Sau khi chia tách, bang Jammu & Kashmir sẽ không còn tồn tại và thay vào đó sẽ là Ladakh (ở phía Đông giáp Trung Quốc) không có cơ quan lập pháp và Jammu & Kashmir (ở phía Tây) có cơ quan lập pháp.
Khu vực Kashmir, với đa số Hồi giáo của Ấn Độ đã chính thức được tách ra hôm thứ Năm (31/10), gần ba tháng sau khi mất quyền tự trị trong một động thái gây ra bạo lực và gây căng thẳng với đối thủ truyền kiếp Pakistan.
Sự thay đổi hành chính nói trên diễn ra sau một động thái gây tranh cãi ngày 5/8, khi Chính phủ liên bang sửa đổi Điều 370 trong hiến pháp vốn đảm bảo các quyền đặc biệt cho bang Jammu & Kashmir, và sáp nhập vùng có đa số người Hồi giáo duy nhất ở Ấn Độ với phần còn lại của nước này.
Phát biểu tại Gujarat, Thủ tướng Narendra Modi cho biết: "Từ hôm nay, Jammu & Kashmir và Ladakh sẽ hướng tới một tương lai mới".
Bằng việc chấm dứt quy chế bán tự trị của vùng này, chính phủ của ông Modi đã thực hiện một lời hứa của đảng Bharatiya Janata cầm quyền, sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng 4. Tuy nhiên, nhiều người dân Kashmir không hài lòng với việc này, khiến chính phủ phải áp đặt nhiều hạn chế gần như lệnh giới nghiêm tại đây một thời gian.
Trong một phát biểu tại Hạ viện, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah khẳng định Điều 370 về quy chế đặc biệt của bang Jammu & Kashmir cản trở bang này hội nhập với Ấn Độ nên cần phải bãi bỏ. Theo ông, điều khoản này gây ra tình trạng thất nghiệp và thất học, cản trở lan tỏa giá trị dân chủ trong khi khuyến khích chủ nghĩa ly khai do Pakistan hậu thuẫn. Ông Amit Shah đảm bảo chính quyền hiện nay sẽ không lặp lại bất cứ sai lầm nào của những chính quyền trước.
Chính quyền địa phương ở Kahsmir, trong khi đó, đã triển khai hàng chục ngàn lực lượng chính phủ và đưa ra cảnh báo cao về các cuộc tấn công của phiến quân và các cuộc biểu tình chống Ấn Độ.
Cảnh sát và quân đội bán quân sự trong các thiết bị chống đạn tuần tra trên đường phố trong khu phố cổ đông dân cư của thành phố chính Srinagar và các thị trấn khác trên khắp thung lũng Kashmir đầy biến động....
Bá Di (T/h)