Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng đang được Sở Văn hóa thể thao (VHTT) Hà Nội lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có quy định người dân “không nên mặc trang phục hở hang không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm”, nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên các phương tiện truyền thông... đang gây xôn xao dư luận.
Nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ cho rằng “bêu tên” người vi phạm sẽ khiến bản thân người đó thay đổi được ý thức. Tuy nhiên, cũng nhiều người cho rằng việc “bêu tên” như trên là rất khó bởi việc ăn mặc phản cảm, hở hang là quyền cá nhân không vi phạm đến pháp luật, hơn nữa khái niệm ăn mặc thế nào là hở hang, phản cảm cũng chưa được quy định rõ ràng.
PGS. TS Trịnh Hòa Bình - Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam đã có nhận định xung quanh dự thảo này với PV báo Người Đưa Tin.
Bày tỏ sự hoan nghênh đối với Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng được TP. Hà Nội công khai lấy ý kiến, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói: “Chúng tôi hoan nghênh về mặt ý tưởng đối với Bộ Quy tắc ứng xử, bởi hiện nay, văn hóa ứng xử trong xã hội đang dần xuống cấp và việc ban hành Bộ Quy tắc này là một nỗ lực, cố gắng tích cực cần được ghi nhận”.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, suy cho cùng những nội dung của Bộ Quy tắc là được. Tuy nhiên, có phần nội dung khen thưởng kỷ thuật trong đó có việc công khai danh tính, “bêu tên” người vi phạm là khó thực hiện và không nên có.
“Một văn bản đầy đủ thì thường phải có giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, điều khoản thực hiện nên chăng không đưa vào… mà có nhắc nhở thì nhắc nhở chung”, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam nhận định.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình phân tích thêm: “Bộ Quy tắc là khuyến cáo thực hiện chứ không phải văn bản luật… Kể cả chuẩn hóa trở thành việc bắt buộc thực hiện thì những sai phạm (những điều không nên làm trong Bộ Quy tắc ứng xử - PV) đó cũng chưa hội đủ điều kiện để giống những tệ nạn xã hội lâu nay”.
“Ví dụ: Tệ nạn mại dâm chẳng hạn, vì riêng tư cũng không được công khai, bêu riếu danh tính… nên không thể có chuyện công khai danh tính người ăn mặc phản cản. Mại dâm còn chẳng công khai huống chi là người ăn mặc phản cảm”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình kết luận.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cũng cho hay: Ăn, mặc là quyền tự do của cá nhân. Khái niệm “trang phục hở hang, gây phản cảm” hoàn toàn cảm tính bởi chưa được bất kỳ nhà khoa học hay cơ quan chức năng nào quy định cụ thể.
“Mỗi người đều có cảm nhận riêng, không ai giống ai, điều đó phụ thuộc vào thói quen, nếp nghĩ, cảm giác của từng người. Việc ăn mặc hở hang, phản cảm khi biểu diễn, cơ quan chức năng đã áp dụng mức xử phạt hành chính đối với một số ca sĩ, người mẫu. Tuy nhiên, rất ít trường hợp người dân bị bêu tên, xử phạt”, luật sư Thơm nhận định.
Theo luật sư Thơm, nếu tuân theo các quy định xử phạt trong Luật Hành chính mà bêu tên người vi phạm trên phương tiện truyền thông là sai với nguyên tắc xử phạt hành chính. Thậm chí, chưa luật nào cho phép được công khai tên người mua dâm, huống hồ là người mặc đồ hở hang.
Nhất Nam