Giải quyết mâu thuẫn... bằng dao
Mới đây, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Hảo (SN 1995, trú ở thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), hung thủ gây ra cái chết thương tâm cho anh Phạm Minh T. (SN 1983, hàng xóm của Hảo) đã thu hút nhiều người đến dự. Ai cũng tiếc thay cho một tú tài tương lai, vì phút nông nổi đã tự tay hủy hoại cuộc đời bằng những năm tháng ngồi tù bóc lịch.
Được biết, Hảo và anh T. vốn là hàng xóm với nhau. Hàng ngày, cứ mỗi buổi chiều, họ lại cùng một số thanh niên khác tập trung tại sân bóng chuyền thuộc đội 8, thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước (Bình Định) để thi đấu. Vì đánh bóng không tốt, nên anh T. thường bị Hảo chê là chơi dở. Mâu thuẫn cũng bắt đầu nảy sinh từ đó.
Đỉnh điểm của sự việc diễn ra vào khoảng 17h30' ngày 07/10/2012, khi Hảo, T. cùng Võ Thanh Tú (SN 1997) và Nguyễn Đình Trọng (SN 1982), trú tại thôn Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định rủ nhau đến sân bóng chuyền trong thôn để đánh bóng.
Trong lúc hai đội đang thi đấu hăng say, anh T. và Tú bỗng nhiên bất đồng trong việc hoán đổi vị trí cho nhau nên dẫn đến mâu thuẫn, lời qua tiếng lại. Bực tức vì mình lớn hơn mà bị một thằng "nhãi ranh" sai khiến, anh T. bèn vung tay tát 2 cái vào mặt Tú.
Chứng kiến cảnh anh T. vô cớ đánh bạn thân của mình, không kìm được cơn nóng giận, Hảo lập tức chộp lấy 2 khúc gỗ gần đó chạy đến đưa cho bạn một cây, rồi cả hai cùng xông vào đánh anh T. tới tấp. Bị đánh trúng hông, anh T. đuổi theo đánh lại nhưng Hảo và Tú đã kịp thời chạy trốn.
Sau khi thoát thân, Hảo liền về nhà, lấy một cái rựa chạy ra "nghênh chiến". Sợ xảy ra án mạng nên mẹ Hảo cùng những người đến xem đánh bóng ra sức can ngăn. Thấy mẹ van xin tha thiết, Hảo bắt đầu dịu dần và theo mẹ về nhà.
Nỗi đau không thể nguôi ngoai trong lòng người ở lại.
Tưởng mọi chuyện chỉ thế là xong, vì dù sao họ cũng là hàng xóm với nhau nhưng đây lại là điểm bắt đầu cho những bi kịch.
Tối hôm đó, nằm ở nhà, ngẫm nghĩ lại chuyện lúc chiều, anh T. cảm thấy mình bị Hảo hạ nhục, mất mặt trước đám đông nên không sao ngủ được. Anh định bụng sẽ "dằn mặt" cho Hảo sợ, nên khoảng 6h sáng hôm sau (08/10), khi Hảo chuẩn bị cắp sách đến trường, anh T. vội vàng chạy xe máy ngang qua và dọa: "Chiều nay, tao sẽ đánh mày".
Nghe anh T. hăm he đánh mình, Hảo tỏ ra rất bực tức. Chiều cùng ngày, khoảng 17h30', trước khi ra sân bóng chuyền, Hảo đã chuẩn bị sẵn trong túi quần một con dao bấm với ý đồ nếu bị T. đánh, y sẽ dùng con dao này "kết liễu" đời T..
Lúc này, tại sân bóng chuyền, anh T, cùng các thanh niên khác vẫn đang chơi bóng như thường ngày, bên ngoài còn có nhiều người đứng xem, trong đó có ông Phạm Văn S. (cha ruột của anh T.). Vừa thấy Hảo bước ra, anh T. liền chạy đến dùng tay đánh liên tiếp vào mặt Hảo.
Không nằm ngoài dự tính, Hảo nhanh chóng lùi lại phía sau, tay trái giơ lên đỡ, tay phải rút dao bấm trong túi quần đâm một nhát chí mạng vào ngực anh T.. Gây án xong, Hảo rút dao cất vào túi quần và bỏ chạy về nhà. Bị đâm bất ngờ, anh T. ôm ngực, lảo đảo chạy đến chỗ cha mình la lớn: "Chết con rồi ba ơi!" và gục ngay xuống đất.
Ngay lập tức, gia đình và một số người dân địa phương đưa anh T. đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong ngay trên đường đi. Còn về phần Hảo, sau khi bỏ chạy về nhà, được sự động viên từ phía gia đình nên y đã đến công an huyện Tuy Phước đầu thú. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Hảo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
"Phải chi biết dừng đúng lúc"
Mặc dù vụ án đã khép lại nhưng nỗi đau vẫn còn như xát muối trong lòng những ai có mặt tại phiên tòa hôm ấy, đặc biệt là những người thân của nạn nhân xấu số. Anh T. chết, Hảo phải đối diện với hình phạt nghiêm khắc của pháp luật và sự day dứt lương tâm vì những hành động dại dột của y.
Cái nắng ban trưa gay gắt vẫn không thể lau khô những giọt nước mắt trào ra trên gương mặt chị H. (vợ của anh T.) và những người thân của anh. Sự đau xót bằng xương, bằng thịt của gia đình người bị hại đã quá rõ ràng. Không ai có thể ngờ rằng, một nam sinh tri thức, một tú tài tương lai được ăn học đầy đủ lại có thể cướp đi cuộc sống người khác một cách tàn độc đến vậy.
Một viễn cảnh êm ấm bỗng chốc trở nên thê lương. Người vợ tần tảo ngày nào giờ phải trở thành góa phụ cô độc và những đứa con thơ dại từ nay phải sống mồ côi cha. Ngồi cùng hàng ghế với gia đình bị hại, người thân của hung thủ cũng gục đầu với một nỗi đau khác. Họ là cha, là mẹ của bị cáo, những người đang từng giờ đối mặt với một thực tế chua chát.
Trước vành móng ngựa, Hảo tỏ ra thành khẩn và liên tục cúi đầu khi nghe đại diện Viện kiểm sát đọc bản cáo trạng về những hành vi tội lỗi của mình. Phải chăng lúc này, cậu học sinh với gương mặt non nớt kia, mới giật mình nhận ra hậu quả từ những hành động nông nổi do mình gây ra. Cũng vì thế mà cái giá cậu ta phải trả cũng không hề nhỏ. "Nếu cả hai có cách cư xử khác, phải chi biết dừng lại đúng lúc thì chắc hẳn đã không có chuyện người chết, kẻ vào tù, để lại nỗi đau quá lớn cho hai bên gia đình như thế này...", vị đại diện VKSND tỉnh lắc đầu nói.
Ngồi trò chuyện với chị Võ Thị H. (SN 1989, vợ của anh T.) trong vài phút HĐXX nghị án, tay bồng cháu bé con út chưa đầy một tuổi đang lim dim ngủ vì quá mệt, chị thẫn thờ nhắc lại câu chuyện đau lòng: "Cho đến thời điểm này, tôi không thể nào tin nổi chồng mình đã vĩnh viễn ra đi. Tôi trở nên suy sụp và đau đớn khi nghĩ về tương lai của mấy đứa nhỏ.
Từ ngày anh ấy mất, các cháu luôn miệng hỏi ba đi đâu, mà lâu về vậy mẹ? Lúc đó, tôi chỉ biết nghẹn ngào, nuốt nước mắt vào trong và bảo ba đi làm xa rồi, từ từ ba sẽ về". Nghe người đối diện nhắc đến tên ba, bé Phạm Hồng D. (SN 2007, con gái lớn của T.) nhanh nhảu hỏi bà nội: "Bây giờ bà nuôi con, mai mốt con lớn, nhất định con sẽ thay ba T. nuôi lại bà".
Lời con trẻ tựa như gió thoảng qua, vậy mà người lớn nghe như có đá đè nặng trong lòng. Tương lai của mấy đứa nhỏ, rồi đây sẽ ra sao? Khung cảnh ảm đạm, thê lương nơi khán phòng chật chội cùng với nỗi đau của người ở lại, càng khiến những người chứng kiến phiên tòa hôm ấy cảm thấy quặn thắt.
Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hảo 10 năm tù và bồi thường thiệt hại 109 triệu đồng cho gia đình bị hại, đồng thời mỗi tháng phải cấp dưỡng thêm 1,5 triệu đồng cho 3 đứa con anh T.. Chàng trai trẻ khụy xuống với vẻ ân hận khi nghe chủ tọa tuyên án, thế nhưng sự ăn năn hối lỗi của Hảo đã quá muộn màng.
Không gì có thể bào chữa cho hành vi cồn đồ, máu lạnh của y khi tước đoạt mạng sống của một người chồng, người cha gương mẫu trong gia đình chị H. Thương người mẹ tóc bạc, người cha tội nghiệp đã hết lòng chăm lo cho mình, Hảo rơm rớm nước mắt, ngoái nhìn xuống phòng xử án rồi bước nhanh theo cảnh sát ra xe về trại giam.
Bi kịch đau xót vì thiếu kiềm chế Sau mỗi vụ án bao giờ cũng là những nỗi đau. Song nỗi đau ấy sẽ còn nhân lên gấp bội lần khi mà kẻ gây án lại là những đứa trẻ vị thành niên. Chỉ vì một phút không kiềm chế được bản thân, muốn khẳng định mình, trong phút chốc Hảo đã tước đi sinh mạng của người khác và biến mình thành kẻ sát nhân. Mức án mà TAND tỉnh Bình Định đã tuyên phạt dành cho Hảo sẽ làm y hiểu thấu phần nào nỗi đau đớn của sự chia lìa mà mình đã gây ra đối với gia đình nạn nhân. Hảo còn có cơ hội trở về, làm lại cuộc đời nhưng người thân của bị hại thì không bao giờ có thể gặp lại người chồng, người cha, người con đã ra đi mãi mãi… |
Thanh Trúc