Chính phủ 2 nước Ấn Độ và Israel đã thông qua một “tuyên bố tầm nhìn” nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh giữa 2 bên trong tương lai.
Động thái này diễn ra sau chuyến thăm và làm việc tại thủ đô New Delhi gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benjamin Gantz. Ông Gantz đã có cuộc gặp với Thủ tướng Narendra Modi và người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh.
Hai Bộ trưởng đã thông qua Tầm nhìn Ấn Độ-Israel về Hợp tác Quốc phòng, nhằm “củng cố hơn nữa” cấu trúc hợp tác quốc phòng Ấn Độ-Israel, theo tờ The Indian Express.
Sáng kiến này bao gồm hợp tác trong các công nghệ quốc phòng.
“Cuộc gặp ấm áp và hiệu quả với Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Benjamin Gantz, tại New Delhi”, Bộ trưởng Singh cho biết trong một bài đăng trên Twitter. Hai bên "đã thảo luận các vấn đề chính liên quan đến hợp tác quốc phòng và các kịch bản toàn cầu và khu vực trong cuộc họp song phương".
Ông tuyên bố, có một "sự đồng thuận rộng rãi" đối với việc cải thiện quan hệ chiến lược và quốc phòng song phương. Thỏa thuận được cho là phù hợp với tầm nhìn “Make in India” (sản xuất tại Ấn Độ) của Thủ tướng Modi.
Những điểm tương đồng
Bộ trưởng Gantz tuyên bố rằng cả Ấn Độ và Israel đều có chung những thách thức, bao gồm an ninh biên giới và cuộc chiến chống khủng bố.
Ông cho rằng “tuyên bố tầm nhìn” mới được thông qua sẽ cho phép 2 quốc gia hợp tác cùng nhau để tăng cường năng lực và bảo vệ tốt hơn lợi ích quốc gia của mình.
“Chúng ta có cơ hội tuyệt vời để làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng giữa 2 bên và xây dựng dựa trên các giá trị chung của chúng ta để đóng góp vào sự ổn định toàn cầu”, ông Gantz cho biết.
Ngoài ra, Bộ trưởng Gantz khẳng định rằng Ấn Độ là một “siêu cường công nghiệp”, trong khi Israel đang phấn đấu trở thành một “siêu cường công nghệ” ở Trung Đông.
“Hợp tác song phương sẽ mở rộng khả năng của cả 2 quốc gia để đối phó với những thách thức đang thành hình”, ông Gantz cho biết thêm.
Hợp tác ngày càng sâu sắc
Chuyến thăm của ông Gantz phản ánh mối quan hệ chặt chẽ và ngày càng sâu sắc giữa 2 bên, đặc biệt kể từ khi ông Modi nhậm chức vào năm 2014 và trở thành Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên đến thăm Israel vào năm 2017 để thảo luận về hợp tác kinh tế và an ninh trên phạm vi rộng.
Ấn Độ là một trong những khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Israel, với các hợp đồng vũ khí trị giá hơn 1 tỷ USD hàng năm, và rất quan tâm đến các công nghệ tiên tiến cho hải quân và không quân của quốc gia Nam Á này.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 1997-2000, 15% tổng số vũ khí xuất khẩu của Israel được chuyển đến Ấn Độ.
Vào giữa những năm 2000, con số này đã tăng lên 27%, khi Ấn Độ mở rộng phạm vi mua sắm, chẳng hạn như thiết bị giám sát, máy bay không người lái và tên lửa đất đối không.
Trong giai đoạn 2000-2010, Ấn Độ đã chi khoảng 10 tỷ USD cho vũ khí nhập khẩu từ Israel.
Kể từ năm 2014, khi ông Modi làm Thủ tướng Ấn Độ, khoảng 42,1% tổng lượng vũ khí xuất khẩu từ Israel đã đổ vào Ấn Độ.
Lượng vũ khí giao cho Ấn Độ từ Israel đã tăng 175% trong giai đoạn 2015-2019.
Trong một trong những thỏa thuận lớn giữa 2 bên trong những năm gần đây, Israel và Ấn Độ đã cùng nhau phát triển hệ thống Barak 8, có thể đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình và chống hạm bay thấp và các mục tiêu tàng hình.
Ấn Độ và Israel cũng đã tiến hành một số cuộc tập trận chung trong những năm gần đây. Ví dụ, các phi công Ấn Độ năm ngoái đã tham gia cuộc diễn tập máy bay chiến đấu quốc tế giữa 8 quốc gia mang tên “Cờ xanh” do Israel đăng cai tổ chức.
Trong đại dịch Covid-19, Israel và Ấn Độ đã tiến hành một loạt các thí nghiệm chung về chẩn đoán. Cả 2 nước đều có ý định tiếp tục hợp tác khoa học và y tế trong các vấn đề khác bên cạnh đại dịch.
Minh Đức (Theo The Defense Post, Al-Monitor, Middle East Eye)