có bất kỳ nguy cơ nào gây nguy hiểm cho người dân Mỹ, nhưng cũng nhắc nhở rằng, mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada vẫn nhắm vào các mục tiêu ở nước Mỹ và có khả năng tiến hành các vụ tấn công chống Mỹ cũng như các cơ sở của Mỹ trên thế giới. Bởi vậy, nước Mỹ cần hết sức đề phòng và cảnh giác với mọi tuyên bố từ tổ chức này. Có thể, lời cảnh báo mới nhất này của thủ lĩnh Al-Qaeda là lời đe dọa đến sự an toàn của người dân nên Mỹ cần thắt chặt an ninh hơn, theo dõi mọi động thái của tổ chức này cũng như các nhóm Hồi giáo cực đoan khác.
Những chân rết nguy hiểm Lực lượng Al-Qaeda trên bán đảo Ả-rập tại Yemen được coi là nhánh nguy hiểm nhất của tổ chức khủng bố này. Ngoài ra, tổ chức này còn thành lập rất nhiều nhánh tại khắp nơi trên thế giới. Hoạt động của Al-Qaeda được thực hiện theo lối đánh du kích của những kẻ cuồng đạo, cực đoan và vô cùng liều lĩnh. Bởi vậy, các cuộc tấn công của Al-Qaeda thường bất ngờ và gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Trong suốt hàng chục năm, Al-Qaeda đã gây nên hàng trăm vụ khủng bố quy mô, làm hàng nghìn người chết và bị thương, thiệt hại về vật chất và tinh thần khó có thể tính hết. Những hoạt động khủng bố này chủ yếu nhằm vào nước Mỹ và những nước đồng minh của Mỹ. Phương thức hoạt động của Al-Qaeda dựa vào việc đánh bom liều chết, tổ chức ám sát và bắt cóc con tin. Al-Qaeda liên tục tục tổ chức các cuộc đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại các nước châu Phi, Trung Đông, Đông Nam Á và Nam Á. Ngoài các hoạt động khủng bố trên, Al-Qaeda còn tích cực tham gia vào các cuộc xung đột tại tất cả các điểm nóng trên thế giới. Cuộc chiến chống lại chúng còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Nhưng nếu các quốc gia luôn luôn đề cao cảnh giác, có nhiều biện pháp ngăn chặn thì nhất định sẽ đẩy lùi được nạn khủng bố, giữ vững an ninh chính trị và cuộc sống hoà bình. |
An Mai (Theo AFP)