Ở Ấn Độ, đa phần người dân đều theo đạo Hindu, đây là tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất. Đối với đạo Hindu, bò là linh vật vô cùng thiêng liêng do đó loại gia súc này rất được bảo vệ.
Không chỉ không được ăn thịt từ bò, một đạo luật ra đời từ năm 1995 có tên là Rajasthan Bovine Animal Act nghiêm cấm người dân sở hữu, mua bán hoặc vận chuyển thịt bò. Thịt bò trở thành hàng "quốc cấm" và bất cứ ai vi phạm luật này có thể bị phạt tù 2 năm cũng như nộp phạt số tiền lên đến 10.000 rupee (khoảng 150 USD).
Nước tiểu và phân bò được nhiều người Ấn Độ sử dụng với niềm tin rằng những thứ này có chứa sức mạnh của thần linh.
Tuy nhiên, sản phẩm mới của một cơ quan nhà nước Ấn Độ đã gây nên nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây, một sản phẩm công nghệ được làm từ chất thải của bò – chip chống bức xạ điện thoại.
Người đứng đầu ủy ban này khẳng định chỉ cần bỏ chip phân bò này vào ốp lưng điện thoại là đã có thể miễn lo bức xạ.
Ủy ban Bò quốc gia Ấn Độ được thành lập vào tháng 2/2019 nhằm bảo tồn, bảo vệ và phát triển đàn bò.
Phát biểu trên The Indian Express, ông Vallabhbhai Kathiria cho biết thêm con chip từ chất thải của bò chống sóng bức xạ đang được đẩy mạnh sản xuất và mỗi chiếc có giá vào khoảng 100 rupee (31.500 đồng).
"Phân bò chống bức xạ, nó bảo vệ tất cả, nếu bạn mang thứ này về nhà thì nơi ở của bạn sẽ không còn bức xạ. Tất cả điều này đã được khoa học chấp thuận", ông Vallabhbhai Kathiria nhấn mạnh mặc dù không giải thích được cơ chế công nghệ của thiết bị này.
Ngoài chip chất thải bò, mới đây nhất ủy ban này còn giới thiệu đèn diyas làm từ vật liệu tương tự vô cùng thân thiện môi trường, và có ít nhất 15 bang đã hưởng ứng kế hoạch trên.
Nguyên Anh (Nguồn The Indian Express)