Các nhà điều tra JIT đã thông báo họ có bằng chứng chắc chắn về việc hệ thống tên lửa bắn hạ MH17 ở miền Đông Ukraine thuộc về Nga. Bộ Quốc phòng Nga đã chỉ trích những báo cáo này vẫn dựa trên "những bằng chứng vừa cũ vừa giả".
Trong khi đó, một số chuyên gia phân tích độc lập gọi tuyên bố của JIT là “mơ hồ”, không có bằng chứng mà chỉ có suy đoán.
Chỉ là suy đoán không bằng chứng
Nhà hoạt động chính trị Hà Lan, Anneke de Laaf, người đã theo dõi cuộc điều tra MH17 ngay từ đầu, nói rằng bằng chứng mới do Nhóm điều tra quốc (JIT) trình bày khó có thể được gọi là "có liên quan và quan trọng".
Sputnik dẫn lời bà Anneke de Laaf nói rằng, về cơ bản tất cả những gì được coi là bằng chứng mà JIT phô bày ra chỉ là những bức ảnh hệ thống phòng không của Nga đang tiến gần biên giới với Ukraine - một động thái hoàn toàn bình thường mà bất kỳ quốc gia nào cũng thực hiện để phòng ngừa trường hợp có xung đột ở biên giới.
Bình luận về các cáo buộc mới do JIT trình bày, Anneke de Laaf nhấn mạnh hầu hết các bức ảnh thực tế về hệ thống tên lửa BUK là trên lãnh thổ Nga, trong khi bức ảnh duy nhất cho thấy một hệ thống BUK của Nga trên đất Ukraine chỉ đến từ tổ chức phi Chính phủ Bellingcat (không có nhiều liên quan trong vụ việc) công bố.
Một chi tiết kỳ lạ khác không được giải thích, theo nhà hoạt động chính trị, là lý do tại sao Nga chỉ gửi một thành phần duy nhất của tổ hợp tên lửa BUK (vốn bao gồm một xe chỉ huy, xe radar, hệ thống chỉ dẫn và hệ thống tên lửa) đến miền Đông Ukraine.
"JIT không lẽ muốn chúng tôi tin rằng người Nga đã chuyển tất cả thành phần của tổ hợp BUK tới Ukraine, đi loanh quanh trong đó và đưa một phần cho những tay lính phiến quân nghiệp dư (mà vệ tinh Mỹ không hề phát hiện), trong khi Moscow chẳng có lý do gì để phải làm như vậy", Anneke de Laaf nhấn mạnh.
Nhà báo Hà Lan Joost Niemoller phân tích, cho đến nay, nhóm điều tra đã đưa ra những suy đoán, chứ không phải bằng chứng.
"Họ không thể đưa ra bằng chứng, bởi vì không có bằng chứng nào. Tôi chưa từng thấy bằng chứng thực sự nào cho đến nay. Tôi chỉ thấy toàn những suy đoán. Họ còn có thể làm gì nữa? Người Hà Lan và Ukraina chẳng biết làm gì ngoài dùng đoạn video từ lấy từ internet đặt một cái tên như Bellingcat cho có vẻ gây ấn tượng", ông nói.
Hiện trường bị xâm phạm
Theo Anneke de Laaf, báo cáo ban đầu của JIT nói có "ba mảnh kim loại nhỏ" được cho là thuộc về quả tên lửa bắn hạ MH17, nhưng giờ đây JIT lại tuyên bố đã tìm thấy nhiều mảnh kim loại khác trong cơ thể nạn nhân.
Nhà hoạt động chính trị nhớ lại, Chính phủ Hà Lan đã từ chối thực hiện các quy tắc để bảo vệ hiện trường vụ tai nạn, điều này có nghĩa là bằng chứng thực tế có thể thể đã bị xâm phạm nghiêm trọng và bất kỳ ai cũng có thể ngụy tạo hiện trường theo ý mình.
Anneke de Laaf cũng lưu ý về chi tiết JIT bảo rằng tìm thấy mảnh bộ phận của BUK gần nơi xảy ra vụ việc. Theo đó, sẽ không có gì ngạc nhiên khi các bộ phận này được tìm thấy vì cả Nga và Ukraine trên thực tế đều sở hữu BUK. Do đó, không thể kết luận mảnh vỡ này chỉ thuộc về Nga mà có thể đến từ một chủ sở hữu khác.
Trả lời phỏng vấn Sputnik, nhà báo Joost Niemoller tỏ ra khó hiểu khi các bộ phận của tổ hợp BUK được trình bày trong bài thuyết trình JIT lại gần như nguyên vẹn. Ông cho rằng, buồng đốt của tên lửa lẽ ra sẽ bị hư hại nặng hơn. Niemoller cũng lưu ý những từ ngữ mơ hồ khi JIT mô tả vị trí phát hiện ra các bộ phận này.
"Họ đã không nói tại buổi họp báo là tìm thấy ở đâu và tìm thấy khi nào. Họ chỉ nói rằng nó được tìm thấy đâu đó ở miền Đông Ukraine, điều nghe hết sức giả tạo. Nếu trình bày như vậy trước mặt một thẩm phán, người đó sẽ cười nhạo bạn và nói hãy quay lại khi bạn có thông tin tốt hơn, bởi vì điều này hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì", Niemoller nêu quan điểm.
Tuyên bố mâu thuẫn
Bà De Laaf cũng hoài nghi về chi tiết gọi là “đặc trưng kỹ thuật” của BUK. JIT tuyên bố, họ đã so sánh tất cả các hệ thống BUK hiện có để xác định hệ thống nào được sử dụng và đồng thời phàn nàn rằng Nga không hợp tác với họ.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là: JIT làm thế nào mà có được hệ thống BUK của Nga để so sánh, nếu Nga không hợp tác với họ như tuyên bố trên (mặc dù Moscow đã liên tục đề nghị hỗ trợ trong cuộc điều tra).
Tác động đến World Cup
Anneke de Laaf tin rằng thời gian công bố bản báo cáo về MH17 của JIT không hề được chọn ngẫu nhiên.
Trong khi đó, Hà Lan và Australia (chứ không phải Malaysia) đã ngay lập tức lên tiếng buộc Nga phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn.
Theo bà, các động thái ngoại giao tiếp theo như triệu tập Đại sứ Nga tại Hà Lan để phàn nàn có thể sẽ được thực hiện. Thậm chí, nếu Hà Lan được tham dự World Cup năm nay, rất có thể nước này sẽ còn lên tiếng tẩy chay.
Nhà hoạt động chính trị chỉ ra Nga cũng từng bị phá hoại liên tục trước một sự kiện lớn khác trong quá khứ, đó là Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 và tin rằng, điều tương tự đang xảy ra hiện nay với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
"Lễ tưởng nhớ các nạn nhân MH17 là vào ngày 17/7. Nó sẽ có ý nghĩa hơn khi JIT trình bày bản báo cáo vào khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, nếu đợi đến đó thì World Cup đã kết thúc rồi. Tôi không tin vào điều trùng hợp như vậy", bà nói.
De Laaf tin rằng bài thuyết trình của JIT sẽ làm hại đến hình ảnh Nga trước “tòa án dư luận", vì nó giống như một bài cáo buộc “có lập luận, rất hợp lý, logic”. Những người chủ yếu đọc hoặc xem truyền thông chính thống sẽ tin rằng Nga phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn MH17.