Sống chung với "tử thần"
Có lẽ, trong các vụ hỏa hoạn mà nguyên nhân xuất phát từ biển quảng cáo, tang thương nhất vẫn là cháy tại hiệu vàng Đức Anh (tổ 10, khu 3, phường Hồng Gai, TP.Hạ Long, Quảng Ninh). Được biết, hiệu vàng này là của vợ chồng anh Nguyễn Tiến Đức (SN 1979) và chị Mai Thị Anh (SN 1978). Vụ việc bất ngờ xảy ra vào 2h45' khiến gia đình nạn nhân không kịp trở tay. 5 người tử vong và 4 người khác bị thương nặng là những thiệt hại mà vụ cháy gây ra đối với tiệm vàng này. Ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, công an đã có mặt kịp thời và khám nghiệm hiện trường. Bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định nguyên nhân vụ cháy là do chập điện biển hiệu quảng cáo treo kín mặt tiền ngôi nhà dạng ống, cao 5 tầng. Sau khi sự việc xảy ra, nhiều người dân Hà Nội phát hoảng vì bấy lâu nay họ đang sống chung với "tử thần".
Cách đây không lâu, vụ hỏa hoạn xảy ra tại quán karaoke Lengend (xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) cũng khiến nhiều người dân hoảng hồn. Được biết, 10 người đã may mắn thoát chết trong đám cháy này. Vụ hỏa hoạn bắt đầu từ tấm biển quảng cáo của tòa nhà, lan vào tầng 5 và cháy lên đến tầng 7. Ngọn lửa còn cháy lan sang hai nhà hàng xóm. Tại thời điểm xảy ra hỏa hoạn, trong quán karaoke này có khoảng 10 người và tất cả đều chạy lên tầng thượng của tòa nhà để tránh lửa. Sau đó, số người này chạy sang một tòa nhà đang xây ở phía sau để thoát hiểm.
Không ít người giật mình vì nguyên nhân vụ cháy khiến 5 người chết là do biển quảng cáo.
Mới đây, một vụ hỏa hoạn cũng đã xảy ra vào khoảng 14h30' chiều 8/5, tại tầng 25 tòa nhà Maritime Bank Tower, đường Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM. Thời điểm trên, biển hiệu quảng cáo ở nóc tầng 25 bỗng chập điện bốc cháy. Một số nhân viên đang làm việc tại tầng cao nhất tòa nhà phát hiện khói nghi ngút, liền hô hoán nhau bỏ chạy xuống tầng trệt an toàn. Nguyên nhân vụ cháy ban đầu được xác định là do chập điện bên trong biển quảng cáo và cháy lan ra bên ngoài.
Những sự việc đáng tiếc liên tiếp xảy ra khiến nhiều người cảm thấy bất an khi sống cạnh những nhà hàng, treo biển quảng cáo "khổng lồ". Thời gian gần đây, đường dây nóng của báo ĐS&PL liên tiếp nhận được ý kiến của các độc giả tại Hà Nội phản ánh về sự nguy hiểm xuất phát từ những biển quảng cáo. Thậm chí, có ngôi nhà 3 tầng bị bịt kín bởi những tấm biển quảng cáo lớn che hết mặt tiền. Nếu xảy ra hỏa hoạn, không biết những người trong nhà sẽ đối mặt với "bà hỏa" và thoát thân như thế nào?
Càng ấn tượng càng dễ… bốc hỏa!
Tự "cầm tù" mình Theo kỹ sư Bùi Văn Thỉnh, hiện nay, ở Hà Nội, có nhiều cửa hàng nhỏ nhưng treo biển quảng cáo "khổng lồ", bịt kín không gian cả tòa nhà. Bên cạnh đó, ở đằng sau, người dân thường thiết kế lồng cọp chống trộm. Chính vì thế, khi hỏa hoạn xảy ra, họ chỉ có một con đường thoát hiểm duy nhất đó chính là cửa chính tầng một. Nếu tầng một cũng bị lửa vây kín chắc chắn họ sẽ khó thoát thân. Vì kinh doanh, nhiều người đang tự nhốt và "cầm tù" mình trong những ngôi nhà. |
Tại các thành phố, thị trấn, thị xã, theo quan sát của PV báo ĐS&PL, hiện nay, dọc hai bên đường phố xuất hiện vô số biển quảng cáo. Tại một cửa hàng kinh doanh gas B.N trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), chúng tôi cảm thấy choáng khi những bình gas được đặt chồng lên nhau cao ngút khuất tầm nhìn. Thậm chí, để trưng bày hết cả trăm bình gas, họ còn để gas cạnh chiếc biển quảng cáo sáng đèn.
Khi được hỏi, một nhân viên của cửa hàng gas này thản nhiên trả lời: "Tôi cũng có nghe đến vụ cháy ở dưới Quảng Ninh khiến 5 người thiệt mạng do biển quảng cáo. Tuy nhiên, đã hơn 3 năm kinh doanh ở đây, chưa bao giờ chúng tôi gặp sự cố cháy nổ nào do biển quảng cáo. Mặc dù biển đặt ngoài trời, nhưng mấy người thợ nói dùng dây điện tốt nên không sợ hở mạch. Ở ngoài kia, người ta đặt biển quảng cáo điện tử lên cả đống dây điện của người dân mà có vấn đề gì đâu.
Trao đổi với PV về vấn đề này, kỹ sư Bùi Văn Thỉnh (công ty cơ khí Thành Nam) cho rằng: "Hiện nay, biển quảng cáo được phân chia thành 3 loại chính. Thứ nhất là loại biển in trên bạt có đèn hắt lắp rời. Thứ hai, biển công nghệ lật 3 mặt, biển cuốn và biển điện tử. Xét về độ bền và an toàn thì biển in trên bạt, biển cuốn khá an toàn, nhưng tính về mức độ thẩm mỹ thì thua xa biển điện tử. Tôi đã từng đi thiết kế, lắp đặt biển hiệu cho rất nhiều cửa hàng nên biết, họ thường chọn biển điện tử đặt đèn led và neon bên trong. Đây là xu thế chung của các cửa hàng lớn".
Theo kỹ sư Bùi Văn Thỉnh, ẩn họa cháy nổ từ những tấm biển quảng cáo ở Hà Nội là rất lớn. Hiện nay, rất nhiều chủ cửa hàng giao toàn bộ việc thiết kế, mua bán thiết bị sản xuất biển quảng cáo cho thợ. Để ăn bớt tiền, họ thường mua loại dây nối chế tạo biển dởm, có độ bền thấp, xuất xứ từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều người chuyên thiết kế biển quảng cáo vì muốn lãi cao nên họ mua đèn, thiết bị bảo vệ đèn chất lượng thấp. Chính vì thế, khi gặp nhiệt phát ra từ chiếc đèn neon, chất liệu nhựa kia không chịu được nên phát cháy. Hơn nữa, do mải bận công việc, nhiều gia đình không chú ý nhiều đến biển hiệu. Nếu muốn an toàn, 3 tháng họ phải kiểm tra thiết bị điện trong biển quảng cáo một lần.
Lời khuyên cho người sử dụng PGS.TS Nguyễn Đức Lợi (viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh, ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng cho rằng, biển quảng cáo rất dễ cháy bởi nó được làm bằng nhựa, mecal. Nhiều người vì muốn thu hút được khách hàng nên treo biển kín mít cả tòa nhà. Bên cạnh đó, rất nhiều thợ, khi lắp biển quảng cáo không quấn phần dây đấu nối cẩn thận thì sẽ biến những tấm biển thành "trung tâm cháy nổ". Bên cạnh đó, biển quảng cáo được thiết kế ở ngoài trời nên ảnh hưởng bởi thời tiết, dây dẫn, phần bảo vệ đèn bị hỏng dẫn đến chập điện, hỏa hoạn. Hơn nữa, do đèn neon không được bọc cẩn thận, chiếu sáng thời gian dài sẽ sinh ra lượng nhiệt đốt cháy bảng chữ nổi. "Chính vì thế, để tránh nguy cơ cháy nổ, người dân nên chọn mua những thiết bị, đèn chất lượng và định kỳ đem biển quảng cáo đi kiểm tra. Bên cạnh đó, việc treo biển quảng cáo cũng cần có sự cẩn trọng, không nên treo kín cả tòa nhà. Họ phải để một cửa thoát hiểm, phòng xảy ra sự cố", PGS.TS Nguyễn Đức Lợi khuyến cáo. |
Vương Chân