Anh T.M.H 33 tuổi tại TP.HCM khi có dấu hiệu đau bụng, sốt đã điều trị tại một bệnh viện gần nhà với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột. Sau khi xuất viện, bệnh nhân vẫn có những cơn đau bụng âm ỉ, ăn uống kém.
Đến ngày 19/10, anh H. nhập Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Tp.HCM) trong tình trạng sốt trên 38 độ C, mạch 100 lần/phút, huyết áp 110/70 mmHg, bụng vùng thượng vị đau âm ỉ kéo dài. Bác sĩ bất ngờ khi phát hiện người bệnh có ổ áp xe kích thước 8x5cm vùng đầu tụy, nghi ngờ dị vật là xương cá.
Khai thác tiền sử ghi nhận anh H. bắt đầu có các triệu chứng này sau khi ăn cá nhưng không có biểu hiện hóc xương. Bác sĩ chỉ định siêu âm bụng và chụp CT có cản quang, phát hiện dị vật nên chuyển vào Khoa Ngoại Tiêu hóa điều trị.
Tại đây, các bác sĩ hội chẩn và quyết định phẫu thuật nội soi xử trí thương tổn vùng áp xe tụy, gắp dị vật ra tránh áp xe lan rộng sẽ diễn tiến nhiễm trùng nặng hơn.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện đầu xương cá nhô ra khi vào ổ bụng vùng bờ dưới gan trái. Ngoài ra, bờ trên tụy có khối áp xe kích thước 8x5cm. Bệnh nhân được lấy dị vật, dùng ống dẫn lưu lấy ra được 20ml dịch mủ nâu đặc có lẫn mô hoại tử.
Các bác sĩ nỗ lực hơn 1 giờ phẫu thuật, đã gắp được đoạn xương cá dài 3cm ra khỏi cơ thể anh H. và khối áp xe cơ bản được giải quyết. Hậu phẫu ngày thứ 5, người bệnh tiếp tục được dẫn lưu thêm 150ml dịch từ áp xe.
Hiện sức khỏe anh H. ổn định, không sốt, không đau bụng, tự ăn uống được và tiếp tục được theo dõi, điều trị tại đơn vị Gan Mật Tụy.
Trao đổi với báo Dân Trí Bác sĩ chuyên khoa 2 Chung Hoàng Phương, khoa Ngoại Tiêu hóa cho biết, thông thường các dị vật đường tiêu hóa như xương cá, tăm xỉa răng... sẽ gây rách, thủng, viêm ở vùng ổ bụng, ít khi đi sâu được vào bên trong tuyến tụy.
Áp xe tụy do nuốt xương cá hoặc vật lạ khác là tình trạng hiếm gặp, nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng.
"Trường hợp này, xương cá đã xuyên qua đường tiêu hóa và đến tuyến tụy, có thể dẫn đến viêm tụy, gây tổn thương, nhiễm trùng và hình thành áp xe. Nếu không xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng lây lan sang các cơ quan xung quanh, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng", bác sĩ Phương phân tích.
Từ trường hợp này Bác sĩ khuyến cáo khi ăn uống, người dân phải cẩn thận nhai chậm và kỹ, đặc biệt là người lớn tuổi mất răng và trẻ nhỏ. Trong trường hợp nghi ngờ hóc xương hoặc các loại dị vật khác, cần phải đến cơ sở y tế có chuyên môn để thăm khám.
Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng, để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng và phát triển các biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng, như nhiễm trùng huyết hoặc suy đa cơ quan.
Những nguy hiểm khi bị hóc xương cá
1. Xương cá rất dễ mắc vào họng, nếu không lấy ra kịp thời xương sẽ đâm sâu và gây áp xe cục bộ. Khi khối áp xe phát triển đến một mức độ nhất định nó cũng có thể làm tắc khí quản và ngạt thở dẫn đến tử vong.
2. Khi xương cá đâm vào thực quản thì có thể gắp ra ngoài qua ống soi thực quản. Nếu nuốt phải xương cá khi ăn cơm sẽ dẫn đến tình trạng đâm sâu hơn, có khả năng liên quan đến động mạch chủ.
3. Hóc xương cá gây thủng dạ dày, nếu không có biện pháp điều trị tích cực tình trạng thủng dạ dày sẽ dễ dẫn đến viêm phúc mạc và dẫn đến tử vong cho con người.
4. Xương cá không được xử lý có thể làm thủng ruột non, gây viêm phúc mạng, đe dọa đến tính mạng con người.
5. Xương cá chạy xuống ruột thừa không may sẽ gây thủng ruột thừa dẫ đến viêm phúc mạc lan tỏa.
6. Xương cá cũng có thể chọc thủng ruột già, dẫn đế nhiễm trung nặng trong ổ bụng.
7. Trường hợp hi hữu, xương cá khi được tiêu hóa và thải qua đường hậu môn có thể đâm vào bộ phận này gây áp xe quanh hậu môn, đồng thời gây ra các đường rò hậu môn.
Trúc Chi (t/h)