Tết Đoan Ngọ ngày 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày Tết truyền thống tại một số nước Đông Á như Việt Nam, Đài Loan, Triều Tiên và Trung Quốc. Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá.
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ hay được gọi là Tết giết sâu bọ (Tết sâu bọ). Đây là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng.
Vào ngày lễ này, người Việt Nam thường sử dụng các loại thực phẩm đặc trưng nhằm tượng trưng cho việc “giết sâu bọ”. Sau đây là một số món ăn quen thuộc trong ngày “Tết Sâu bọ”.
Bánh tro
Bánh tro là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam và một số nơi của miền Bắc. Bánh tro có nhiều tên và hình dáng khác nhau như bánh ú, bánh gio, bánh âm và có vài biến thể khác nhau theo địa phương.
Bánh tro của người miền Bắc thường không có nhân và được chấm với đường hoặc mật ong, mật mía. Còn bánh ú tro của người miền Nam Trung Bộ trở vào thì có nhân ngọt (thường là đậu đỗ trộn đường nặn tròn hoặc nhân mặn có thêm thịt heo phía trong).
Cơm rượu nếp
Tương tự như bánh tro, cơm rượu nếp cũng là một món ăn phổ biến trong ngày Tết giết sâu bọ.Người ta tin rằng, ăn rượu nếp (nhất là lúc bụng còn đang đói) sẽ làm cho các loại “sâu bọ” trong người “say” mà chết đi.
Cùng món ăn nhưng mỗi miền chế biến theo một kiểu. Miền Bắc thường làm cơm rời, người miền Trung ép thành cơm rượu từng khối còn cơm rượu miền Nam được vo thành viên tròn.
Do món ăn có vị ngọt thơm nên rất dễ ăn, cả trẻ em cũng ăn được. Tuy nhiên nếu ăn nhiều sẽ dễ bị say.
Chè trôi nước
Người miền Bắc ăn bánh trôi vào ngày 3/3 Âm lịch nhưng người miền Nam lại ăn món chè trôi nước có cách làm tương tự vào ngày 5/5. Bánh trôi được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh ăn kèm với nước cốt dừa.
Nhiều người cho rằng chè trôi nước phải ăn vào dịp 5/5 là bởi món này được làm từ gạo nếp – nguyên liệu được nhân dân ta quan niệm có khả năng “diệt sâu bọ” rất tốt.
Thịt vịt
Dù nhiều người kiêng ăn thịt vịt vào đầu tháng vì sợ xui nhưng đây được coi là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết sâu bọ. Theo quan niệm, vào ngày Tết Đoan Ngọ, dương khí mạnh nên ăn thịt vịt có tính hàn, giải nóng, làm mát cơ thể.
Từ tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa. Những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa. Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.
Hoa quả theo mùa
Theo quan niệm của ông bà xưa, sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp “chuốc say”, chúng ta tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua sẽ khiến chúng chết nhanh hơn
Hoa quả được chọn để cúng và ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ chủ yếu là mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, đặc biệt là mận và vải. Nếu thiếu đi những thứ hoa quả này thì Tết Đoan Ngọ sẽ mất đi nhiều ý nghĩa.
Chè hạt sen
Chè hạt sen nấu cùng bột sắn dây và chè đỗ đen có tác dụng giải nhiệt. Tiết trời đầu tháng 5 nắng nóng, dễ sinh các bệnh nhiệt trong người, chè hạt sen, chè đỗ đen được nhiều gia đình lựa chọn làm món tráng miệng.
Bá Di (Tổng hợp)