Vào tháng 1/2017, Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm (FSA) của Anh đưa ra khuyến cáo với người dân không nên tiêu thụ các loại thực phẩm bị cháy, tiêu biểu như khoai tây chiên giòn hoặc bánh nướng.
Theo đó, những loại đồ ăn cháy ngả màu nâu sẫm hoặc đen chứa một loại hóa chất tên là Acrylamide. Loại hóa chất này được liệt vào hàng độc hại và có thể gây ung thư nếu hấp thụ trực tiếp.
Ý kiến của FSA ngay lập tức gây nên một làn sóng tranh cãi. Nhiều nhà khoa học lên tiếng phản đối vì cho rằng chưa có kết luận cụ thể về việc Acrylamide trong đồ ăn có thể khiến cơ thể người phát triển ung thư.
Theo BBC, sau khi tiến hành thử nghiệm đối với một số loại thức ăn phổ biến, các nhà nghiên cứu nhận thấy các thực phẩm có chứa nhiều tinh bột sản sinh một lượng lớn Acrylamide khi được chế biến ở nhiệt độ cao. 2 trong các thực phẩm điển hình nhất trong số đó là món bánh mì nướng và khoai tây chiên giòn.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy lượng Acrylamide tăng mạnh tỷ lệ thuận với thời gian được chế biến. Ví dụ, 1kg bánh mì nướng qua có thể chứa 72 microgram Acrylamide. Con số này có thể tăng đến 93 microgram (khoảng 25%) đối với đồng lượng bánh mì nướng vừa và sẽ còn cao hơn nữa đối với bánh mì nướng kỹ và nướng cháy.
Các loại thịt thông thường không sản sinh nhiều Acrylamide khi chế biến nhưng các loại xúc xích (thường được sử dụng trong các món nướng, chiên, rán) lại tạo ra rất nhiều Acrylamide. Nguyên nhân của sự chênh lệch do các loại xúc xích chứa nhiều tinh bột trong đó.
Dù kết quả nghe có vẻ đáng lo nhưng thực chất lượng Acrylamide trong các thực phẩm trên quá ít để có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể người. Nghĩa là để chất Acrylamide có thể phát tác thì mỗi ngày bạn phải ăn đến 160 miếng bánh mì nướng cháy.
Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng việc tiêu thụ các loại thực phẩm cháy sém không tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư. Điều thực sự đáng lo là thói quen hút thuốc, tiêu thụ bia rượu quá độ và ít tập thể dục thể thao.
Bá Di