Ngày 13/5, thông tin từ Tổng Cục QLTT cho biết, Cục QLTT tỉnh An Giang đã phát hiện và tạm giữ ô tô tải cùng lô hàng hóa vi phạm trị giá gần 1,5 tỷ đồng.
Cụ thể, chiều ngày 10/5 tại lề đường Quốc lộ 91, khóm Phú Hiệp, phường An Phú (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang), Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh An Giang phối hợp với Tổ liên ngành 389 Tỉnh và Đội QLTT số 2 tổ chức khám phương tiện ô tô tải có mui, biển số 50H-209.76 chạy từ thành phố Hồ Chí Minh đến thị xã Tịnh Biên.
Phương tiện trên do ông Nguyễn Văn D. (sinh năm 1974, ngụ tại ấp Cần Thạnh, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) điều khiển.
Kết quả khám phương tiện, Đoàn kiểm tra phát hiện 5 mặt hàng có dấu hiệu hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas, gồm: 849 chai thuốc, thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất do Australia, Anh quốc, Ấn Độ sản xuất; 1.064 cái quần Kaki xuất xứ Thái Lan.
Tất cả không hóa đơn chứng từ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trị giá 394,804 triệu đồng; 325 viên/hộp thuốc Tylenol Acetaminophen Extra Strength, loại 500mg,xuất xứ: India.
Ngoài ra, còn có 31.821 (88 kiện) sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá 483,840 triệu đồng; 98 đôi dép nghi vấn giả nhãn hiệu Adidas, trị giá: 4,410 triệu đồng; 20.729 phụ kiện quạt điện không nhãn hàng hóa, không rõ xuất xứ, có 02 hóa đơn kèm theo, nhưng trên hóa không đủ về mặt hàng và số lượng so với thực tế đang tạm giữ, trị giá hàng hóa: 59,684 triệu đồng. 6,6 tấn cà phê hạt, có 02 hóa đơn kèm theo nhưng số lượng hàng hóa trên hóa đơn chỉ có 6 tấn, nghi vấn hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá: 514,8 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra tạm giữ toàn bộ tang vật có giá trị 1,457 tỷ đồng và phương tiện ô tô tải có mui, biển số: 50H-209.76 để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định.
Cà phê không hóa đơn, chứng từ
Trước đó, chiều ngày 4/4, tại khu vực Quốc lộ 91C thuộc xã Phước Hưng (huyện An Phú, tỉnh An Giang), Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh An Giang phối hợp Tổ Liên ngành 389 tỉnh An Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khám phương tiện vận tải biển kiểm soát 51C-230.46, người điều khiển phương tiện là ông ông Phạm Th.Đ. (địa chỉ thường trú Số 5376 tổ 01, khóm Hà Bao 1, thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang).
Qua khám phương tiện, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng hóa mang tên Cà phê xuất xứ Việt Nam Phạm Phong Phú, có thành phần gồm: Robusta, Arabica, Moka, Bơ, hương liệu tổng hợp; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu: Độ ẩm ≤5%, Hàm lượng caffeine≥1%, chất tan trong nước ≥25%; khối lượng tịnh 500g/gói; NSX: 03/4/2024; HSD: 03/10/2024; được sản xuất tại cơ sở Phong Phú (địa chỉ Số 5376 tổ 01, ấp Hà Bao 1, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang), số lượng 1.900 gói.
Tại thời điểm khám phương tiện, ông Phạm Th.Đ. chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ kèm theo hàng hóa.
Hàng hóa nêu trên có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và có dấu hiệu không đạt chất lượng.
Đoàn kiểm tra thống nhất lấy mẫu thử nghiệm chất lượng, đồng thời tiến hành tạm giữ, niêm phong tất cả hàng hóa nêu trên để làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 cho thấy không phát hiện hàm lượng cafein trong mẫu cà phê bột Phạm Phong Phú; trị giá tang vật theo Hội đồng định giá là 81,7 triệu đồng.
Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra tiếp tục kiểm tra hộ kinh doanh Phong Phú do ông Phạm Th.Đ., làm chủ (tại địa chỉ số 5376 tổ 01, ấp Hà Bao 1, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang). Ngành nghề kinh doanh sản xuất, chế biến cà phê; mua bán cà phê.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 103 gói cà phê bột Phạm Phong Phú, loại 500g. Thành phần: Arabica, Robusta, bơ, muối; chỉ tiêu chất lượng: Độ ẩm <5%, Hàm lượng caffeine >1%, Aflatoxin <10ppb, TS.Btnm-m 102kl/g, trị giá hàng hóa theo giá niêm yết là 4,559 triệu đồng.
Hộ kinh doanh chưa xuất trình được hồ sơ công bố sản phẩm. Hàng hóa nêu trên có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Đoàn kiểm tra tạm giữ tang vật để làm rõ, xử lý theo quy định.
Kết quả thẩm tra, xác minh 02 vụ việc nêu trên, lực lượng chức năng xác định hộ kinh doanh Phong Phú sản xuất, buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng đối với 1.900 gói cà phê Phạm Phong Phú.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm theo Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, ngày 07/5/2024, Đội QLTT số 1 chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện An Phú để xem xét, tiếp tục điều tra làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật.