Cuối tuần qua, Tổng thống Ấn Độ Shri Ram Nath Kovind đã tới thăm khu vực Arunachal Pradesh, vùng lãnh thổ từ lâu trở thành tâm điểm tranh chấp giữa Bắc Kinh và New Delhi.
Ấn Độ khẳng định Arunachal Pradesh là một bang ở cực Đông Bắc của quốc gia này, trong khi Trung Quốc chưa bao giờ công nhận điều đó. Theo Bắc Kinh, vùng mà Ấn Độ gọi là Arunachal Pradesh phần lớn được tạo nên bởi 3 khu vực nhỏ thuộc về vùng Tây Tạng của Trung Quốc, là Monyul, Loyul và Hạ Tsayul – hiện đang “nằm dưới sự kiểm soát bất hợp pháp của Ấn Độ”, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với khoảng 90.000km2 tại khu vực này.
Trong khi đó, New Delhi luôn duy trì quan điểm rằng “Arunachal Pradesh là một bộ phận lãnh thổ thống nhất và không thể tách rời của Ấn Độ”.
Kể từ khi xảy ra chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, lực lượng quân đội Trung Quốc đã tạm thời chiếm một phần khu vực Arunachal Pradesh, gồm cả Tawang, nơi sùng bái thiêng liêng và cũng là quê hương của Đạt Lai Lạt Ma thứ 6. Về sau, Trung Quốc tuyên bố ngừng chiến và rút quân về nơi mà Bắc Kinh gọi là “ranh giới kiểm soát thực tế”. Năm 1987, Ấn Độ công khai thành lập bang Arunachal Pradesh.
Tới nay những tranh chấp, giằng co giữa hai bên về vấn đề lãnh thổ vẫn chưa hết nóng.
Tới nay, Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức 19 vòng đàm phán về đường biên giới, mà lần gần nhất là vào tháng Tư năm ngoái. Thông qua các vòng đàm phán này, cả hai bên đồng ý rằng “hòa bình ở biên giới là nền tảng cho sự mở rộng quan hệ Trung-Ấn”. Cả hai quốc gia cũng bày tỏ “cam kết trong giải quyết các vấn đề song phương thông qua đối thoại và đàm phán hòa bình theo một phương thức đảm bảo công bằng, hợp lý và thuận cả đôi bên”.
Tuy nhiên, Trung Quốc tin rằng, chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ tới khu vực Arunachal Pradesh vừa qua đã phá vỡ cam kết về “hòa bình biên giới” và ngay lập tức đưa ra tín hiệu phản đối mạnh mẽ với quốc gia láng giềng.
Trong một phiên họp báo thường kỳ một ngày sau đó, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh, cả hai quốc gia đang cố gắng giải quyết những mâu thuẫn về vấn đề biên giới thông qua đối thoại. Do đó, Bắc Kinh thúc giục Ấn Độ “gìn giữ hòa bình ở vùng biên” tới khi đạt được một giải pháp.
“Trung Quốc quyết liệt phản đối hoạt động của nhà lãnh đạo Ấn Độ tại khu vực tranh chấp. Quan hệ Trung-Ấn đang bước vào thời điểm quan trọng của sự phát triển. Chúng tôi hy vọng phía Ấn Độ sẽ hợp tác vì mục tiêu chung, gìn giữ bức tranh quan hệ song phương, kiềm chế các động thái có thể làm phức tạp tình hình biên giới”, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói.
“Thời điểm quan trọng” mà phía Trung Quốc nhắc tới là những sự kiện ngoại giao sắp tới giữa Bắc Kinh và New Delhi. Hồi đầu tháng Mười Một, bộ Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ rằng vòng tiếp theo của các đại diện đặc biệt giữa hai nước sẽ được tổ chức theo đúng tiến độ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng lên kế hoạch tới New Delhi vào tháng sau để dự cuộc họp với những người đồng cấp từ Nga, Ấn Độ.
Trong bối cảnh đó, thời điểm ông Kovind tới thăm khu vực Arunachal Pradesh được coi như là một hành động khiêu khích, theo quan điểm từ phía Bắc Kinh. Đặc biệt, 2 tuần trước đó Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman cũng vừa tới vùng này, tất nhiên kèm sau đó là sự phản đối dữ dội từ Trung Quốc.
Tình hình còn tệ hơn khi Tổng thống Kovind có bài phát biểu về Arunachal Pradesh trước Hội đồng Lập pháp Ấn Độ. Trong đó, ông Kovind kêu gọi Arunachal Pradesh thúc đẩy thương mại và kinh tế với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là “các quốc gia Đông Nam Á phù hợp với chính sách hướng Đông”, mà không nhắc tới Trung Quốc.
Theo nhận định của các chuyên gia, khi những “tàn lửa” vụ Doklam chưa dứt hoàn toàn, New Delhi lại muốn tiếp tục “thử” Trung Quốc bằng cách nhen nhóm những tia lửa mới. Tuy vậy, theo giới quan sát, dù Bắc Kinh cứng rắn nhưng không nên đẩy tình hình quá xa vào thời điểm này, bởi diễn biến đó nhiều khả năng sẽ biến quốc gia láng giềng Nam Á trở thành một kẻ thù lớn của Trung Quốc.
Ông Sun Shihai, một chuyên gia tại Hiệp hội Trung Quốc về Nghiên cứu Nam Á, từng nhận định nếu Bắc Kinh không xử lý khéo léo có thể kích động tư tưởng bài Trung ở Ấn Độ cũng như gây mất niềm tin giữa hai bên. Ngoài ra, quan hệ với New Delhi ảnh hưởng rất sâu sắc tới những nỗ lực kinh tế của Bắc Kinh nhằm vươn tầm ảnh hưởng ra khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Do vậy, giữ hòa khí trong thời điểm hiện tại là điều cần thiết đối với cả Trung Quốc và Ấn Độ. Điều đó không chỉ mang lại lợi ích chiến lược đối với riêng Bắc Kinh mà còn với chính bản thân quốc gia láng giềng Ấn Độ.
Xem thêm: Mỹ tiếp tục hỗ trợ “khủng” cho SDF, nuôi hy vọng tại Syria