Giai thoại "Kho" châu báu của người Tàu
Chùa Bụt Mọc cách đường cái không xa và chơ vơ một mình giữa cánh đồng, gần sát với nghĩa địa của thôn, khiến không gian nơi đây càng trở nên tĩnh mịch. Những hòn đá bụt mọc nằm sâu trong hậu cung ngôi chùa và chỉ có một lối nhỏ dẫn vào. Điều này khiến những ai một lần đặt chân đến đây càng tin vào những câu chuyện huyền bí.
Cụ Nguyễn Văn Tân chỉ phía hậu cung của Am đá bụt mọc có hai cây cổ thụ nhiều năm tuổi.
Để tìm hiểu thực hư những câu chuyện khó tin có liên quan đến am đá bụt mọc và cái tên gọi độc đáo của nó có từ bao giờ, chúng tôi được người làng giới thiệu gặp cụ Nguyễn Văn Tân (86 tuổi), người nắm rõ lịch sử và trực tiếp chỉ đạo tiểu đội du kích dỡ chùa theo phong trào tiêu thổ kháng chiến năm 1948 để quân địch đến không có chỗ đóng quân.
Cụ Nguyễn Văn Tân cho biết: "Tương truyền, ngày xưa có một phụ nữ mang thai, quê ở Hải Dương một mình lặn lội đến vùng đất này và hạ sinh một bé trai tại vị trí am đá bụt mọc hiện nay. Kỳ lạ, đứa con trai này lớn nhanh như thổi, khỏe mạnh, tướng mạo phương phi của một võ tướng. Năm 25 tuổi, người này giúp vua Hùng thứ 18 đánh quân Thục Vương ở Sóc Sơn (Hà Nội), hai bên giao chiến bất phân thắng bại. Sau đó, con rể vua Hùng là Tản Viên Sơn Thánh có khuyên Hùng Vương nên nhường lại ngôi báu cho Thục Vương vì họ Hùng khí số nay đã hết, không nên cưỡng lại ý trời. Như vậy am đá bụt mọc ở làng tôi đã có từ thời đó và trước cả thành Cổ Loa. Còn chính xác am đá bụt mọc có từ năm nào thì không ai biết, cũng chưa thấy tài liệu nào ghi lại".
Nhắc đến chuyện người Tàu giấu của tại am bụt mọc, người làng cho rằng vì sự linh thiêng, vị trí thuận lợi ít người qua lại, xa dân cư nên người Tàu xưa kia đã chọn nơi đây làm nơi cất giấu của cải. "Tôi được nghe các cụ kể lại, khi tôi còn nhỏ, người Tàu đã sang đây tìm cách lấy của cải ở am đá bụt mọc, họ giấu châu báu gì thì không ai rõ. Các cụ bảo, họ có gia phả từ đời ông cha sang nước ta cai trị để lại. Gần một tháng liền, tối nào người Tàu cũng tổ chức các buổi biểu diễn tuồng, hát hò thu hút người dân đến xem. Sau một đêm mưa to gió lớn, người làng mới phát hiện am đá bụt mọc có dấu hiệu bị đào bới, tìm kiếm. Còn những người Tàu thì biến mất, họ đi đâu và mang theo những gì không ai biết được.
Lần thứ hai người Tàu sang giúp nước ta làm một số tuyến đường trong thời kỳ chống Mỹ. Họ yêu cầu được về chùa Bụt mọc ở. Họ rào kín xung quanh và có lính gác nên không một ai được qua lại. Không ai biết họ làm gì bên trong, sau này bà con mới biết sân chùa bị đào bới, những tảng đá to bằng chiếc chiếu đôi. Trong những năm chống Pháp, trước phong trào tiêu thổ kháng chiến, chùa Bụt Mọc buộc phải dỡ đi nhưng riêng am đá bụt mọc không ai dám động đến. Ngay cả quân Pháp cũng tuyệt đối không dám bén mảng", cụ Nguyễn Văn Tân Nói.
Những hòn đá giống như các ông bụt ngồi xếp làm hai hàng trong Am đá bụt mọc.
Bị Ngài trừng phạt?
Cụ Hoàng Lựu, 78 tuổi cho biết: "Một câu chuyện bất thường nữa xảy ra cách đây khoảng 10 năm về trước. Đó là câu chuyện với những người sinh năm 1963. Không thể giải thích hay tìm ra nguyên nhân tại sao một số người ở lứa tuổi này "ra đi" một cách bất thường như vậy. Một thầy bói phán rằng, do người dân nơi đây đã lấy một tấm bia đá ở gần am đá bụt mọc làm cầu bắc qua cống nước thải sinh hoạt của làng nên bị Ngài trừng phạt. Muốn hết những điều tai ương, xui xẻo xảy ra với dân làng thì phải trả lại hòn đá về vị trí ban đầu gần am đá bụt mọc. Sau khi người dân sắm lễ, cúng bái xin trả tảng đá thì dân làng không gặp những điều tai ương, không may. Điều lạ kỳ là sau khi bia đá được trả lại am đá bụt mọc, trong quá trình xây dựng lại chùa Bụt Mọc, chiếc xe công nông chở vật liệu xây dựng đã lăn một bánh vào góc bia đá dẫn đến vỡ một miếng bằng cái chén. Chiếc xe công nông đột nhiên bị tắt máy, gọi thợ sửa chữa đến cũng không sao nổ máy được. Chủ xe được người ta mách sắm lễ xin ngài tha thứ. Quả nhiên, sau khi khấn xin Ngài , chiếc xe nổ máy được ngay"?.
Không có căn cứ khoa học Sư thầy Thích Quảng Thuận, (trụ trì chùa Bụt Mọc) nói: "Tôi mới về đây được vài năm, chùa Bụt Mọc mới được xây dựng lại vào năm 2005. Người dân cũng chỉ truyền miệng những câu chuyện dân gian và cũng chưa có chứng cứ khoa học hay văn bia nào ghi lại am bụt mọc cụ thể có từ bao giờ. Ngày trước, nhà chùa có quả chuông đồng cổ hơn ba tạ nhưng đã hiến cho cách mạng để đúc đạn chống giặc Pháp. Còn một văn bia cổ lớn đã mang ra đê sông Đuống lấp đê. Thật ra, các câu chuyện mà người dân truyền tai nhau bắt nguồn từ sự thần thoại như đá tự mọc lên. Có thể ông bà tổ tiên muốn truyền bá và mong muốn các thế hệ sau giữ gìn truyền thống, giữ lại những giá trị văn hóa tốt đẹp. Mọi câu chuyện xuất phát từ cái am có mười hòn đá giống mười ông tượng phật mà người dân vẫn gọi là am bụt mọc. Tôi cũng nghe nói chuyện xảy ra khoảng chục năm trước với một số người sinh năm 1963 mất một cách bất thường. Tâm lý của nhiều người dân khi đã hoang mang sẽ đi xem bói, còn thực hư chuyện một số người sinh năm 1963 mất có liên quan đến sự linh thiêng của am bụt mọc hay không thì không có căn cứ khoa học". |
Thiên Vũ