Đối với đại đa số các gia đình ở châu Phi, và nhiều nơi khác nữa, có một thành viên chơi bóng chuyên nghiệp đồng nghĩa kéo theo mong ước đổi đời của cả dòng họ. Chẳng thế mà mới đây, sau bao thời gian đàm phán căng thẳng, vừa tới Barca Alex Song đã yêu cầu ban lãnh đạo thửa ngay cho mình chiếc áo mang số 27, biểu thị cho... 27 người anh chị em ruột của mình.
Chuyện nghe cứ như đùa nhưng lại hoàn toàn có thật. Gia đình của tân binh của Barca có tới 10 anh em trai và 17 chị em gái chưa kể đàn cháu lít nhít và họ hàng thân thuộc đông đúc đang sinh sống tại Cameroon.
Alex Song là ví dụ kinh điển về thoát nghèo nhờ bóng đá
Vào ngày ra mắt Song tại Nou Camp, tất cả các nam phụ lão ấu, anh em họ hàng cả chục người cùng một số gia đình... quen biết sơ sơ nhà gã (đấy là chưa kể hội đồng hương Cameroon ở Tây Ban Nha mang tên Bassa với... 289 thành viên) cùng kéo đến ngồi chật kín khán phòng họp báo. Họp báo gì mà phóng viên thì ít mà nhà Song thì nhiều.
Nhìn vào, nhiều người không hiểu sẽ tự hỏi: "Cái quái gì đang diễn ra ở đây vậy? Người Cameroon đang xâm chiếm Catalan chăng? Chứ gì nữa, ở Douala tỉnh Littoral, Cameroon gã trai này sinh ra làm gì đã có người oách đến như vậy, chơi cho Barcelona cơ đấy, đâu phải chuyện đùa. Vậy nên họ thiết nghĩ tất cả phải có mặt tại buổi lễ trọng đài này và quậy tới bến.
Vào năm 2006, Song gia nhập Arsenal, tuy nhiên đội bóng thành London lại không có cơ hội vui đến thế này. Cũng phải thôi, khi ấy Song mới chân ướt chân ráo đến với bóng đá đỉnh cao theo một bản HĐ có 1 triệu bảng, lương khởi điểm thì èo uột, nuôi thân chả đủ, đình đám rùm beng gây sự chú ý làm gì. Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã khác. Chàng Song lơ ngơ ngày nào ở Bastia được gã khổng lồ xứ Catalan trải thảm đỏ rước về, lương tới 70.000 bảng/tuần, chưa kể thưởng, tiền lót tay. Một người làm quan cả họ được nhờ. Rồi đây, cuộc đời họ sẽ chính thức sang trang, cả về danh tiếng và tiền bạc. Đổi đời rồi, nhờ Song, nhờ bóng đá...
Song Vịnh