Những miền ẩm thực độc đáo
Tây Bắc là nơi có nhiều địa điểm phát triển du lịch cộng đồng. Nơi đây hội tụ, bảo tồn và lưu giữ tinh hoa những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, điển hình như các phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật trang trí, ẩm thực, các nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng… Trong các nét văn hóa đó, ẩm thực truyền thống gắn với văn hóa bản địa của từng dân tộc đã và đang được đồng bào gìn giữ, truyền lại và phát huy trong đời sống văn hóa.
Tại các địa phương như Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Lạng Sơn, Hòa Bình, Điện Biên… có rất nhiều vùng phát triển du lịch cộng đồng như Tà Xùa, Mộc Châu, Bản Lác, Nghĩa Lộ, Tú Lệ, Mù Cang Chải, Y Tý, Bắc Hà, Trạm Tấu, Mường Lò, Sìn Hồ... Tại đó, ngoài những tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch như cảnh quan, nhà sàn, sinh thái, phong tục tập quán thì ẩm thực truyền thống luôn hiện diện trong các mâm cơm phục vụ du khách khi dừng chân ở các bản làng. Với phương châm làm du lịch từ phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để tạo nên bản sắc, đồng bào các dân tộc như Tày, Mông, Dao, Thái, Hà Nhì… luôn chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc mình để phục vụ nhu cầu tìm hiểu sự mới lạ về ẩm thực của du khách.
Trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng, lãnh đạo các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa bản địa để làm du lịch. Đồng thời, ra những nghị quyết lãnh đạo để các bản làng luôn có ý thức coi trọng văn hóa truyền thống, không được pha tạp, lai căng văn hóa ngoại lai khác. Trong đó, văn hóa ẩm thực luôn được chú trọng bởi lẽ, khi đến tham quan các địa điểm du lịch, du khách trong và ngoài nước luôn có nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức những món ăn do chính đồng bào chế biến. Đồng thời, du khách cũng mong muốn được trải nghiệm văn hóa ẩm thực trong sự tổng hòa các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Vì thế, không gian ẩm thực luôn gắn liền và hòa điệu cùng các nét văn hóa khác như văn hóa nhà sàn, hát then, múa khèn, múa xòe, múa sạp…
Việc bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực truyền thống tại các vùng du lịch cộng đồng gắn liền với việc tổ chức lễ hội theo mùa trong năm. Đây là hoạt động quan trọng để đạt được nhiều mục đích như vừa làm tốt công tác bảo tồn, vừa giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch địa phương đối với du khách. Ngoài các lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng Tồng, Gầu Tào, lễ mừng cơm mới, lễ cúng rừng… thì những lễ hội theo mùa được nhiều địa phương tổ chức như lễ hội hoa ban ở Sơn La, Lai Châu, lễ hội cốm ở Bảo Yên (Lào Cai), lễ hội hái mận ở Mộc Châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai), lễ hội xòe Thái Nghĩa Lộ (Yên Bái), lễ hội na ở Chi Lăng (Lạng Sơn), lễ hội mùa thu, lễ hội mùa xuân, lễ hội ẩm thực ở các địa phương vùng Tây Bắc… Tại các lễ hội, du khách được trải nghiệm các hoạt động diễn xướng dân gian mang đậm văn hóa bản địa về ẩm thực, được thưởng thức các món ăn, các loại hoa quả do cư dân bản địa chế biến. Vì vậy, đây là dịp để các địa phương quảng bá với du khách trong và ngoài nước những giá trị văn hóa được bảo tồn từ bao đời nay.
Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi (Bảo Yên, Lào Cai) cho biết: "Văn hóa ẩm thực là một phần quan trọng không thể thiếu trong văn hóa truyền thống của các dân tộc. Nếu biết gìn giữ và phát huy, ẩm thực sẽ góp phần đắc lực cho phát triển du lịch cộng đồng".
Những món ăn làm nên sự độc đáo của ẩm thực Tây Bắc
Nậm pịa
Đến vùng Tây Bắc, du khách luôn được người dân bản địa giới thiệu một món ăn độc đáo có tên "nậm pịa", đồ chấm phổ biến mang màu sắc hoang sơ bậc nhất núi rừng Tây Bắc nói chung và của dân tộc Thái Mường Lò, tỉnh Yên Bái nói riêng.
Trong tiếng Thái, "nậm" có nghĩa là canh, "pịa" là chất sền sệt ở trong ruột non nằm giữa đoạn dạ dày và ruột già của bò, dê, trâu...
Nguyên liệu chính của món này là nội tạng các loài vật ăn cỏ bao gồm dạ dày, tiết, lòng, tim, gan, phèo, phổi… và không thể thiếu một thứ nước sền sệt từ bên trong ruột non của con bò, dê, trâu, ngựa gọi nó là "pịa" đem ninh nhừ.
Nậm pịa khi mới ăn có vị đắng nhè nhẹ ở cổ họng nhưng lúc sau lại thấy ngòn ngọt kèm theo những vị là lạ của mắc khén (tiêu rừng).
Mọoc
Nếu như người Kinh có món mọc được làm từ giò sống và nấm hương, thả vào trong nước ăn cùng bún, mì... thì người Tày Lục Yên cũng có một món ăn độc đáo với cái tên tương tự mọc (người Tày phát âm là "mọoc" với phần âm kéo dài hơi luyến) nhưng với những nguyên liệu khác.
Nguyên liệu để làm món mọoc gồm có: Hoa chuối rừng, chọn loại hoa màu tím gần giống chuối nhà, đúng thời kì nở 5, 6 lá ngoài, vừa hết quả gốc đến quả ngọn và nhìn hoa tròn lẳn mới ngon, thiếu đi hoa chuối thì món mọoc sẽ không còn hương vị đặc trưng, thịt lợn ba chỉ loại ngon, cá, tôm (được bắt ở suối, loại nhỏ, khi chế biến không cần bỏ ruột), bột gạo nếp, lá lốt rừng bánh tẻ không sâu, hạt dổi, sả, gừng, muối.
Món ăn này không chỉ có mặt trong các bữa ăn thường ngày mà còn trở thành món đặc biệt không thể thiếu được trong các cỗ lớn: Ngày Tết, ngày giỗ, ngày cưới... của người Tày.
Thịt băm nướng kiểu người Thái Yên Bái
Món thịt băm nướng của người Thái rất đơn giản, nguyên liệu chỉ là phần thịt vai gồm cả bì và mỡ, cứ thế băm nhỏ, gia vị cũng là một bí quyết tạo nên món ăn thơm ngon. Thịt lợn được ướp khoảng 10 phút. Lá dong được rửa sạch, đổ thịt vào, rồi gói lại thành hình vuông như chiếc bánh chưng. Sau đó, kẹp gói thịt vào hai chiếc nan bằng tre, nướng trên bếp than hoa. Khi nướng điều chỉnh lửa than sao không quá to vì khi nướng nước thịt hay bị chảy ra làm cháy lá dong. Nướng khoảng 30 phút là thịt chín.
Món thịt băm nướng rất đơn giản, nhưng khi ăn sao ngon kỳ lạ, mùi thơm quyến rũ của những gia vị quyện với vị ngọt của thịt cũng làm hài lòng những du khách khó tính nhất.
Tùng Lâm (t/h theo dangcongsan, cổng TTĐT Yên Bái)