Ấn Độ không tham gia lực lượng tác chiến đặc nhiệm tại Biển Đỏ do Mỹ dẫn đầu và cũng không có tàu chiến nào của quốc gia này hoạt động tại đây. Tuy nhiên, quốc gia này có hai tàu chiến tại Vịnh Aden và ít nhất 10 tàu chiến tại miền Bắc và miền Tây Biển Ả Rập, cùng với nhiều máy bay trinh sát.
Các quan chức Ấn Độ cho biết, đây là lực lượng lớn nhất mà quốc gia này điều động trong khu vực.
Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar cho biết tiềm năng quân sự, lợi ích và tiếng tăm ngày càng lớn của Ấn Độ đã thúc đẩy quốc gia này thực hiện các hành động hỗ trợ.
Trong một sự kiện vào ngày Chủ Nhật, ông phát biểu: “Chúng ta sẽ không được coi là một quốc gia có trách nhiệm nếu như tình thế bất ổn đang xảy ra xung quanh nước mình và chúng ta chỉ nói ‘Chúng tôi không liên quan tới những vụ việc này’”.
Các quốc gia khác cũng đã điều động hải quân tới khu vực, bao gồm Mỹ, Pháp và Trung Quốc, tuy nhiên các quan chức Ấn Độ khẳng định sự hiện diện của Ấn Độ có tầm ảnh hưởng lớn nhất.
Các quan chức quân đội và quốc phòng của Ấn Độ cho biết, các quân nhân hải quân, bao gồm các nhóm biệt kích, đã điều tra hơn 250 tàu và thuyền con trong hai tháng qua, đổ bộ hơn 40 tàu, sau khi hoạt động cướp biển bắt đầu tăng trở lại sau hơn 6 năm vắng bóng.
Các quan chức này cho biết, ít nhất 17 vụ việc liên quan tới chiếm đoạt, âm mưu chiếm đoạt và áp sát đáng ngờ đã được báo cáo bởi Hải quân Ấn Độ từ ngày 1 tháng 12 năm 2023 tới nay.
Lực lượng Houthi của Yemen từ tháng 11 năm 2023 tới nay đã liên tục tấn công các tàu trong khu vực Biển Đỏ, một tuyến đường phục vụ 12% lưu lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế, với khẳng định thực hiện những hành động này nhằm ủng hộ phe Palestine trong cuộc chiến của Israel.
Một lực lượng đặc nhiệm tác chiến do Mỹ dẫn đầu đang bảo vệ các tàu thuyền trong khu vực Biển Đỏ và đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Houthi trên toàn Yemen trong tháng vừa rồi.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Ấn Độ cho rằng cuộc xung đột đang lan rộng khỏi Biển Đỏ.
Một quan chức hải quân Ấn Độ yêu cầu giữ kín danh tính cho biết: “Lực lượng Houthi và các nhóm cướp biển không có liên quan tới nhau. Nhưng các nhóm cướp biển đang cố lợi dụng tình hình phương Tây tập trung vào khu vực Biển Đỏ”.
Phát ngôn viên của Hải quân Ấn Độ đã không phản hồi các yêu cầu bình luận.
Harsh Pant, một chuyên gia chính sách đối ngoại tại tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation ở New Delhi cho biết, Hải quân Ấn Độ đang thực hiện hoạt động cảnh sát biển thông thường.
Lực lượng này đã giải cứu 2 người Iran và giúp giải cứu một thuyền đánh cá của Sri Lanka trong 2 ngày đầu tuần này. Trong tháng 12 năm 2023, họ đã giúp 2 tàu thương nhân bị không kích gần Vùng Đặc quyền Kinh tế của Ấn Độ.
Hai quan chức Ấn Độ khẳng định, các máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất đã được sử dụng trong các cuộc tấn công trong tháng 12 năm 2023, nhưng không khẳng định Tehran phải chịu trách nhiệm, sau khi chính quyền Tehran ngay lập tức bác bỏ các cáo buộc của Mỹ liên kết chính quyền này tới các cuộc tấn công trên. Ông Jaishankar đã thăm Iran trong tháng vừa rồi và đã nêu lên các vấn đề về an ninh hàng hải.
Ông Pant cho biết: “Là lực lượng bảo đảm an ninh khu vực (hải quân Ấn Độ) đang không chỉ thể hiện khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia ngày càng hiệu quả mà còn khiến các nước trong khu vực tin rằng họ sẵn sàng và có khả năng chịu trách nhiệm cho nền an ninh khu vực”.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)