New Delhi hiện nay đã là thành phố thứ 8 được xây dựng lên, ở xung quanh hoặc ngay bên trên các thành phố xưa cũ, sau những chiến trận dữ dội đã tàn phá các thành phố đó. Khu vực Old Delhi hiện nay được xây dựng từ TK XVII, khi Mughal Shah Jahan dời kinh đô từ Agra về đây năm 1911, quân đội Anh cũng đã dời kinh đô từ Calcutta về đây và cho đến ngày 15.08.1947, khi Ấn Độ tuyên bố độc lập thì New Delhi cũng được chọn là thủ đô của quốc gia này.
Từ đó đến nay, New Delhi đã phát triển không ngừng để thể hiện vai trò đầu tàu của mình trong việc phát triển kinh tế. Chính sự bùng nổ kinh tế này, kéo theo việc dân chúng khắp nơi đổ về, mong cầu 1 cơ hội sống tốt hơn, một tương lai tươi sáng hơn… đã làm cho New Delhi mang một sắc thái Ấn Độ hơn bao giờ hết, sự mâu thuẫn rõ rệt giữa các giai cấp, các tầng lớp kinh tế… Một Delhi đa chiều mà sự lôi cuốn của nó đối với khách du là những gì của một thời xa xưa vang bóng, chứ không của 1 Delhi hiện tại – hỗn độn và xô bồ.
Thời gian dành cho Delhi không nhiều, chúng tôi dự định sẽ chỉ ở đây 2 ngày. Sau đó sẽ chia tay, các bạn sẽ đi tiếp Agra, còn tôi sẽ đi lên tiếp Amritsa, biên giới India – Pakistan, do vậy chúng tôi cố gắng tranh thủ thăm thú Delhi nhiều nhất có thể. Buổi sáng, ra khỏi khu Paharganj, 4 đứa hỏi xe autorickshaw bao đi nguyên ngày nhưng đều bị hét giá trên trời dưới đất, thế là chúng tôi chuyển sang phương án 2, đi metro và đi bộ. Số là ngay ga New Delhi cũng như ở khu Connaught sầm uất kế bên đều có ga metro, do đó 4 tên lóc cóc đi bộ từ Paharganj đến Connaught, chui xuống hầm và lên chuyến metro hướng đến thánh đường Hồi Giáo lớn nhất Delhi Jama Majsid.
Bản đồ Metro, cho bạn nào cần
Metro vắng vẻ vì đã quá giờ đi làm, toa xe sạch sẽ, máy lạnh mát rượi nên chúng tôi rất khoái chí. Nhưng khi đổ ra bên ngoài thì ôi thôi, đường xá đông đen chật cứng. Hướng theo bản đồ, theo các tháp cao của thánh đường để len lỏi trong các đám đông, nhiều lúc tôi cứ ngỡ mình đang lang thang ở chợ Cầu Muối ngày xưa cũ! Nhưng sau 1 đoạn đường len lách, ngôi thánh đường đã hiện ra trước mắt, kiêu hãnh nổi bật trên những xô bồ – và đẹp đến ngỡ ngàng.
Delhi đông đúc từ trên cao và từ dưới đất
Thánh đường lộng lẫy Jama Masjid, không chỉ là thánh đường rộng nhất Delhi mà còn là rộng nhất India và là tuyệt phẩm cuối cùng của quốc vương Hồi giáo Shah Jahan. Được xây dựng vào năm 1644. Mãi đến năm 1658 thánh đường này mới được hoàn thành. Được xây dựng bằng đá đỏ và đá cẩm thạch trắng, khoảng sân của ngôi thánh đường khổng lồ này có thể chứa đến 25.000 ngàn người. Nói chung cảm giác đầu tiên khi nhìn thánh đường này là bị ngợp.
Jama Masjid, 1 góc nhỏ
Lộng lẫy Masjid Jama
Không ngạc nhiên lắm khi được biết thánh đường Masjid Jama này được xây dựng bởi quốc vương Shah Jahan, vị quốc vương đã xây dựng nên ngôi đền Taj Mahal lừng danh ở Agra. Hơn thế nữa, thánh đường này lại là tuyệt phẩm cuối cùng mà ông đã xây dựng nên. Trải qua gần 400 năm ở cái xứ Ấn độ thời tiết quá khắc nghiệt nhưng ngôi thánh đường hầu như vẫn giữ nguyên được vẻ tráng lệ như từ thuở nó được sinh ra.
Những mái vòm hun hút cuốn theo hồn người
Hồ nước để tẩy trần trước khi khấn vái
Lang thang mê mải trong cái nắng bắt đầu gay gắt của xứ Ấn, tôi càng đắm chìm hơn khi tòa thánh đường ngày càng rực rỡ khi nắng lên. Không chỉ lộng lẫy khi đứng nhìn từ bên ngoài với các tháp kiều diễm, thánh đường còn mê đắm lòng người với những kiến trúc tinh xảo bên trong, những mái vòm với những đường cong mềm mại, tinh tế chạy dài hun hút như cuốn theo hồn người.
Các góc nhìn quanh Masjid Jama
Lúc đầu, cảm giác được đi chân trần trên sân gạch đã mòn nhẵn thời gian thật dễ chịu (phải gửi giày dép và đi chân trần, bạn đi tour thì được các bạn guide phát cho 1 đôi dép giấy) nhưng khi nắng lên thì việc đó trở thành thử thách, nhưng có lẽ đối với một tên lười biếng lao động da chân mỏng như tôi thôi chứ với dân Ấn thì hình như chẳng hề hấn gì. Nhất là các em bé, mà trò đùa vui của chúng là ra giữa sân nắng tí tởn vui đùa với đám chim bồ câu đang tụ tập trong sân, đuổi chúng bay tung tóe lại tạo nên những phông nền tuyệt vời cho các nhiếp ảnh gia.
Đám bồ câu trong thánh đường – tưởng tượng cô dâu trong váy trắng toát bay bay trong gió, đám bồ câu tung bay… trong Masjid Jama lộng lẫy…
Masjid Jama qua khung cửa hẹp
Lang thang trong thánh đường, trên sân, trong hành lang, ở ô cửa này, tòa tháp khác… đã đời đã điếu rồi tôi lại bắt đầu leo lên cao. Người ta cho phép (có bán vé) khách tham quan đi lên một trong hai tòa tháp cao 40m bên cạnh thánh đường. Tòa tháp bé xíu, đi lên bằng 1 cái cầu thang tối thui tối mò, dựng đứng, vòng vèo lượn xoắn lên đến đỉnh.
Ở đỉnh của tháp đường kính chừng 2,5m, do vậy số lượng người được cho lên có hạn và thời gian đứng ở đó cũng có hạn. Nếu bạn chịu khó cười cười với anh chàng đứng canh chừng ở đó thì may ra được đứng lâu hơn (!). Từ viewpoint này nhìn xuống thánh đường, nhìn ra Delhi càng thấy vẻ quyến rũ của ngôi thánh đường này, nhất là khi nhìn về 1 thủ đô Delhi của 1 thế kỷ XXI hiện đại tiên tiến (?!) nhà cửa lô xô lộn xộn xung quanh. Bao nhiêu năm trước, khi vùng này còn là mênh mông đất đai chắc tòa thánh đường lộng lẫy này càng nổi bật biết bao.
Nhìn xuống từ tòa tháp cao 40m
Nhìn ra phố phường quanh Jama Masjid
Nhưng không may là lúc ở trên cao này, ngôi thánh đường Jama Masjid lại bị “cạnh tranh” nên lu mờ ít nhiều, vì từ đây nhìn sang Pháo đài Đỏ, Red Fort, nằm ngay kế bên rất rõ, lại thấy pháo đài cũng hoành tráng không kém. Nhất là khi nhìn từ xa thì mọi thứ lại càng hấp dẫn hơn – vì không biết có gì trong đó, và thường thì cỏ bên kia đồi lại xanh hơn!!!
Red Fort xa xa quyến rũ
Bị đuổi xuống vì đã mấy lần nhăn nhở cười duyên rồi đứng quá lâu, tôi tiếp lang thang trong Jama Masjid, nhìn ngắm sờ mó một hồi và sau đó, đến giờ hẹn lại tụ tập cả bọn lại, rồi lôi thôi lếch thếch kéo nhau đi bộ sang Red Fort cũng gần gần đó. Nhưng Red Fort sáng nay lại đóng cửa mất, chỉ mở cửa lại vào buổi chiều. Do vậy chúng tôi phải lang thang đợi đến giờ mở cửa, nhưng nhờ vậy mà hóa hay, chúng tôi ngó nghiêng qua được 1 cái chùa của đạo Jain, rồi lạc vào 1 ngôi đền của đạo Sikh, biết thêm nhiều điều hay. Và sau đó, thông tin hấp dẫn về vùng đất thiêng của đạo Sikh đã làm các bạn kia đổi hướng chuyến đi luôn.
Đối diện với Red Fort là ngay một quần thể các ngôi đền của đạo Jain, đền Digambara. Đạo này ra đời cùng thời với đạo Phật, vào thế kỷ VI trước Công Nguyên bởi Đức Mahavira. Điểm đặc biệt của đạo này là có những nhà sư mộ đạo không mặc đồ gì cả, mà một vài tác giả có liên tưởng đạo này đến Vô tàm giáo trong các tác phẩm của Kim Dung.
Hiện nay, đạo này vẫn đang tồn tại trên đất Ấn và rất nhiều di tích thời xa xưa của đạo giáo này cũng đã được phát hiện, đem lại cho bức tranh tôn giáo Ấn càng thêm nhiều sắc màu.
Chỉ tiếc một điều là ngôi đền này đóng cửa nên tôi chỉ chụp được vài tấm hình, từ bên kia đường và qua song sắt. Sau đó, đành phải lên đường vì có đứng đó cũng không làm được gì hơn nữa.
Bên trong khuôn viên chùa Vô tàm giáo
Chùa Vô tàm giáo nhìn từ bên kia đường, 30phút mới có 1 phút giây thoáng đãng như thế này - Ấn độ mà!
Đi lên tý nữa, theo con đường đối diện với cổng chính hướng Tây của Red Fort là 1 khu phố chợ đông đúc và lọt thỏm giữa đó là 1 ngôi đền cũng sầm uất không ké. Tò mò nhìn các tu sĩ và dân mộ đạo tấp nập ra vào, tôi cũng lăng xăng cởi giày ra đi gửi, rón rén rửa chân, ngang qua cửa mượn 1 cái khăn quấn lên đầu rồi chui tọt vào trong.
Đây là 1 ngôi đền của đạo Sikh, Siganj Gurdwara, đạo của những người tuân thủ năm giới lễ. Đạo này thoáng hơn đạo Muslim, Hindu… vốn hay cấm cửa người ngoại đạo, đón chào tất cả những người muốn vào thăm viếng đền, chỉ với điều kiện đơn giản là phải đi chân trần và phải có khăn che kín đầu, vì để đầu trần vào trong đền là thất lễ với đấng bề trên.
Hình trong ngôi đền Siganj Gurdwara
Lê lết trong ngôi đền của đạo Sikh đã đời, cả đám lếch thếch kéo nhau sang tu viện của đền nằm kế bên, cũng là nơi cung cấp thông tin cho những ai quan tâm. Nói ra sợ thất lễ, mục đích đầu tiên của vài bạn trong nhóm là muốn đi thăm Washington city vì sáng giờ lê lết không có chỗ nào tiện. Nhưng được vị trưởng lão tiếp đón nhiệt tình, giảng dạy đủ điều, đưa nhiều tài liệu, cung cấp hình ảnh rực rỡ của Ngôi đền vàng ở Amritsa… nên các bạn ấy bắt đầu lung lay về việc có nên đi đến đó với tôi hay không (vì ban đầu tôi đã dự định là sẽ đi, còn các bạn thì không).
Ngọt ngào India – trong chợ gần Siganj Gurdwara
Xong xuôi, đầu óc sáng láng, thân thể nhẹ nhàng, cả bọn kéo nhau vào chợ thăm thú lê la rồi ăn vặt thay ăn trưa. Ăn uống sao ngồi ngay trước cái am nhỏ thờ khấn gì đó của ông chủ quầy hàng bị ổng chửi um sùm trời đất, cả lũ cười nghiêng ngả kéo nhau sang Red Fort, chuẩn bị vào viếng Pháo đài Đỏ.
Red Fort
Backpackervn