Đã 10 ngày kể từ lần cuối những người dân ở khu ổ chuột Vasant Kunj nhận được lượng nước ít ỏi. Đối với nhiều gia đình, nước của họ đã hết từ vài ngày trước.
Nhiệt độ lên cao, người dân nơi đây sống trong những túp lều lợp bằng tôn. Dưới cái nóng 40 độ C, mỗi túp lều như một chiếc lò nung.
Hàng trăm thùng nhựa rỗng bày thành hàng trên mặt đất nứt nẻ, khô cằn khi những cư dân của khu ổ chuột Vasant Kunj ở Nam thủ đô Delhi - một trong những khu ổ chuột lớn nhất và nghèo nhất thành phố.
"Sống như thế này vất vả quá, Tất cả trông đợi vào nước. Mọi thứ. Ăn uống, nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ" - Fatima Bibi, 30 tuổi nói.
Hiện tại, một số hộ dân đang gom tiền từ mọi người để lắp đặt một máy bơm để lấy nước tắm giặt. Họ cho rằng đó là giải pháp thô sơ nhưng cần thiết ở thời điểm hiện tại.
Khung cảnh hỗn loạn nổ ra khi xe chở nước tiến vào khu ổ chuột, những tiếng la hét vang lên trong đám đông.
Đàn ông và phụ nữ vội vã lao về phía trước, với tay lấy các ống cao su màu xanh lá cây để dẫn nước vào các thùng chứa đã chuẩn bị sẵn.
Thậm chí, có những người đàn ông và phụ nữ sẵn sàng bỏ việc ở nhà nếu hôm đó xe chở nước đến.
Mỗi hộ ở đây được cấp 600 lít nước vào cả mùa hè lẫn mùa đông và luôn không đủ để "sống sót" cho đến lần nhận nước tiếp theo.
Bởi nước là nguồn tài nguyên hiếm hoi ở đất nước này, nên người dân thường tái sử dụng chúng để sinh sống, họ dùng một nửa thùng để tắm, có ngày thậm chí không tắm rửa, nước dùng để rửa rau rồi tái sử dụng để giặt quần áo.
Ấn Độ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất lịch sử khi 600 triệu người dân nước này sống trong tình trạng thiếu nước vô cùng trầm trọng.
Theo báo cáo gần đây của Niti Aayog - một tổ chức nghiên cứu chính sách của Chính phủ, trung bình mỗi năm có tới 200.000 người Ấn Độ tử vong vì thiếu nước hoặc ô nhiễm nước.
Báo cáo ước tính khoảng một trăm triệu người, bao gồm người dân tại các thành phố lớn như Delhi, Bangalore và Hyderabad sẽ sớm phải đối mặt với tình trạng thiếu nước do không có nước ngầm.
Trong khi Ấn Độ vẫn là quốc gia nông nghiệp với 80% lượng nước được sử dụng để tưới tiêu cho lúa và mía.
Ông Suresh Rohilla, giám đốc quản lý nước đô thị tại trung tâm Khoa học và Môi trường nói: "Các chính sách của một số bang như cung cấp điện miễn phí cho nông dân, hỗ trợ tài chính để khai thác nước ngầm như đào giếng khoan, đường ống, dẫn đến lãng phí trong khai thác tài nguyên và không thể kiểm soát được".
Trong bối cảnh Ấn Độ đang phát triển với dân số 1,3 tỷ người và hàng triệu người đang đổ về các thành phố, tình hình được dự đoán ngày càng tồi tệ vì nhu cầu sử dụng nước tăng lên.
Jyoti Sharmer - người sáng lập kiêm chủ tịch của FORCE, một tổ chức phi chính phủ Ấn Độ về vệ sinh và bảo tồn nguồn nước cho hay: "Chúng tôi có quá nhiều người nhưng lại quá ít nước. Thật không may, mọi người không hiểu được điều đó thực sự đáng sợ như thế nào".
"Chúng tôi là quốc gia phụ thuộc nước ngầm lớn nhất thế giới. Thật tồi tệ, đó là một thực trạng khủng hoảng rất nghiêm trọng. Ấn Độ đã mất tới hàng thập kỷ để thiết lập các đường ống khoan hàng trăm km nhằm tiếp cận nguồn nước ngầm”, vị này cho biết thêm.
Sharmer cảnh báo không chỉ ở Ấn Độ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, thiếu nước có thể trở thành vấn đề toàn cầu, thậm chí ảnh hưởng tới cục diện thế giới.
Liệu Ấn Độ, một quốc gia từng thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc có bị đẩy vào một cuộc chiến với chủ nghĩa đế quốc khác chỉ vì thiếu nước hay không?
Theo tổ chức phi chính phủ quốc tế Water Aid, Pakistan, Ethiopia, bang California của Mỹ cũng là những quốc gia và khu vực đang chịu chung cảnh khan hiếm nước sạch giống như Ấn Độ.
Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Down to Earth có trụ sở tại Mumbai, từ năm 1995, có hơn 200.000 nông dân đã tự tử do khủng hoảng nghiêm trọng trong nông nghiệp.
Năm ngoái, thủ phủ Shimla ở bang Himachal Pradesh, miền bắc Ấn Độ, gần như cạn kiệt nước.
Ở hai thành phố được xem là trung tâm công nghệ thông tin lớn như Bangalore và Hyderabad xuất hiện các tay buôn lậu nước, trong khi ở các vùng nông thôn, dân làng phải đi bộ cả chục km để tìm nước hoặc trả giá cắt cổ để mua nước.
Giao thông đường thủy Ấn Độ cũng phải hứng chịu thảm họa khi hàng tỷ lít nước thải, bao gồm cả hóa chất và nước thải chưa qua xử lý được xả ra mỗi ngày.
Ở cấp địa phương, New Delhi đưa ra các hình thức thưởng với những người tiết kiệm nước và phạt những người lãng phí nước.
Minh Anh (Theo CNN)