Nỗi đau rơi vào câm nín
Tình cờ, tôi gặp chị Đỗ Kiều Trâm (tên nhân vật đã được đổi, ở TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) tại khoa Tim mạch, bệnh viện đa khoa, tỉnh Bắc Giang. Cùng ngồi hàng ghế chờ lấy kết quả, nhưng hầu như ai cũng chú ý tới chị, khiến tôi không thể không tò mò. Chị có sức hút những ánh mắt lạ bởi khuôn mặt hiền dịu và đặc biệt là đôi mắt biết nói của chị ứ nước hồ thu, khiến nó như níu kéo, như van nài bằng một thứ ngôn ngữ không lời. Không hiểu sao, tôi cứ bị ám ảnh bởi đôi mắt đó. Nó như chứa đựng một biển sầu u uất đầy đau đớn, dằn vặt. Và điều đó khiến tôi quyết tâm tìm hiểu vì sao...
Được biết, chị Trâm (SN 1987) sinh trưởng trong gia đình không mấy hạnh phúc, năm lên hai tuổi, cha mẹ chia tay nhau, 10 năm sau người mẹ qua đời. Cuộc sống khốn khó, lại càng khó thêm, 15 tuổi chị phải vừa đi học vừa đi làm. Và cũng tại nơi làm việc, chị đã bị tên giám đốc đội lốt yêu râu xanh hãm hiếp dẫn đến chứng lãnh cảm.
Ảnh minh họa.
Một bác sĩ xin phép được giấu tên (người trực tiếp chữa và điều trị cho chị Trâm về tim mạch) cho biết: "Tôi là hàng xóm gần nhà với cô Trâm, nên biết cô này từ nhỏ. Hoàn cảnh của cô ấy rất đáng thương, bố mẹ bỏ nhau, năm lên 10 tuổi, mẹ mất cô ấy ở với bà ngoại. Hiện tại có một số người đến hỏi làm vợ, nhưng cô ấy không lấy, mặc dù cô ấy rất xinh. Lý do chỉ vì năm 15 tuổi cô ấy bị hiếp dâm, hiện tại cô ấy đang mắc chứng lãnh cảm, một dạng của tổn thương tinh thần". Để tìm hiểu thực hư về sự việc trên, tôi đã tìm đến đúng địa chỉ, Huyện T. tỉnh Bắc Giang, nơi chị Trâm đang sinh sống hiện nay. Trò chuyện cùng với bà Ngô Thị H. là dì ruột của chị Trâm được biết, từ khi mẹ mất, chị Trâm ở với dì và bà ngoại. Hàng ngày Trâm giúp dì cùng làm ruộng, bản thân là đứa trẻ ngoan ngoãn, chịu khó nên Trâm sớm có ý thức tự lập.
Năm 15 tuổi, bà H. xin cho chị vào làm tạp vụ ở một công ty tại TP. Bắc Giang (cách nhà 2km). Ngày nào cũng vậy, Trâm đến công ty rất sớm quét dọn, đun nước đổ vào phích cho giám đốc và một số phòng ban. Mới vào làm, Trâm đã được các cô chú, anh chị trong công ty khen vì chịu khó và sạch sẽ. Công việc diễn ra như thường lệ, bỗng buổi trưa một ngày tháng 7 năm 2003, thời tiết oi ả, nóng nực, vị giám đốc công ty gọi Trâm lên vào đúng giờ nghỉ trưa với lời nhắc: "Cháu mang nước uống vào phòng cho chú".
Không một chút do dự, Trâm xuống bếp chất củi cho to lửa để đun sôi ấm nước, rồi xách ngay lên phòng ông giám đốc. Trong phòng tiếng nhạc to cất lên từ chiếc đài Mêlôđia khiến cô gái vừa bước qua tuổi 15 hơi giật mình. Vừa đặt siêu nước xuống, đưa tay lên gạt mồ hôi trên trán, chưa kịp đổ nước sôi vào phích, đột nhiên Trâm thấy ai đó đưa hai tay ôm chặt lấy mình, như hai gọng kìm xiết chặt khiến Trâm như muốn ngạt thở.
Nhanh như con mãnh thú, gã giám đốc vòng tay kéo Trâm lại, còn tay kia vặn loa to của chiếc đài Mêlôđia to hết cỡ. Mặc cho chị van xin kêu khóc, hắn kéo phăng chiếc quần ra khỏi cơ thể Trâm và thực hiện hành vi đồi bại của mình... Xong việc, hắn đứng dậy nói lời xin lỗi cô bé, còn Trâm trong trang phục xộc xệch, chạy thẳng về nhà người dì vừa khóc lóc trong tuyệt vọng vừa kể đầu đuôi câu chuyện cho dì nghe. Ngay buổi tối hôm đó, tên yêu râu xanh đến nhà Trâm, hắn quỳ xuống xin người dì tha tội cho hắn và đền tiền, nhưng người dì đã ném cả nắm tiền vào mặt hắn và đuổi hắn ra khỏi nhà. Lúc đó, do hiểu biết hạn hẹp, lại vì những lo âu, tủi hờn tột độ về sự việc tày trời, cả nhà đều giữ kín câu chuyện, không dám hé răng.
Ông Đỗ Bình Trí- Phó giám đốc bệnh viện Sản nhi Bắc Giang.
Đi về đâu, một tâm hồn đã chết?
Phải khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được Trâm chia sẻ về sự việc cách đây hơn 10 năm, khi chị còn là một cô gái mới lớn thơ ngây. Câu đầu tiên chị nói: "Tôi chỉ muốn chôn vùi quá khứ, tôi không muốn khơi lại những kỷ niệm buồn về cuộc đời mình". Thấy không khí khá căng thẳng, tôi quay ra hỏi thăm chị về cuộc sống hiện tại, đang làm gì và dự định sắp tới của chị ra sao. Hình như câu hỏi của tôi đúng với những tâm tư trong lòng chị, nên chị như cố gượng nở một nụ cười hiếm hoi. Và trên đôi mắt nhung huyền biết nói của chị, ánh những tia hi vọng nhưng còn đầy khắc khoải. Chị tâm sự: "Thời buổi nào cũng vậy, làm công việc gì cũng đòi hỏi phải có kiến thức, vì vậy tôi đang cố gắng đi học và tự học ngoại ngữ, ước mơ sẽ trở thành một phiên dịch giỏi, được mở rộng tầm nhìn ra thế giới, để không phải bó hẹp trong suy nghĩ tù túng, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mặc dù tôi đã già so với các em vừa tốt nghiệp đại học, nhưng chưa bao giờ tôi muốn ngừng việc học tập".
Chỉ chờ câu nói của chị, tôi hỏi, vậy những cái gì mình đã vấp phải nên dũng cảm, mở lòng nói ra sự thật để giúp người khác không bị rơi vào tình cảnh trớ trêu như mình. Chị nói: "Khi tôi mang nước vào phòng ông giám đốc, ông ấy xiết chặt ngang eo tôi, rồi bật nhạc to lên để át tiếng kêu của tôi, đồng thời ông ấy chốt cửa lại. Mặc dù tôi vừa khóc vừa xin lạy ông ấy tha cho: "Cháu xin chú đừng làm cháu như vậy!", nhưng hình như mọi lời nói cùng cử chỉ cào cấu của tôi chẳng ích gì. Ông ấy như con thú đang đói mồi, còn tôi thoi thóp, chết lặng dưới tấm thân như sắt của ông ấy...".
Được biết, sau lần bị hãm hiếp đó, Trâm đã có thai, người dì phải đưa đi phá thai khi đó chị chưa đầy 16 tuổi.
Chị Trâm đưa ánh mắt buồn vời vợi nhìn tôi, chia sẻ: "Sau khi tôi bị hãm hiếp, không phải vì dư luận xã hội, cũng không phải không có người hỏi cưới, mà thực sự tôi không muốn xây dựng gia đình. Dì tôi nói mãi và phải khóc nhiều về tôi, nên năm 24 tuổi tôi đành đồng ý lấy một người chồng như mong muốn của dì. Nhưng sau khi cưới, cứ mỗi khi chúng tôi gần nhau thì "gương mặt kẻ thứ ba" lại xuất hiện khiến tôi không làm tròn nghĩa vụ làm vợ. Và người chồng của tôi cũng dần lạnh nhạt, anh ấy đã bỏ tôi ra đi không nói một lời, cũng không hối tiếc. Hiện tại, đối với tôi là học tập và lao động, tôi không có ý định lấy chồng hay yêu ai nữa, vì bên cạnh họ tôi thấy mình cứ như gỗ đá. Bởi tôi luôn bị ám ảnh, đau khổ, dằn vặt với gương mặt kẻ đồi bại đã hãm hại tôi. Giờ tôi chỉ muốn vùi đầu vào việc gì đó để quá khứ thôi đày đoạ tôi...".
"Xin người đời đừng "tiếng bấc tiếng chì" với những nạn nhân như tôi..." Được sự động viên của người dì, chị Trâm thổ lộ: "Chuyện xảy ra lâu rồi, thời gian qua đi khiến nỗi đau bớt nhức nhối. Nhưng trong đáy tâm hồn tôi có lúc tôi ngỡ như mình đã chết. Không phải tôi ngại không dám nói ra, mà giờ đây cuộc sống của ông ấy chẳng ra sao. Cái giá mà ông ta phải trả là quá đắt, vợ ông ấy biết chuyện và đã bỏ đi, gia đình tan nát, họ cũng chẳng hạnh phúc gì, nên tôi không nặng lòng về vấn đề oán hận nữa. Tôi chỉ muốn nói một điều xin người đời đừng dị nghị, đừng tiếng bấc tiếng chì với những người bị hiếp dâm. Bởi nỗi tủi cực trong đáy tâm hồn họ, không người ngoài nào hiểu nổi" |
Lương Liễu
Kỳ 3: Phải xử nặng "yêu râu xanh" và đừng "bỏ rơi" các nạn nhân