Ngày mùng 6 Tết vừa qua, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với UBND TP. Hạ Long đã tổ chức lễ khai bút, khai ấn đầu xuân Đinh Dậu 2017. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, chữ Hán khắc trên chiếc ấn đã bị viết sai (cả chữ lẫn nghĩa).
Cụ thể, mặt chính của chiếc ấn được khắc 6 chữ Hán là: Hồng Đức hiệu, Tao Đàn hội. Hai bên thành ấn khắc hai hàng chữ. Một bên khắc là: Hồng Đức hiệu, Tao Đàn hội. Một bên khắc là: Truyền đăng sơn từ thu quý nguyệt Nhâm Ngọ niên.
Điều đáng nói là khi chiếc ấn được đóng vào giấy và trao tay người dân, nhiều người biết chữ Hán nghi ngờ phần chữ được khắc trên mặt ấn sai cả về chữ và nghĩa.
Lý giải những thắc mắc này, TS. Nguyễn Tuấn Cường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm phân tích: “Chữ Hồng Đức hiệu thì chữ Hồng bị viết sai. Đáng lẽ phải viết chữ Hồng (với nghĩa là: Lớn) thì người ta lại viết thành chữ Hồng (với nghĩ là: Màu đỏ). Chữ Tao Đàn hội cũng viết sai chữ Tao. Đáng lẽ phải viết chữ Tao (có nghĩa là: Phong nhã) thì người ta lại viết thành chữ Tao (có nghĩa là: Gặp gỡ). Đây đều là lỗi sai đồng âm Hán Việt, thường do tra tự điển để viết chữ”.
Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2009, Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ khai bút đầu xuân lần đầu tiên. Từ đó đến nay, hoạt động này tiếp tục được duy trì. Năm 2014, lần đầu tiên Quảng Ninh tổ chức lễ khai ấn Hội Tao Đàn lồng ghép lễ khai bút và sự kiện diễn ra vào ngày 6 tháng Giêng.
Việc này dựa trên 2 sự kiện văn hóa có thật là: vua Lê Thánh Tông từng khắc bài thơ trên núi Truyền Đăng (hay còn gọi là núi Bài Thơ) mang tên Đề núi Truyền Đăng. Đồng thời, vua Lê Thánh Tông từng là người đứng đầu hội Tao Đàn mang tên Tao Đàn nhị thập bát tú.
Ban đầu, ấn được chế tác hình vuông, bằng gỗ, bên trên có con nghê để làm núm, bên dưới đáy có khắc 6 chữ Hán theo lối chữ triện là: Hồng Đức hiệu, Tao đàn hội. Năm 2015, chiếc ấn gỗ được thay thế bằng chiếc ấn mới, được Hội VHNT Quảng Ninh đặt hàng từ một doanh nghiệp chế tác đồng (là chiếc ấn chúng tôi đề cập ở trên - PV).
Nếu quả thực chữ khắc trên chiếc ấn bị sai thì sự nhầm lẫn này đã diễn ra được 3 năm.
Nhằm làm rõ thêm thông tin tới bạn đọc, PV đã liên lạc qua điện thoại với ông Phạm Ngọc Thành, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh - đơn vị tổ chức lễ hội này. Ông Thành vẫn một mực khẳng định các chữ trên ấn là đúng và từ chối cung cấp thông tin, đồng thời thản nhiên nói: “Nếu có sai thì chỉnh chứ... không vấn đề gì”.
Bên cạnh đó, trong buổi lễ phất ấn năm 2017, ông Phạm Ngọc Thành đã tạo ra một hình ảnh không đẹp khi đeo kính đen ban phát ấn cho người dân.
PV báo Người đưa tin sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.
Xem thêm: >>> Biển người chen chân 'nghẹt thở' mùa lễ hội: Chạy trời sao khỏi nắng
Xem thêm: >>> PGS. TS hiến kế bán khăn cho những cô gái 'kém duyên' mùa lễ hội
Phạm Thiệu