Lực lượng áo xanh tình nguyện
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến tình hình vận chuyển, tiêu thụ nông sản của nông dân Cà Mau gặp rất nhiều khó khăn.
Nhằm kịp thời tháo gỡ, nhiều chương trình, hành động của các bạn đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã phần nào giúp nông dân giải quyết đầu ra cho các loại nông sản đang vào vụ thu hoạch.
Tiêu biểu như chương trình “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch” mà Tỉnh đoàn Cà Mau đang thực hiện hay những “Gian hàng Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản” của xã đoàn Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời và cả đội “Shipper tình nguyện” là những thanh niên mặc áo xanh ở xã Khánh An, huyện U Minh, thật sự rất cần thiết và ý nghĩa.
Đây là những việc làm khá mới với họ nhưng đã phát huy hiệu quả thiết thực.
Về lâu dài, nếu đầu ra cho sản phẩm không thuận lợi kéo dài sẽ gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho người dân. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các huyện, Tp. Cà Mau làm cầu nối thông tin, giới thiệu đến các doanh nghiệp có nhu cầu, tham gia thu mua, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, đối với lúa hè thu, tổ chức thống kê, lập danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu gom lúa trên địa bàn, tổ chức kết nối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lúa gạo trong và ngoài tỉnh.
Qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện trong hợp tác, thu mua, vận chuyển lúa phù hợp, linh hoạt và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Đối với nông sản phục vụ tiêu dùng hàng ngày (rau, củ, quả,…), Chủ tịch tỉnh yêu cầu sau khi rà soát, thống kê cụ thể thì hướng dẫn hộ sản xuất, kinh doanh kết nối với các cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh thống nhất biện pháp, cách thức thu mua, vận chuyển, giao nhận thông suốt và đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định.
Sự đóng góp của chính quyền, các nhà hảo tâm
Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên đi vận động từng suất quà, trực tiếp nấu các bữa ăn để tặng cho người dân khó khăn tại các ấp, khóm, khu cách ly, vùng cách ly y tế,…bằng cả tấm lòng, sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao nhất trong mùa dịch.
Đơn cử như trường hợp của bà Cao Thị Thiệt ở ấp Gía Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước.
Bà Thiệt có hoàn cảnh đơn chiếc, kinh tế phụ thuộc vào thu nhập của người con trai làm trên Bình Dương. Dưới quê, bà Thiệt cũng bươn chải làm thuê, làm mướn kiếm thêm thu nhập sống cùng đứa cháu nội.
Do ảnh hưởng dịch bệnh, con trai bà không việc, không tiền, và cũng không về nhà được. Hơn nữa, từ thời điểm giãn cách xã hội, bà cũng không thể làm thêm nên cuộc sống vốn khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn.
Hiểu được hoàn cảnh của bà Thiệt, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đông Hưng đã vận động và trao tặng gia đình một suất quà gồm gạo, mì tôm và một số nhu yếu phẩm. Hơn 100 suất quà như vậy đã được Hội liên hiệp Phụ nữ xã Đông Hưng trao đến những hội viên của mình để cùng vượt qua khó khăn.
Tại xã Khánh An, thuộc vùng đất rừng U Minh hạ, từ giữa tháng 7 đến nay, chính quyền cũng đã tiếp nhận hơn 4,5 tấn gạo; hơn 200 thùng mì từ các tổ chức, cá nhân để phân bổ đến khu vực phong tỏa, hộ nghèo, hộ khó khăn.
Còn tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, các cấp chính quyền cũng đã vận động được hơn 12 tấn gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm hỗ trợ hộ nghèo, hộ dân tộc Khmer trên địa bàn.
Sự đóng góp của các nhà hảo tâm, sự quan tâm của chính quyền cơ sở đến những khó khăn của người dân thật thắm đậm tình người. Đó là những giá trị cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia cùng nhau để vượt qua đại dịch.