Theo báo The Times of India, phiên bản tàu ngầm của tên lửa BrahMos đã được phóng đi từ một thuyền phao dưới nước ngoài khơi thành phố cảng miền nam Visakhapatnam.
“Đây là lần đầu tiên trên thế giới một tên lửa hành trình siêu thanh dưới nước được thử nghiệm và quả tên lửa đã bay trọn tầm bắn 290km” - giám đốc chương trình tên lửa BrahMos A. Sivathanu Pillai tuyên bố.
Như vậy, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên trên thế giới có năng lực phóng tên lửa hành trình siêu thanh từ dưới nước. Trước đó quân đội nước này đã phóng thành công tên lửa BrahMos từ tàu chiến và từ mặt đất.
Tên lửa siêu thanh BrahMos loại phóng từ mặt đất - Ảnh: India Times
Nguồn tin báo India Express tiết lộ hiện quân đội Ấn Độ còn đang phát triển loại tên lửa BrahMos có tốc độ Mach 7 (gấp 7 lần tốc độ âm thanh). Dự kiến nước này sẽ thử nghiệm loại tên lửa siêu tốc trên vào năm 2017.
Theo ông Pillai, với tên lửa BrahMos, Ấn Độ sẽ có một hệ thống vũ khí tàu ngầm thuộc vào loại hùng mạnh nhất thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony cũng nhấn mạnh đây là bước đi lớn để thúc đẩy sức mạnh quân sự của Ấn Độ.
Tuy nhiên báo India Times dẫn lời các chuyên gia quân sự Ấn Độ than thở hiện quân đội nước này không có tàu ngầm nào phù hợp để bắn tên lửa BrahMos. Hiện hải quân Ấn Độ đang sở hữu 10 tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất và 4 tàu ngầm HDW của Đức. Nhưng vấn đề là tên lửa BrahMos hiện đại không phù hợp với các loại tàu ngầm này. Thậm chí 6 tàu ngầm Scorpene do Pháp đang sản xuất cho Ấn Độ cũng không thể bắn loại tên lửa này. Do đó, quân đội Ấn Độ sẽ phải chờ tới tận năm 2023 để sở hữu tàu ngầm có khả năng bắn tên lửa BrahMos.
“Có đạn để làm gì khi chúng ta chưa có súng để bắn loại đạn đó” - India Times dẫn lời một quan chức quốc phòng Ấn Độ than thở.
Theo Nguyệt Phương/Tuổi trẻ