Bùng nổ cuộc đua của các gameshow đỉnh cao
Năm 2012 được xem là một năm đại thành công của các chương trình truyền hình thực tế. Gắn liền với cái mác giải trí, nhưng trên thực tế những gameshow này đều gay cấn, quyết liệt không kém bất kì một cuộc thi nghệ thuật nào.
Âm nhạc Việt Nam 2012 đã có những sự kết nối tuyệt vời nhất (Trong ảnh là ca sĩ Tùng Dương và nhạc sĩ Doãn Nho, một trong những nhạc sĩ có bài hát được tôn vinh trong chương trình Bài hát yêu thích 2012)
Đầu tiên phải kể đến The Voice phiên bản Việt. Không phải ngẫu nhiên mà Giọng hát Việt lại gây được sự chú ý của khán giả ngay từ những ngày đầu tiên. Sự hấp dẫn của chương trình bắt nguồn từ việc những cái tên đình đám, nóng bỏng nhất của nền âm nhạc Việt Nam hiện nay được lựa chọn để xuất hiện và đồng hành. Đó là một Đàm Vĩnh Hưng với biệt danh ông hoàng nhạc Việt. Một Hồ Ngọc Hà, được xem là biểu tượng về thời trang và phong cách trong giới nghệ sĩ. Cô cũng là hình mẫu lý tưởng cho sự thành công trong sự nghiệp ca hát.
Cùng với hai gương mặt ăn khách bậc nhất ấy, The Voice phiên bản Việt còn hội tụ giọng ca nhạc dance vào loại số một hiện nay, Thu Minh. Nữ ca sĩ cá tính này từng bốn lần phải bất đắc dĩ nhận "giải thưởng" nghệ sĩ ăn mặc phản cảm nhất năm. Tuy nhiên, những bàn cãi xung quanh trang phục biểu diễn của cô không làm giọng hát mạnh mẽ và cao vút của Thu Minh chìm lấp. Ngược lại, những thể nghiệm thành công trong nghệ thuật của cô buộc số đông khán giả khó tính nhất phải thừa nhận. Không còn quá nổi tiếng và đắt show như ba cái tên được nhắc ở trên, nhưng khi được xướng tên ở vị trí chiếc ghế huấn luyện viên thứ 4, cái tên Trần Lập đã thu hút một số lượng fan đông đảo cho chương trình. Đơn giản vì anh là tượng đài Rock một thời của âm nhạc Việt Nam.
Và vì vậy, ngay lập tức, The Voice phiên bản Việt được hết sức chú ý. Người ta nói nhiều đến công nghệ lăng xê, PR của nhà sản xuất trong việc đánh bóng thương hiệu chương trình. Tuy nhiên, cơ hội ngàn vàng của The Voice có lẽ chính là thời điểm. Giữa lúc người ta đang quá nhàm chán với những Sao Mai, Sao Mai Điểm Hẹn với một kịch bản quá sáo mòn, cũ kỹ. Một Idol được gửi gắm nhiều hứa hẹn nhưng lại không có gì đổi mới dù đã qua ba mùa thi thì sự xuất hiện đúng lúc của The Voice được xem là thời điểm vàng, mang đến niềm tin về những chiến thắng vang dội.
Cho đến thời điểm này, Giọng hát Việt được xem là đỉnh cao của một gameshow giải trí. Sự hấp dẫn của nó không chỉ nằm ở một kịch bản hay, độc đáo, mới mẻ mà còn ở sự đầu tư công phu của nhà sản xuất. Có lẽ đây là chương trình duy nhất có sự góp mặt của những tên tuổi hàng đầu làng nhạc Việt hiện nay, từ nhạc sĩ đến ca sĩ đến nhà sản xuất đến các đạo diễn sân khấu bậc thầy. Cũng lần đầu tiên, trong một cuộc thi âm nhạc, không chỉ có các thí sinh cạnh tranh với nhau mà các vị giám khảo cũng có một cuộc đua không kém phần khốc liệt.
Giọng hát Việt đang nhích dần đến đích. Dù có lúc tưởng như đã chết chìm vì những tai tiếng dàn xếp kết quả nhưng những gì gameshow này mang lại vẫn là điều mà chưa một chương trình âm nhạc giải trí nào làm được trước đó. The Voice không chỉ mang hào quang đến cho những cái tên còn là đom đóm trước đó. Nó còn mang tiếng tăm và nâng bước cho chính những ngôi sao gạo cội. Bản thân các huấn luyện viên đã phải thừa nhận, mình được hưởng nhiều bổng lộc từ chiếc ghế giám khảo The Voice.
The Voice đã thực sự đưa các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc lên đỉnh cao
Sau The Voice, Việt Nam Idol cũng thực sự đang làm mưa, làm gió. Dù không được phát sóng ở những khoảng thời gian vàng ngọc như những tiền lệ trước nhưng những khán giả trung thành của gameshow này vẫn sẵn sàng ngồi trước màn hình tivi mỗi tối để theo dõi. Đổi mới duy nhất của Thần tượng âm nhạc Việt Nam năm nay chính là sự xuất hiện của họa mi tóc nâu Mỹ Tâm, thay thế một họa mi cũ của núi rừng Tây Nguyên là Siu Black. Ban đầu, không ít khán giả tỏ ra hoài nghi về khả năng cầm cân nảy mực của Mỹ Tâm. Bởi họ hiểu cái bóng của chị Siu là quá lớn. Vậy nhưng, Mỹ Tâm đã không hề làm thất vọng những người hâm mộ. Vẻ dí dỏm, thông minh, tinh tế của nữ ca sĩ Đà Nẵng đã không hề thua kém sự thẳng thắn, mạnh mẽ của Siu về mặt lôi cuốn khán giả. Tâm còn hơn Siu về mức độ xinh đẹp, trẻ trung và hơn hết là một lượng fan khủng. Bởi thế, thử tưởng tượng nếu Việt Nam Idol 2012 mà thiếu vắng cô thì sức nóng của nó sẽ bị giảm đi rất nhiều trước những gameshow đỉnh cao khác.
Sao Mai Điểm Hẹn 2012 dường như đã tiên liệu được sự bùng nổ của những chương trình khác nên bắt đầu sớm hơn so với mọi năm. Dù không có gì mới mẻ, dù vẫn để lại những tiếng thở dài vì sự cũ kĩ nhưng Sao Mai Điểm Hẹn năm nay lại có được cái kết khá trọn vẹn. Với sự lên ngôi của những giọng hát thực sự gây ấn tượng về nội lực và sức sáng tạo. Một Nguyễn Đình Thanh Tâm độc đáo và lạ lẫm, một Lê Việt Anh tinh tế, kỹ thuật, một Đông Hùng tràn đầy năng lượng và sự tự tin. Họ là sự đảm bảo thú vị và hứa hẹn về những tài năng của nền âm nhạc Việt trong tương lai.
Sức sống nằm trong những lặng lẽ
Còn có hai gameshow nữa khá lặng lẽ, âm thầm. Đó chính là Bài hát Việt và Bài hát yêu thích. Năm 2012, Bài hát Việt đánh dấu sự trở lại sau thời gian dài vắng bóng. Dù không đáp ứng cho khán giả những kỳ vọng lớn nhưng ít nhất Bài hát Việt cũng đã khám phá ra những gương mặt mới cho nền âm nhạc nước nhà. Những cái tên như Lê Anh Dũng, Huyền Sambi, Dương Trần Nghĩa đã thực sự mang lại những làn gió mới (Dương Trần Nghĩa còn là thí sinh tiến sâu vào top 4 The Voice phiên bản Việt). Bên cạnh đó, Bài hát Việt 2012 cũng đánh dấu sự tái ngộ của Giáng Son, một trong những nữ nhạc sĩ hàng đầu Việt Nam hiện nay. Mang Chạm, một ca khúc có tiết tấu chậm rãi mà mạnh mẽ, đến với Bài hát Việt, Giáng Son thêm một lần nữa cho thấy chị đang ở đỉnh cao của sự nghiệp sáng tác. Cánh diều lạc phố của Huy Trực, với sự thể hiện đầy ma mị, lôi cuốn của Nguyễn Đình Thanh Tâm là sự khẳng định mạnh mẽ nhất về các tài năng trẻ.
Một ban nhạc nữ Hàn Quốc trong vòng vây của người hâm mộ Việt
Nếu như Bài hát Việt đã có tuổi đời khá dài thì Bài hát yêu thích lại là gameshow âm nhạc có tuổi đời trẻ nhất hiện nay. Với tiêu chí tôn vinh những ca khúc được yêu thích, từ cũ đến mới, từ xưa đến nay, chương trình này đã mở rộng được biên độ của mình một cách ngoạn mục nhất. Sự lên ngôi ở vị trí được yêu thích của những ca khúc mang dấu ấn thời gian như Chiếc khăn Piêu, Đất nước tình yêu, Câu đợi câu chờ bên cạnh những bài hát mới đã trở thành những sự kết nối tuyệt vời nhất của những giá trị nghệ thuật đích thực.
Lấy các gameshow để đo đếm sự phát triển của âm nhạc Việt Nam có lẽ chưa thực sự hợp lý và công bằng với những thứ mà chúng ta vẫn gọi là nghệ thuật đích thực. Dẫu vậy, vẫn phải thừa nhận rằng, chính sự xuất hiện của chúng đã mang đến một diện mạo mới, bầu không khí mới cho âm nhạc Việt Nam.
Một năm được xem là lạm phát, nhưng dường như âm nhạc Việt vẫn có đủ các liveshow chất lượng để khẳng định sức sống của một nền văn hóa nghệ thuật giải trí: Vật chất có thể khó khăn, kinh tế có thể bị đảo lộn nhưng những người yêu nhạc vẫn không hề lãng quên. Sự quay cuồng và nóng sốt của những tấm vé khi Bằng Kiều tái ngộ sau 10 năm xa cách. Sự trở về rộn ràng của rất nhiều ca sĩ hải ngoại khác hay sức làm việc không biết mệt mỏi của các diva, divo như Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung, Tùng Dương, sự trở lại đầy kiêu hãnh của những cái tên gạo cội như Trần Tiến, Dương Thụ, Thanh Tùng vẫn sẵn sàng làm show "khủng" ở tuổi 70, đã khẳng định mạnh mẽ một điều: Âm nhạc dường như chưa bao giờ thôi ngừng chảy trong đời sống xã hội hiện đại. Ngược lại, dòng chảy của nó ngày càng sục sôi hơn, cuộn trào và mãnh liệt hơn.
Điểm nhấn hội ngộ Bên cạnh sự gay cấn của cuộc đua giữa các gameshow đỉnh cao, ấn tượng của nền âm nhạc Việt Nam 2012 chính là sự đổ bộ của các nhóm nhạc Hàn Quốc đến dải đất hình chữ S. Sự hiện diện của họ là minh chứng rõ ràng nhất về tính hội nhập của âm nhạc chúng ta với thế giới. Sự kiện Mỹ Tâm đoạt giải thưởng nghệ sĩ xuất sắc (giải thưởng MAMA), một giải thưởng âm nhạc uy tín bậc nhất của châu Á do Hàn Quốc tổ chức thường niên từ năm 1999 cũng được xem là một thành công vang dội trong năm qua. |
Đào Bích