Pháo đài được xây dựng từ năm 1638 và hoàn thành năm 1648, trong kế hoạch dời kinh đô từ Agra về Delhi của quốc vương Shah Jahan, là một trong những điểm son đánh dấu đế chế quyền uy của các quốc vương Hồi giáo – Mughal.
Pháo đài có chu vi 2km và có chiều cao dao động từ 18m đến 33m. Cho đến những năm giữa thế kỷ 20, khi Ấn Độ độc lập mãi đến nay, Pháo đài Đỏ vẫn là nơi các nguyên thủ quốc gia Ấn Độ đọc những diễn văn quan trọng đến vận mệnh đất nước cũng như là nơi tổ chức trọng thể quốc khánh hàng năm.
Đường vào Pháo đài Đỏ
Nơi lá cờ độc lập của Ấn Độ tung bay lần đầu tiên năm 1947
Pháo đài rất rộng và chỉ mở cửa Tây, cửa Lahore cho du khách vào thăm viếng. Cổng Lahore, có cái xuất xứ rất hay là vì nó hướng về phía Lahore, giờ nằm tận ở Pakistan! Đây được xem là biểu tượng độc lập của Ấn Độ khi những lá cờ của quốc gia độc lập Ấn Độ lần đầu tiên đã tung bay ở đây vào năm 1947.
Buổi tham quan để tôn vinh lòng tự hào dân tộc của học sinh lớp mầm, chồi, tiểu học... ở Ấn Độ
Người lớn cũng hãnh diện viếng thăm
Muốn thăm viếng Pháo đài Đỏ, bạn phải chịu khó đi sớm, vì cho dù là khách nước ngoài, bạn được xếp hàng ưu tiên mua vé ở 1 hàng ngắn hơn (và dĩ nhiên là giá cao hơn nhiều lần) nhưng khi sắp hàng vào cửa soát vé, bạn cũng phải đứng theo hàng rất dài. Nếu đi hơn 2 người, bạn nên phân công nhiệm vụ 1 người mua vé, số còn lại xếp hàng thì sẽ rất tiện. Điều này chỉ hợp với 2 người cùng phái, vì ở đây có 2 hàng riêng biệt, 1 cho nam và 1 cho nữ.
Đền đài cung điện trong Pháo đài Đỏ
Ngay khi vào cổng, bạn sẽ gặp ngay 1 dãy dài các hàng quán bán các đồ lưu niệm, mà tôi đã đi như chạy qua đó vì tôi ít có hứng thú với các món đó và đang rất háo hức muốn tìm xem có cái gì sau cái cổng thành nguy nga đó khác hơn là những dãy hàng quán nhộn nhịp này. Tiếp đó, bạn sẽ gặp Bảo tàng chiến tranh Ấn độ, tôi cũng có vào xem các công cụ chiến đấu, đủ thứ các vật dụng liên quan đến các cuộc chiến ngày xưa nhưng vì ở đây không cho chụp hình nên không có hình để chia sẻ.
Cung Diwan-i-am (net)
Các góc khác của Diwan-i-am
Đi thẳng vào trong, bạn sẽ gặp Diwan-i-am, cung thiết triều, nơi nhà vua lắng nghe ý kiến của dân chúng về các chính sách của người cũng như các câu chuyện liên quan đến việc an dân. Cung điện này rộng mênh mông với những trang trí bằng đá màu khắc trên đá cẩm thạch rất đẹp. Nghe nói ngày xưa nó còn được cẩn vàng bạc đá quý nhưng đã bị bóc gỡ do những cuộc chiến tranh ở Ấn Độ. Cung này được trùng tu lần cuối bởi vị Tổng trấn Delhi Lord Curzon vào những năm 1898-1905. Đến đây, bạn sẽ thấy mình thật nhỏ bé và những gì một vị quốc vương đã làm được vào thế kỷ 16 thật đáng nể.
Diwan-i-khas nhìn từ xa
Giống như Diwan-i-am, cũng là cung điện dành cho quốc vương tiếp khách nhưng Diwan-i-khas là cung khu mật, dành cho những cuộc gặp gỡ riêng tư cơ mật chứ không mở rộng cho quần chúng. Cung này được xây bằng đá cẩm thạch trắng và còn được giữ gìn tương đối nguyên vẹn, tuy nhiên cái mái nghe nói ngày xưa lợp bằng bạc cũng đã không còn. Ngai vàng Chim công làm bằng vàng và ngọc cũng đã bị lấy đi. Giờ chỉ còn những đóa hoa ngời sáng trên cẩm thạch trắng trong là những di chứng của thời vàng ngọc oanh liệt xa xưa.
…và lộng lẫy khi đến gần
Những tòa cung điện này sẽ làm bạn choáng ngợp bởi vẻ sang trọng quyền quý của nó. Những phiến đá cẩm thạch đồ sộ qua bao năm tháng thời gian, tàn phá của chiến tranh, con người, của ô nhiễm, của mưa acid, của khói lưu huỳnh nồng nặc ở Delhi… vẫn lưu giữ được nét thanh tao của ngày xưa thanh tân.
Nhìn các khoảng trống do đã bị bóc gỡ của các chạm khắc trên các bức tường cẩm thạch, tôi mơ màng nghĩ đến ngày xưa nơi đó còn nguyên vẹn với những chạm trổ dát vàng bạc, đá quý... Ôi, tôi còn nhắm mắt lại tưởng tượng trong cung điện nguy nga này những nàng cung nữ yêu kiều nhẹ nhàng lướt êm trong những chiếc saree lộng lẫy, ánh mắt sâu hun hút ợp dưới hàng mi như bóng dừa... đến đó thì phải mở mắt ra thôi.
Hoa văn chạm khắc tinh xảo trên cẩm thạch sáng trắng
Lúc đến đây Red Fort, được nhìn tận mắt, được mân mê sờ mó - đúng nghĩa, được chiêm ngưỡng các kiệt tác của quốc vương Shah Jahan, tôi càng rạo rực mong cho ngày được đến Agra, để sớm được chiêm ngưỡng tuyệt tác của những tuyệt tác của vị vua tài hoa này, ngôi đền diễm lệ Taj Mahal. Chắc nó còn đẹp hơn bội bội phần!
Vào sâu hơn, bạn sẽ choáng ngợp bởi nhiều cung điện đền đài hoành tráng. Do thời gian và việc ghi chú có hạn nên tôi sẽ giới thiệu hình ảnh và 1 số hình ảnh đặc trưng.
Nhà tắm Hoàng gia nằm kế bên gồm 3 phòng, bao quanh bởi các mái vòm… và Shashi Buji, tòa nhà bát giác 3 tầng, nằm khuất phía sau
Kế bên là ngôi đền Hồi giáo Moti Masjid, xây dựng năm 1659, bởi quốc vương Aurangzeb, con trai của quốc vương Shah Jahan để sử dụng cho riêng ông. Ngôi đền này có cửa hướng thẳng đến thánh địa Mecca.
Đền Moti Masjid
Các cung điện đền đài trong Red Fort
Red Fort không chỉ là điểm tham quan của người nước ngoài mà còn là điểm picnic quen thuộc của các gia đình và các bạn trẻ Ấn Độ. Bãi cỏ xanh mát, dưới những bóng cây to, tuy hiếm hoi, và bóng của những đền đài thành quách xưa các bạn trẻ, cũng như những du khách có thể sẽ tạm xa rời được một Delhi ồn ào náo nhiệt ô nhiễm ngoài kia để tâm hồn chợt dịu lại nơi đây – không chỉ bởi những nuối tiếc về thời huy hoàng của một ngày xa xưa mà bởi những khoảnh khắc thanh bình hiếm có ở Ấn Độ. Nơi đây, bạn có thể thấy những chú sóc vui đùa cùng những cô sáo mỏ vàng… rồi thỉnh thoảng lại bị quấy rối bởi những mụ quạ đen đáng ghét.
Sóc và sáo đang “chiến đấu” với các con quạ tham lam
Các bạn trẻ Ấn Độ dễ mến, rất thích được chụp hình
Nếu có nhiều thời gian, bạn hãy lăn ra nằm trên bãi cỏ xanh mướt đó và gieo vài hạt ngũ cốc hay những mẩu vụn bánh mì, biết đâu bạn sẽ được những chú sóc dạn dĩ nồng nhiệt đón chào. Sao lại không nào?!
Backpackervn