Những năm tháng hoạt động ở nước ngoài của Nguyễn Ái Quốc
Trong cuốn sách Ho Chi Minh: A Life (Hồ Chí Minh: Một cuộc đời) với lời tựa: "Gửi tặng nhân dân Việt Nam" của mình, tác giả William J. Duiker đã dành gần 30 năm đi lại nhiều nơi, thu thập nhiều tài liệu để thực hiện công trình đồ sộ về cuộc đời lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Cuốn sách mô tả, trong những năm tháng tuổi trẻ, Hồ Chí Minh hay còn được biết đến với cái tên Nguyễn Ái Quốc đã là một thanh niên say mê lý tưởng "tự do, bình đẳng, bác ái" của nước Pháp, ông muốn tìm đến tận nơi để xem nước Pháp đẹp đẽ đó ra sao. Nhưng luật lệ thực dân cấm người Việt rời khỏi đất nước, cách duy nhất giúp ông đến được châu Âu đó là tìm kiếm một công việc trên một con tàu viễn dương.
Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, Hồ Chủ tịch lấy tên là Văn Ba rời Việt Nam lên đường sang Pháp. Trong chuyến hành trình của mình, Nguyễn Ái Quốc làm việc trong nhà bếp trên tàu và có dịp đến thăm Marseilles và các cảng ở châu Phi và Bắc Mỹ. Trong những năm tháng lênh đênh trên biển, ông dành thời gian rảnh rỗi nghiền ngẫm các tác phẩm của các tác gia vĩ đại như Shakespeare, Tolstoy, Marx, Zola...
Thế chiến thứ nhất nổ ra, Hồ Chí Minh đến sống ở London, nơi ông làm công việc dọn dẹp tuyết ở một trường học và là phụ bếp ở khách sạn Carlton Hotel. Các đầu bếp nơi đây rất muốn đào tạo ông trở thành một tay bếp chuyên nghiệp, tuy nhiên chàng thanh niên 24 tuổi người Việt tỏ ra quan tấm đến chính trị nhiều hơn. Ông gia nhập Hiệp hội lao động nước ngoài, với đa số hội viên là người châu Á và tham gia một số hoạt động của hội ở nơi đây.
Năm 1918, Người trở về Pháp, thuê một phòng tại căn nhà số 9 ngõ Compoint, Quận 17, Paris và làm công việc chỉnh sửa ảnh. Căn phòng trọ rất thiếu thốn tiện nghi, không có lò sưởi nên mùa đông rất lạnh. Bởi vậy, cũng giống như những người nghèo ở Pháp khi đó, mỗi buổi sáng mùa đông trước khi đi làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều để một viên gạch vào lò bếp của bà chủ nhà, chiều về lấy viên gạch ra, bọc vào trong những tờ báo cũ rồi lót xuống nệm cho đỡ rét.
Ngày 18/6/1919, nhân danh một nhóm người Việt Nam yêu nước Người gây tiếng vang ở Hội nghị Hòa bình Versailles với bản "Yêu sách của nhân dân An Nam", trong đó yêu cầu chính phủ Pháp thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
Năm 1921, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số nhà yêu nước của các thuộc địa Pháp lập ra Hội Liên hiệp Thuộc địa. Năm 1922, Người cùng một số nhà cách mạng thuộc địa lập ra báo Le Paria (Người cùng khổ). Cùng thời gian này, người đảm nhiệm chức trưởng Tiểu ban Đông Dương của Đảng Cộng sản Pháp.
Trong toàn bộ thời gian sống trên đất Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trải cuộc sống bằng cách làm việc nửa ngày. Lúc làm thuê tại một tiệm rửa ảnh, khi vẽ khoán cho một xưởng vẽ truyền thần. Thời gian còn lại, Người theo học dự thính tại Đại học Sorbonne và tại Thư viện Quốc gia Pháp.
Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc đến Moscow học tập tại trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội lần thứ 5 Quốc tế Cộng sản, Người được cử làm ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam.
Đến năm 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô tới Quảng Châu, Trung Quốc bắt đầu công tác đào tạo cho nhóm các thanh niên yêu nước Việt Nam. Tháng 6 nǎm 1925, trên cơ sở số cán bộ được huấn luyện, Nguyễn Ái Quốc thành lập "Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng”, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau vài năm hoạt động ở các quốc gia khác, cuối nǎm 1929, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Trung Quốc, triệu tập Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu nǎm 1930
Thời điểm đó, ba tổ chức cộng sản tại Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, tuy mới thành lập nhưng đã mâu thuẫn rõ rệt và tranh giành sự ủng hộ của quần chúng không nêu rõ mục tiêu cách mạng cụ thể cho Việt Nam.
Ngày 3/2/1930 tại Cửu Long, thuộc Hương Cảng (Hồng Kông), Hồ Chí Minh thống nhất ba tổ chức đảng cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đề ra Chính cương, Sách lược, Điều lệ vắn tắt của Đảng, mở ra chương mới trong lịch sử đấu tranh giải phóng đất nước.
Quốc tế nói về Bác Hồ
"Trong số các chính khách thế kỷ 20, Hồ Chí Minh là người nổi bật hơn cả về sự bền bỉ và kiên nhẫn, phẩm chất đã giúp Người theo đuổi mục tiêu độc lập dành cho Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã thành công khi kết hợp lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản và tinh thần của chủ nghĩa dân tộc", nhà báo kỳ cựu Alden Whitman đã từng viết như vậy về Bác Hồ trên tờ New York Times vào năm 1969.
Trong bài viết dài nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo Whitman mô tả: "Nguyễn Ái Quốc là một thanh niên với khao khát tìm kiếm con đường giải phóng Việt Nam khỏi ách thuộc địa của Pháp, kiên trì nắm bắt những cơ hội rất rất nhỏ của mình, đến mức sự thành công của ông đôi khi trở thành một điều gì đó vô lý trong mắt người khác".
Trong giai đoạn Mỹ nhảy vào miền nam Việt Nam, đặc biệt là sau năm 1964, Hồ Chí Minh duy trì một sự cân bằng tinh tế trong mối quan hệ với Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, những quốc gia đang hỗ trợ rất nhiều về thực phẩm và hàng hóa cho Việt Nam khi đó dù hai cường quốc cộng sản đang có những bất hòa.
Đối với 19 triệu người ở phía bắc vĩ tuyến 17 và hàng triệu người dân Việt Nam, Hồ Chí Minh với dáng người gầy gò, gương mặt khắc khổ, chòm râu dài, má trũng và đôi mắt sáng là một vị cha già dân tộc, một George Washington của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được người dân khắp nơi yêu quý và gọi trìu mến là “Bác Hồ”. Dù cuộc chiến còn nhiều gian nan, mỗi khi có thời gian, Bác Hồ thường xuyên đến thăm các thôn làng hay thị trấn, trường học và thích trò chuyện với các em học sinh. Những người phương Tây biết Người đều tin rằng, không chỉ là một nhà chính trị bậc thầy khiến kẻ thù nể sợ, Người còn là một Chủ tịch có tấm lòng yêu thương người dân vô hạn.
Thông minh, tháo vát và tận tâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại những ấn tượng sâu sắc với nhiều người đã từng có dịp tiếp xúc. Một trong số đó là Harry Ashmore thuộc Trung tâm nghiên cứu Thể chế Dân chủ và là cựu biên tập viên của báo Arkansas.
"Người là một người tao nhã, một quý ông lịch thiệp và trong sáng", ông Ashmore kể lại. Tại cuộc gặp mặt, Người ăn vận giản dị với chiếc áo cao cổ kiểu pyjama đặc trưng, cùng đôi dép cao su.
Cuộc đối thoại giữa 2 người bắt đầu bằng tiếng Việt cùng với một phiên dịch viên, nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang tiếng Anh. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó đã gây kinh ngạc cho ông Ashmore khi sử dụng tiếng Anh một cách thông thạo. Càng bất ngờ hơn khi Người còn sử dụng tốt các ngoại ngữ khác như tiếng Hoa, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Nga.
Không chỉ với người Mỹ, Hồ Chủ tịch còn gây ấn tượng tốt với nhiều nhân vật nổi tiếng khác, trong đó có nhà lãnh đạo Ấn Độ Jawaharlal Nehru - người từng ca ngợi Bác Hồ là “đặc biệt dễ mến và thân thiện”.
Paul Mus, nhà Đông phương học người Pháp từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các năm 1946 và 1947 lại nhìn thấy ở nhà lãnh đạo Việt Nam hình ảnh “một nhà cách mạng không khoan nhượng, liêm khiết và giống như một vị thánh”.
Một tư lệnh hải quân Pháp sau khi quan sát Chủ tịch Hồ Chí Minh trong gần một tháng đã kết luận rằng người cha già của dân tộc Việt Nam là “một người thông minh, lôi cuốn, nhà lý tưởng say mê cống hiến cho sự nghiệp mình theo đuổi".
Viết trong cuốn sách Hồ Chí Minh: Một cuộc đời - tác giả là William J. Duiker, một học giả hàng đầu về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã so sánh ''Hồ Chí Minh là sự kết hợp sinh động: nửa Lênin, nửa Gandhi…”
Duiker viết: "Hồ Chủ tịch có một cái nhìn rõ ràng về hoàn cảnh đất nước và quốc tế, từ đó có một cách tiếp cận thực tế, linh hoạt và thể hiện sự kiên nhẫn và tinh tế trong việc tìm kiếm các giải pháp ngoại giao. Người luôn tìm ra cách để thành công mà không cần dựa vào lực lượng quân sự".
Quốc Vinh