Chính phủ Ấn Độ ngày 10/10 cho biết, nước này có trữ lượng than dồi dào để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện. Tuyên bố được đưa ra nhằm xoa dịu những lo ngại về tình trạng mất điện có khả năng xảy ra ở New Delhi và các thành phố khác.
Dự trữ nhiên liệu hiện tại cho các nhà máy điện than là khoảng 7,2 triệu tấn, đủ cho 4 ngày, Bộ Than Ấn Độ cho biết.
Trong một tuyên bố riêng, Bộ Điện lực cho biết lượng than cung cấp cho các công ty điện lực hôm 9/10 đã tăng lên 1,92 triệu tấn, trong khi tiêu thụ là 1,87 triệu tấn.
Bộ này cho biết, mức dự trữ than cho các công ty điện sẽ tăng lên khi Công ty Than Ấn Độ (Coal India) tăng cường lượng cung.
Coal India - gã khổng lồ khai thác mỏ thuộc sở hữu của chính phủ - cũng có một lượng dự trữ hơn 40 triệu tấn đang được cung cấp cho các nhà máy điện.
"Mọi lo ngại về sự gián đoạn cung cấp điện là hoàn toàn không đúng chỗ", Bộ Than cho biết trong một tuyên bố.
“Nguồn cung cấp than trong nước đã hỗ trợ một cách chủ yếu cho sản xuất điện mặc dù có gió mùa lớn, nhập khẩu than thấp và nhu cầu điện tăng mạnh do phục hồi kinh tế”.
Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal cảnh báo về một cuộc khủng hoảng điện đang rình rập ở thủ dô của đất nước, nơi sinh sống của hơn 20 triệu người.
Một số khu vực trên khắp Ấn Độ đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nguồn cung nhiên liệu trong những tháng gần đây, với các nhà cung cấp dịch vụ tiện ích phải cắt điện đột xuất.
Các nhà máy điện than của Ấn Độ có lượng dự trữ trung bình trong 4 ngày vào cuối tháng 9, mức thấp nhất trong nhiều năm.
Việc thiếu than đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung điện cho một số bang miền Đông và miền Bắc Ấn Độ, khiến người dân ở các khu vực này bị cắt điện kéo dài tới 14 giờ một ngày.
Tình trạng thiếu hụt ở Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ than lớn thứ hai thế giới, diễn ra sau tình trạng mất điện trên diện rộng ở Trung Quốc khiến các nhà máy phải đóng cửa và ảnh hưởng đến sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Than chiếm gần 70% sản lượng điện của Ấn Độ và khoảng 3/4 nhiên liệu hóa thạch được khai thác trong nước.
Khi nền kinh tế lớn thứ ba châu Á phục hồi sau làn sóng Covid-19, các trận mưa lớn do gió mùa đã làm ngập các mỏ than và làm gián đoạn mạng lưới giao thông, dẫn đến giá than tăng mạnh đối với các bên mua than, bao gồm cả các nhà máy điện.
Giá than quốc tế cũng tăng vọt.
Minh Đức (Theo CNA, Reuters, Bloomberg)