Ẩn họa thú nhún ở các tụ điểm vui chơi tự phát

Thứ 6, 28/12/2012 00:00

Những chiếc dây điện đấu nối nhì nhằng, ổ điện tạm bợ Đây là hình ảnh thường thấy ở các tụ điểm vui chơi tự phát ở các thành phố lớn. Dư luận tại TP.HCM vẫn chưa quên câu chuyện đau lòng xảy ra năm 2006.

Chiều 7/4, cháu Ngô Hữu Thành (10 tuổi) trong lúc đang chơi thú nhún ngay trước cổng trường Đặng Thị Rành, quận Thủ Đức đã bị điện giật chết.

Dây điện được đấu nối tạm bợ trên các con thú nhún

Rẻ, nhanh, tiện

Hiện nay ở Hà Nội, công viên nước Hồ Tây và Thiên đường Bảo Sơn là các khu vui chơi mà nhiều cô bé, cậu bé đều muốn được cha mẹ cho đến chơi. Nhưng với giá vé gần 100 nghìn đồng/người thì không phải bậc cha mẹ nào cũng có điều kiện để đáp ứng. Trong khi đó, nhu cầu vui chơi của trẻ là hàng ngày. Chính vì thế các tụ điểm vui chơi tự phát tại các khu dân cư đang là lựa chọn với nhiều phụ huynh.

Chị Trần Thị Nhung, Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Buổi tối vợ chồng tôi hay cho con trai 5 tuổi vào chơi trong công viên Linh Đàm (Hoàng Mai) hoặc vào điểm chơi ngay cạnh đường Khương Đình. Trò chơi ở đây chỉ có thú nhún, đu quay. Mất 2.000 đồng sẽ mua được một xèng chơi trong khoảng 5 phút. Mỗi lần vào khu vui chơi này tôi chỉ cần bỏ ra 10.000 đồng cho con chơi, vừa nhanh, tiện lại không phải đi xa".

Dạo một vòng quanh Hà Nội, chúng tôi thấy khá nhiều điểm vui chơi cho trẻ với một vài con thú nhún, đèn nhấp nháy xanh đỏ khá bắt mắt. Những tụ điểm vui chơi này bắt đầu nhộn nhịp từ 5h chiều. Những con thú nhún, siêu nhân hiện rất được các cháu ưa thích thường làm bằng sắt, với các trục quay như một cỗ máy gắn với chiếc môtơ điện tạo ra sự nhún nhảy nâng lên hạ xuống hay chồm tới chồm lui. Tuy nhiên do ổ điện được đấu nối thô sơ nên chỉ cần một chút sơ ý là các thiết bị điện này có thể gây tai nạn cho bất cứ đứa trẻ nào.

Nguy hiểm rình rập

Hà Nội hiện đang gặp khó khăn trong việc tạo khu vui chơi cho trẻ em. Thống kê của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em (DS-GĐ và TE) Hà Nội cho thấy, hiện toàn thành phố có 2.184 điểm vui chơi cho trẻ em trong đó chỉ có 787 điểm vui chơi có trang thiết bị.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: "ở các khu vui chơi lớn như Đầm Sen, Hồ Tây đều có sự kiểm tra giám sát thường xuyên. Còn với các khu vui chơi tư nhân nhỏ lẻ thực ra chưa có sự giám sát về vấn đề an toàn trong các trò chơi, đồ chơi cho trẻ".

Anh Hoàng Mạnh Dũng, kỹ sư điện cho biết: "Các thiết bị sử dụng điện đều phải đảm bảo nguyên tắc an toàn. Với các con thú nhún chủ yếu làm bằng sắt, nhựa với các trục quay như một cỗ máy gắn với môtơ điện. Vì con vật này đều được lắp đèn trang trí nên có thể nói khắp mình các con thú này đều có những điểm sử dụng điện. Nếu dây điện hở thì khả năng người ngồi trên con vật này bị điện giật là điều chắc chắn".

Đỗ Thơm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.