Mọi xung đột và tranh chấp trên Biển Đông đều ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia có lợi ích trong vùng biển này. Việc Trung Quốc nuôi tham vọng biến "Biển Đông thành ao nhà" khiến Ấn Độ hết sức quan ngại. Lợi ích của Ấn Độ cũng đang bị ảnh hưởng vì những nguy cơ tiềm ẩn đó, bởi vậy, Ấn Độ đã nhắc lại lập trường của mình về tự do hàng hải và nhấn mạnh sẽ "bảo vệ lợi ích" của mình nếu cần thiết.
Việc "bảo vệ lợi ích" thực chất là tăng cường hợp tác hải quân với các nước trong ASEAN và các nước khác có chung mối quan tâm tại vùng biển này trong việc bảo vệ các nguyên tắc FON một cách chặt chẽ.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ A.K Antony.
Hơn 55% quá cảnh thương mại Ấn Độ đều phải đi qua Biển Đông. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã từng tuyên bố: "Ấn Độ và ASEAN cần tăng cường hợp tác an ninh, an toàn và tự do hàng hải, giải quyết bằng hòa bình các tranh chấp hàng hải theo luật pháp quốc tế".
Trước những tuyên bố của Ấn Độ và nguyên tắc FON, Trung Quốc đã lên tiếng nói rằng, FON vẫn được đảm bảo đầy đủ trên Biển Đông. Tuy nhiên, lời nói của Trung Quốc lại đang mâu thuẫn lớn với những hành động thực tế Trung Quốc trên vùng biển này.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K Antony nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế như sau: "Quyền tự do hàng hải cũng giống như quyền tự do cá nhân. Quyền này chỉ được thực hiện đầy đủ khi tất cả các nước lớn, nhỏ đều tuân thủ luật pháp và các nguyên tắc đã được thống nhất và thừa nhận".
Tuy nhiên, chỉ cần một nước đi ngược lại nguyên tắc thì mọi cố gắng của các nước khác cũng sẽ bị "ngả nghiêng". Theo ông A.K Antony, việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với toàn bộ khu vực Biển Đông là điều không thể chấp nhận được. Ông cũng khẳng định, tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông cần được giải quyết triệt để theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 UNCLOS.
Hải quân Ấn Độ.
Hải quân Ấn Độ đã tuyên bố việc bảo vệ các tuyến đường biển là một trong những nhiệm vụ thiết yếu của quân đội nước này.
Trung Quốc và Ấn Độ lâu nay vốn cũng có những tranh chấp lãnh thổ khiến mối quan hệ của hai nước ít nhiều bị ảnh hưởng. Một tuần sau khi quân đội Trung Quốc rút khỏi Raki Nalla phía Bắc Ladakh chấm dứt 21 ngày đối đầu giữa lực lượng quân sự hai nước láng giềng, Bộ trưởng Antony cho hay, Ấn Độ sẽ tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng và khả năng phòng thủ dọc biên giới với Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.
Trong một thông điệp khác rõ ràng và cứng rắn hơn nhằm đến Trung Quốc, Bộ trưởng Antony cho hay, mỗi quốc gia có quyền xây dựng cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ của họ, bởi thế Ấn Độ cũng có quyền xây dựng cơ sở hạ tầng của riêng mình trên lãnh thổ của mình như Trung Quốc đã từng làm ở biên giới Trung - Ấn. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, hai nước sẽ tiếp tục đàm phán để tìm giải pháp cho vấn đề biên giới này.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc Ấn Độ hợp tác với các quốc gia trong khu vực Biển Đông hoàn toàn phù hợp với chính sách hướng Đông của nước này.
Trong một tuyên bố về mối quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN có viết: "Chúng tôi cam kết tăng cường hợp tác để đảm bảo an ninh, tự do hàng hải và sự an toàn của các tuyến đường giao thông trên biển, thúc đẩy tự do thương mại theo luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển UNCLOS".
An Mai