Những "bê bối" khiến dư luận phẫn nộ
Dư luận đang hết sức bất bình vì cùng thời điểm đang xảy ra 2 vụ dâm ô, gạ tình học sinh thô thiển của những người đang được xã hội tôn vinh là thầy giáo.
Vụ thứ nhất xảy ra tại trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Vào trưa ngày 1/3 (ngày hội truyền thống của làng) thầy Dương Tr M., chủ nhiệm lớp 5A nhận lời mời của 2 phụ huynh học sinh đến ăn cơm, trong bữa cơm thầy có uống rượu.
Chiều 1/3 thầy vẫn lên lớp giảng dạy bình thường và có hành động "thiếu chuẩn mực" đối với nhiều học sinh nữ trong lớp, cụ thể là sờ mông, nắn bóp cơ thể của 13 em học sinh nữ trong lớp.
Hiện trường Tiểu học Tiên Sơn đã ra quyết định đình chỉ công tác dạy học của thầy M. và bố trí một giáo viên khác giảng dạy tại lớp 5A. Thầy M cũng đã có đơn xin ra khỏi ngành.
Vụ thứ hai là vụ thầy giáo 40 tuổi đã có gia đình nhưng vẫn nhắn tin gạ tình nữ sinh lớp 10. Cụ thể, mấy ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh chụp lại nhiều tin nhắn của một thầy giáo 40 tuổi, có gia đình, chủ nhiệm lớp 10 đang công tác tại một trường THPT ở tỉnh Thái Bình nhắn tin có nội dung tình cảm trên mức thầy trò, khiến cho dân mạng phẫn nộ.
Nội dung tin nhắn như sau: “Cứ nghĩ thầy là người đầu tiên trong đời làm em cảm thấy hạnh phúc thực sự, là người đàn ông yêu em hết mực; Nhớ đến cồn cào; Đêm thầy ngủ không được, vì thầy đã dành tình cảm quá lớn cho em…”.
Theo như người đăng công khai đoạn tin nhắn này, thì thầy giáo này tên là T., 40 tuổi, đã có gia đình và hiện đang là giáo viên chủ nhiệm của lớp 10 tại một trường THPT tại Thái Bình.
Ngày 4/3, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình đã có công văn số 151/SGDĐT-TCCB gửi đến trường THPT được cho là nơi thầy giáo đang công tác, yêu cầu xác minh, làm rõ.
Hai vụ việc trên xảy ra chỉ sau một thời gian ngắn khi mà dư luận còn chưa quên vụ việc cuối năm ngoái thầy Hiệu trưởng Đinh Bằng My bị phát hiện dâm ô hàng loạt nam sinh ở trường THPT Dân tộc nội trú Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ). Trong suốt nhiều năm, ông Đinh Bằng My -đã sử dụng quyền lực của Hiệu trưởng để lạm dụng tình dục hàng loạt học sinh nam ngay tại phòng làm việc.
Đau đớn hơn, có em bị lạm dụng tới 17 lần và có sự tiếp tay của một giáo viên trong trường khi thường xuyên đưa nam sinh vào phòng làm việc của Hiệu trưởng. Độc ác hơn, những cô giáo này sau đó còn giễu cợt các em bằng những câu vô nhân tính như: "Hôm nay có được thầy cho ăn kẹo mút không?"
Chiều ngày 15/12/2018, cơ quan chức năng đã có quyết định bắt tạm giam để khởi tố ông Đinh Bằng My, song nỗi đau nỗi ám ảnh của các em học sinh và gia đình các em thì không thể nào nguôi ngoai được.
Những con số đau lòng: Phần nổi tảng băng chìm?
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Và đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Năm 2017 cả nước có 1.592 vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018 đã có tới 720 vụ. Như vậy cứ mỗi 8 giờ trôi qua lại có ít nhất một đứa trẻ bị xâm hại. Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho biết, cứ 4 trẻ em nữ thì 1 em bị xâm hại, cứ 6 trẻ em nam thì có 1 em bị xâm hại.
Điều đáng nói, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường chiếm 6,2%, cho thấy môi trường giáo dục đã không còn là nơi an toàn đối với các em.
Ths. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Thực tiễn cho thấy nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, bất cứ với đối tượng nào. Đau lòng hơn. những nơi tưởng chừng là nơi an toàn nhất đối với trẻ, những môi trường sống tất yếu của trẻ như gia đình, trường học lại là những nơi mà trẻ em thường xuyên bị bạo hành, bị xâm hại. Qua thống kê cho thấy những đối tượng chủ yếu bạo hành và thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em lại chính là những người có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục các em như: Bố mẹ, người thân, thầy cô giáo…”.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: Trong trường hợp bị cơ quan chức năng kết luận có hành vi dâm ô, quấy dối tình dục như trên thì những “yêu râu xanh” núp bóng thầy giáo sẽ bị xử lý như thế nào trước pháp luật?
Giải đáp câu hỏi này, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: “Dâm ô” và “Quấy rối tình dục” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau và cách thể hiện hành vi, hậu quả pháp lý cũng khác nhau.
Theo đó, “Dâm ô” có thể được hiểu là hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác nhằm kích thích hoặc thỏa mãn tình dục (trừ hành vi giao cấu). Hành vi dâm ô bị coi là tội phạm khi đối tượng của hành vi này là trẻ em (người dưới 16 tuổi) và chủ thể là người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi).
Nếu hành vi sờ mó, nắn bóp, đụng chạm nhằm mục đích thực hiện hành vi quan hệ tình dục nhưng chưa kịp thực hiện hành vi thì bị chống trả, bị phát hiện, bắt giữ thì hành vi này sẽ bị xử lý về tội hiếp dâm trẻ em (nếu nạn nhân chưa đủ 13 tuổi) hoặc tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi (nếu nạn nhân từ đủ đủ 13 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi).
Bởi vậy, trong vụ việc thầy giáo bị tố dâm ô với 13 học sinh lớp 5 xảy ra ở Bắc Giang nêu trên, cơ quan điều tra sẽ rất thận trọng trong quá trình điều tra để làm rõ hành vi, động cơ, mục đích để xác định đối tượng có phạm tội hay không. Nếu phạm tội thì tội dâm ô với người dưới 16 tuổi hay tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Nếu thầy giáo của trường tiểu học Tiên Sơn chỉ có hành vi sờ mó, nắn bóp vào bộ phận sinh dục của các cháu học sinh mà không nhằm mục đích muốn quan hệ tình dục thì đây là hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi, hành vi này sẽ bị xử lý về Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, trong trường hợp phạm tội đối với 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm tù.
Ngoài ra, khoản 4 Điều này quy định thêm hình phạt bổ sung: “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Cũng theo luật sư Cường cho biết: Hành vi quấy rối tình dục thì mức độ nguy hiểm ít hơn hành vi dâm ô. Hành vi quấy rối tình dục được hiểu là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của nữ giới và nam giới, là hành vi dùng lời nói hoặc cơ thể để khơi gợi tình dục không mong muốn, khiến người bị quấy rối cảm thấy phiền hà, xấu hổ.
Một số biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục theo quy định của tổ chức CARE là: Đùa giỡn, bình luận về vấn đề tình dục khi người khác không muốn nghe; Yêu cầu ai đó gửi hình ảnh khỏa thân hoặc gửi cho người khác những hình ảnh thô tục; Ép ai đó hẹn hò với mình hết lần này đến lần khác cho dù người đó đã từ chối; Hỏi những câu nhạy cảm về quan hệ tình dục…
Hiện nay, theo pháp luật Việt Nam thì hành vi quấy rối tình dục mới chỉ bị xem xét kỷ luật, bị đánh giá về nhân cách chứ chưa tới mức bị xử lý hình sự như hành vi dâm ô.
Trong trường hợp thầy giáo nhắn tin cho học sinh phát tán trên mạng xã hội nêu trên là biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục.
Nếu học sinh này chưa đủ 16 tuổi và thầy giáo kia có hành vi sờ mó, đụng chạm, cọ xát vào cơ quan sinh dục của học sinh đó nhưng không nhằm mục đích quan hệ tình dục với em này thì người thầy này sẽ bị xử lý về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Còn trong trường hợp hai người thực hiện hành vi quan hệ tình dục trong khi học sinh chưa đủ 16 tuổi thì người thầy này sẽ bị xử lý hình sự về tội giao cấu với người dưới 16 tuổi.
Trong trường hợp học sinh này đã đủ 16 tuổi thì hành vi tán tỉnh, quấy rối của thầy giáo này chỉ có thể bị kỷ luật theo luật viên chức hiện hành.
Đây cũng chính là kẽ hở của luật pháp khiến cho nhiều "yêu râu xanh" đội lốt thầy giáo sau khi tán tỉnh, quấy rối học sinh mà vẫn được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
H.Y (tổng hợp)