Ngày 8/9, Cục Doanh thu thuộc Bộ Tài chính Ấn Độ thông báo về việc áp thuế 20% đối với gạo xuất khẩu. Ngày 9/9, Tổng cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc gia này cũng công bố một lệnh cấm đối với toàn bộ gạo tấm xuất khẩu. Theo đó, chỉ những lô hàng gạo nguyên hạt mới được phép xuất khẩu, và được áp mức thuế 20%.
Trong số 4 loại gạo xuất khẩu, bao gồm gạo Basmati, gạo đồ không phải Basmati, gạo trắng và gạo tấm không phải Basmati, quyết định mới này chỉ áp dụng cho 2 loại, đó là gạo trắng và gạo tấm không phải Basmati (non-Basmati). Gạo Basmati và gạo đồ vẫn được xuất khẩu bình thường.
Nguyên nhân
Có nhiều lý do dẫn đến các quyết định trên của chính phủ Ấn Độ. Đầu tiên, các nhà xuất khẩu gạo kỳ vọng giá gạo xuất khẩu của quốc gia này được nâng lên bằng với giá của các đối thủ cạnh tranh ở các thị trường khác, ông Vijay Setia, Cựu chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ (AIREA) cho biết.
Ấn Độ hiện đang xuất khẩu gạo non-Basmati với giá 380-400 USD/tấn, thấp hơn so với giá của các nước khác.
Thứ hai, động thái này sẽ đảm bảo cung cấp đủ gạo tấm cho ngành chăn nuôi gia cầm, đồng thời đảm bảo thành công cho chương trình trộn 20% ethanol với xăng vào năm 2025, theo Cục trưởng Cục Thực phẩm và Phân phối Công cộng Ấn Độ (DFPD) Sudhanshu Pandey.
Một nguyên nhân nữa mà ông Pandey đưa ra, đó là diện tích và sản lượng lúa gạo của Ấn Độ có thể sẽ giảm trong vụ hè thu (Kharif).
Đối với người nông dân Ấn Độ, tháng 7 và tháng 8 là những thời điểm “quan trọng nhất” trong năm, vì họ dựa vào lượng mưa để xác định gieo bao nhiêu lúa, bà Sonal Varma, chuyên gia kinh tế trưởng của tập đoàn dịch vụ tài chính Nomura cho biết.
Năm nay, các đợt mưa gió mùa trong 2 tháng đó không đều, do đó, nhiều nông dân đã cắt giảm diện tích gieo trồng, kéo theo sản lượng bị giảm. Từ ngày 1/6 đến ngày 9/9, diện tích trồng lúa của nông dân Ấn Độ đã giảm 2,1 triệu ha so với cùng kỳ năm trước. Theo chính phủ Ấn Độ, sản lượng gạo vụ hè thu của quốc gia này có thể giảm từ 10-12 triệu tấn.
Nguyên nhân thứ tư liên quan đến lượng gạo dự trữ của Ấn Độ. Quốc gia này 40,99 triệu tấn gạo dự trữ. Con số này, dù thấp hơn so với con số 44,46 triệu tấn tính đến ngày 1/8/2021, nhưng vẫn khá dồi dào. Chính phủ Ấn Độ lo ngại rằng lượng dự trữ sẽ cạn kiệt nếu như sản lượng vụ hè thu giảm sút.
Vị thế của Ấn Độ
Ấn Độ chiếm 40% thị phần thương mại gạo toàn cầu, với khoảng 2 triệu tấn gạo xuất đi hàng tháng. Quốc gia này xuất khẩu gạo sang hơn 150 quốc gia với nhiều chiết khấu do lượng dự trữ trong nước cao và giá nội địa thấp.
Điều này đặc biệt giúp các nước nghèo hơn, chủ yếu ở châu Á và châu Phi. Hơn 3 tỷ người trên thế giới sử dụng gạo làm thực phẩm chính trong chế độ ăn uống của mình.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy, từ tháng 4 đến tháng 8/2022, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Quốc gia Nam Á đã xuất khẩu hơn 21,2 triệu tấn gạo trong năm tài khóa 2021-22, vượt xa Thái Lan (7,2 tấn), Việt Nam (6,6 tấn) và Pakistan (4,8 tấn).
Từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022, Ấn Độ đã xuất khẩu 3,95 triệu tấn gạo Basmati (3,54 tỷ USD), 7,43 triệu tấn gạo đồ (2,76 tỷ USD), 3,89 triệu tấn gạo tấm (1,13 tỷ USD), và 5,94 triệu tấn gạo non-Basmati (2,23 tỷ USD).
Dựa theo những số liệu này, có thể thấy, chưa đến một nửa sản lượng gạo và một phần ba giá trị gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế mới được công bố.
Đối với thị trường trong nước
Quyết định của Ấn Độ sẽ kéo theo giá gạo tăng lên trên toàn cầu, khiến cho các quốc gia đang phát triển, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá cả leo thang do cuộc xung đột Nga – Ukraine, gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả.
Lệnh cấm xuất khẩu cũng không làm giảm lạm phát trong nước hoặc cải thiện an ninh lương thực của Ấn Độ. Vào tháng 8, chính phủ Ấn Độ có 28 triệu tấn gạo dự trữ (cao hơn hẳn kho dự trữ đệm bắt buộc của chính phủ là 11 tấn), vì vậy, các kho dự trữ này sẽ không sớm cạn kiệt.
Theo các nhà kinh tế nông nghiệp Ashok Gulati và Ritika Juneja, lạm phát ở Ấn Độ chủ yếu được thúc đẩy bởi giá nhiên liệu và rau quả; giá gạo chiếm hơn 2% mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng tháng trước.
Bên cạnh đó, lệnh cấm xuất khẩu cũng ảnh hưởng đến chính nông dân của Ấn Độ, vì họ không có cơ hội bán hàng lúc giá cả tăng lên ở nước ngoài. Nông dân ở Ấn Độ đã quen với việc phải chịu những mặt trái khi giá toàn cầu giảm và không được hưởng lợi khi giá tăng, nếu chính phủ chặn xuất khẩu.
Đối với toàn cầu
Lệnh cấm của Ấn Độ, cùng với thuế xuất khẩu, có thể sẽ làm tăng giá gạo toàn cầu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia nhập khẩu gạo từ quốc gia này, cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu gạo nói chung trên thế giới, một báo cáo của tập đoàn dịch vụ tài chính Nomura cho biết.
Thái Lan và Việt Nam là 2 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều thứ 2 và thứ 3 thế giới, nên sẽ là lựa chọn hàng đầu cho các quốc gia đang tìm nguồn cung để lấp đầy khoảng trống.
“Bất kỳ ai hiện đang nhập khẩu từ Ấn Độ sẽ tìm cách nhập khẩu nhiều hơn từ Thái Lan và Việt Nam,” bà Sonal Varma, chuyên gia kinh tế trưởng của tập đoàn Nomura nhận định.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu gạo toàn cầu đạt 51,63 triệu tấn vào năm 2021. Ấn Độ chiếm 41% trong tổng số, tiếp theo là Việt Nam và Thái Lan với khoảng 12% mỗi nước.
Việt Nam sản xuất khoảng 44 triệu tấn gạo và thu về khoảng 3.133 tỷ USD vào năm 2021, theo một báo cáo do công ty nghiên cứu Global Information công bố hồi tháng 7.
Thái Lan sản xuất 21,4 triệu tấn gạo vào năm 2021, tăng 2,18 triệu tấn so với năm trước, theo dữ liệu từ Statista.
Trong khi đó, phân tích chỉ ra rằng Philippines và Indonesia có thể sẽ gặp khó khăn do lệnh cấm. Theo tập đoàn Nomura, Philippines nhập khẩu hơn 20% lượng gạo tiêu thụ trong nước. Mức lạm phát của nước này cũng trên 6%, do đó việc giá gạo tăng lên cũng sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của quốc gia này.
Một quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm và thuế suất của Ấn Độ, vì quốc gia này đứng thứ hai sau Philippines về nhập khẩu gạo. Theo tập đoàn Nomura, Indonesia phải nhập khẩu với 2,1% nhu cầu tiêu thụ gạo. Theo Statista, gạo chiếm khoảng 15% trong rổ lương thực CPI của Indonesia.
Các quyết dịnh của Ấn Độ được đưa ra giữa thời điểm lạm phát toàn cầu đang trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là do cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này có thể sẽ khiến giá lương thực tăng thêm, đồng thời gây ra mất an ninh lương thực ở nước ngoài, vì Ấn Độ là nhà cung cấp gạo rẻ nhất cho nhiều nước châu Phi, bao gồm Nigeria, Benin và Cameroon.
Nguyễn Tuyết (Theo The Hindu, India Times, The Week, CNBC, CNA)