Ấn Độ - Những ngày Đông rực nắng (P4)

Thứ 6, 28/12/2012 00:04

Tôi rời Ramabhar Stupa khi sương đã tan và những đoàn khách hành hương đã bắt đầu kéo đến.

Trên đường lang thang đi bộ về, khi đang ngó nghiêng 1 cái quán tre nho nhỏ bên đường, thì có một bác gái người Ấn đã chân tình chạy ra nắm tay tôi, dắt vào quán, kêu tôi ngồi trên chiếc sạp tre cũ kỹ, dọn dẹp cho tôi mấy món nho nhỏ ăn sáng, rót trà sữa cho tôi, chăm sóc tôi như 1 đứa trẻ bơ vơ.

Lúc đầu tôi hơi bỡ ngỡ, nhưng sự chân tình đã làm tôi mạnh dạn hơn, nhưng rất tiếc là tôi chỉ biết cười và giao tiếp bằng tay thôi. Sau đó, bác có tính cho tôi 1 số tiền, rất ít, tôi chẳng nhớ, đâu chừng 20-30Rp, nhưng sự ấm áp của buổi sáng hôm đó, bây giờ tôi vẫn nhớ.

Trên đường về lại, tôi cũng có ngang qua khu Chùa Thái, có kiến trúc rất đa dạng và đẹp dù chỉ nhìn từ xa xa bên ngoài, nhưng tôi hơi ngạc nhiên vì thấy cách quản lý ở đây khác hẳn những ngôi chùa khác trên đất Thái mà tôi đã từng viếng thăm – hầu như luôn rộng mở cửa cho khách thập phương bất cứ giờ nào. Ở đây, chùa có giờ đóng, mở cửa rạch ròi và giờ mở cửa buổi sáng là 9.00g. Giờ còn rất sớm, tôi không thể đợi đến mãi 9g, nên tôi đi tiếp và cũng không chắc là mình sẽ quay lại sau 9 giờ.

Học sinh trong vườn chùa Linh Sơn

Mô hình các Di tích Phật giáo trong chùa Linh Sơn, cái tháp màu hồng là mô phỏng Đại Bảo Tháp ở Bodhgaya, nhưng tháp gốc thì màu trắng chứ không phải hồng

Trở về Kushinagar, tôi đi viếng thăm lại một số ngôi chùa, rồi lang thang phố xá, nhưng chẳng có gì mới vì phố chỉ là con đường ngắn, đâu hơn 500m. Tôi lại quay về Linh Sơn, lang thang trong chùa chụp hình chùa và các trẻ em mà chùa đã tài trợ cho việc học hành, đang có buổi học ngoài sân ở đây. Tôi cũng không gặp được sư cô Trí Thuần, trụ trì chùa – hình như sư cô đã đi công việc Gorakhpur.

Thông tin về hoạt động của chùa Linh Sơn

Trong chánh điện của chùa Linh Sơn

Tôi vào chánh điện vắng vẻ, thành tâm khấn vái rồi nhẹ nhàng rời chùa, ra đường đón xe về lại Gorakhpur.

Nắng sớm đã lên ngập tràn con đường cây xanh của Kushinagar. Tôi chia tay vùng đất Phật thiêng liêng và mang theo mãi cảm giác yên bình thanh thoát của 1 buổi sáng Kushinagar chợt trở lại thoát tục, tinh khôi, như ngày xưa, trong sương hồng ban mai, bồng bềnh...

Như vậy, tôi vừa đặt chân xuống miền đất huyền thoại Varanasi khi ngày mới vừa sang được 10p, lúc 12.10pm.

Rời Kushinagar trong 1 sáng nắng vừa lên ngập tràn phố phường, tôi về lại Gorakhpur ồn ào náo nhiệt người đông mà bò cũng đông. Đến nơi, tôi vào ga, nhờ cô người Ấn mua giúp vé chuyến tàu gần nhất, lúc 2.30pm, cho dù cô ấy nói là “mày không nên đi tàu đấy vì nó hơi phức tạp”. Nhưng vì đó là chuyến tàu gần nhất, hơn nữa là nếu đi chuyến tàu này tôi sẽ đến Varanasi vào khoảng 8-9 giờ tối nên sẽ thuận tiện cho việc tìm nhà nghỉ ở khu bờ sông… nên tôi vẫn nhất định sẽ đi chuyến tàu này.

Có điều tôi hơi ngạc nhiên khi giá vé chỉ có 33Rp # 11.000VND cho đoạn đường 6 giờ đồng hồ (có cộng thêm 20Rp phục vụ phí, ghi rõ ràng trên vé), trong khi đó giá thấp nhất theo LP là khoảng 70Rp. Mọi chuyện cũng bắt đầu từ đó.

Gần tới giờ khởi hành, tôi đến chào cô người Ấn, lấy cái balo đã gửi và lên đường. Trước khi đi, tôi quay lại hỏi cô là vé này sao không ghi toa nào và sao không có số ghế. Dì cười và bảo, “mày muốn ngồi bất cứ chỗ nào thì ngồi”. Tôi cũng hơi ngạc nhiên nhưng cứ nghĩ đây là cách của tàu Ấn Độ, vì đây là chuyến đi đầu tiên của tôi bằng xe lửa trên đất Ấn mà.

Thế là cười thật tươi, cám ơn cô lần nữa, tôi thẳng tiến, hòa cùng đoàn người đang rầm rập trên ga, tiến về phía con tàu của mình, đang nằm chen chúc với mấy con tàu khác trên cái sân ga có đến mười mấy cái đường ray này.

Hỡi ôi, sau khi chìa cái vé ra và hỏi đúng có phải đây là con tàu đi Varanasi không, với 3 người, cho nó chắc. Tôi bắt đầu leo lên tàu, dù còn hơn 30p nữa mới tới giờ tàu chạy. “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng ơi!”, các toa tàu chất cứng người ngồi nằm la liệt. Thôi chết rồi, tôi đi phải tàu chợ rồi.

Tôi vác balo đi hết toa này đến toa khác, nơi đâu cũng chen kín người. Tôi cũng đã bắt đầu tính đến chuyện trải báo xuống sàn ngồi thì đến toa gần cuối, gặp 1 băng ghế còn thưa, bèn hỏi. Té ra là ghế kín rồi, nhưng mấy ku con trai trong nhà đang đi lòng vòng đâu đó, còn lại các cô đang giữ chỗ cho con cái. Mệt quá tôi đứng thở một tý rồi tính đi tiếp thì mấy anh trai trong nhà kêu tôi lại và bảo tôi ngồi xuống. Mừng quá trời đất luôn, cám ơn rối rít xong, tôi ngồi ngay xuống, sợ họ đổi ý!?

Tàu khởi hành, đúng giờ khi trên vé làm tôi mừng thầm. Nó đi đúng giờ như vậy, chắc tới nơi cũng đúng giờ thôi. Thế là yên tâm vụ nhà trọ nghỉ ngơi ở Varanasi rồi, bắt đầu lôi sách ra đọc. Toa tàu bây giờ đã chật kín người ngồi nằm, cả đứng bên cửa toa xe nữa…

Vấn nạn kế tiếp của tôi là vấn đề đi “xì trum”. Bạn nào đi tàu Ấn Độ rồi thì biết toilet của nó như thế nào, chưa kể đây là toilet của tàu chợ. Nhưng vấn đề của tôi không phải ở đó, mà là cái balo của tôi ai sẽ trông khi tôi đi vào nơi ấy. Không lý mỗi lần đi lại vác cái balo đi, rồi nếu vác cái balo đi người ta tưởng mình đi luôn, xí chỗ của mình thì sao…? Thế đành tiến hành 2 việc, nhịn là việc đầu tiên, việc thứ 2 là lúc nào nhịn hết nổi phải tranh thủ lúc nào tàu đang chạy nhanh vội vã chen lấn chạy tọt đến toilet rồi nhanh chóng quay về. Vì hy vọng tàu đang chạy nhanh thì sẽ không ai ôm cái balo mình nhảy tàu được… Thật khổ cho những người đi bụi một mình là vậy đó.

Tiếp đến là tàu chạy chậm rì rì, dừng lại ôi thôi là nhiều chỗ, mà nào tôi có dám rời khỏi chỗ ngồi đâu. Cứ ngồi chết gí một chỗ nhìn thiên hạ đi lên đi xuống mà thèm. Nhưng việc đó không quan trọng bằng việc đã hơn 8pm rồi 9pm… mà Varanasi đâu vẫn chưa thấy. Hỏi thăm thì biết là còn xa lắm. Tôi cứ thấp thỏm bồn chồn, đến ga nào tôi cũng hỏi có phải là Varanasi hay không, cho mãi đến gần 12 giờ đêm, khi con tàu bắt đầu tiến vào nơi đèn đuốc bắt đầu xanh xanh đỏ đỏ thì mới yên tâm chút chút, Varanasi đây rồi!

Ở băng ghế kế bên có 1 anh là bác sĩ, rất tử tế hỏi han tôi đi đâu, về đâu. Khi biết rằng tôi sẽ đến khu nhà nghỉ ở gần bờ sông anh ta rất lo ngại và cho tôi số điện thoại, nói là “mày có rắc rối gì hay không kiếm được chỗ ở thì gọi lại cho tao”. Mà ai chẳng biết là khu gần bờ sông đó nổi tiếng phức tạp trên toàn cõi Ấn Độ….

Cám ơn anh trai Ấn, sửa sang lại hành lý, tôi nhảy xuống tàu theo dòng người ùa ra cổng, đi qua cái sảnh của nhà ga, nơi dân tình Ấn Độ đang nằm la liệt mà tôi bùi ngùi thương cảm.

Ra khỏi ga lúc đã gần 12.30 giờ đêm, tôi rẽ trái đi ra xa xa ga để kiếm một chiếc xe lôi đạp. Mấy anh ku Ấn Độ đón khách ở gần ga chặt chém ghê quá nên tôi đi xa hơn nữa, gặp 1 bác già già, có vẻ tử tế hơn. Cũng may là từ chiều tôi đã gọi điện thoại đặt chỗ ở 1 nhà nghỉ ở đây (Yogi Lodge) nên giờ móc điện thoại, gọi anh chủ nhà nghỉ, rồi đưa điện thoại cho bác xe lôi xí lô xí là. Xong, leo lên xe ngồi thẳng tiến về khu bờ sông.

Bạn nghĩ sao khi ngồi trên xe lôi lóc cóc chạy giữa đêm lành lạnh, vắng tanh vắng ngắt, đường phố đèn đuốc chập chờn ở 1 thành phố xa lạ vốn nức danh vì sự phức tạp. Thú thật là ban đầu tôi cũng hơi rờn rợn khi thấy chẳng có ai trên đường phố. Mà tôi cũng không nghĩ Varanasi nó vừa hoang vắng vừa cũ kỹ xập xệ như vậy, vì cứ tưởng ít ra nó cũng cỡ Calcutta ngày xưa tôi đến chứ.

Đến khu bờ sông, mọi việc đỡ hơn vì đèn đuốc sáng choang nhưng lại bị chèo kéo bu níu trên mức nhiệt tình của các cò nhà nghỉ, cho dù bác tài xe lôi đã nói rõ với họ là tôi đã có nơi nghỉ. Thấy đám cò bu đông đông, cũng hơi hãi, tôi nhờ bác tài cùng tôi đứng chờ đến lúc anh chủ nhà trọ ra đón. Mãi lúc sau anh ấy mới ra và tôi lại lóc cóc vác balo đi theo anh ấy vào con hẻm nhỏ, vòng vèo quanh co (mà sáng hôm sau tôi đã lạc khi đi ra phố) để đến nhà nghỉ Yogi Lodge.

Leo lên cái phòng dormitory 6 giường nhưng chỉ có 1 mình tôi, tôi vật ra, lăn đùng xuống giường và chìm sâu vào giấc ngủ nhiều mộng mị của ngày đầu tôi đến bên “sông Hằng mẹ tôi”!

Backpackervn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.