Ăn món bánh quen thuộc, bé trai 7 tuổi tử vong nghi do nghẹt thở

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 6, 29/12/2023 15:06

Bé 7 tuổi được cha mẹ đưa đến nhà cô giáo học. Trên đường, bé có ăn bánh. Khi đến nhà cô khoảng 3 phút, cô giáo phát hiện bé có biểu hiện tím tái và tay ôm cổ...

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 Tp.HCM tiếp nhận cấp cứu một bé trai tên M. chuyển đến từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 Tp.HCM, bác sĩ xác định trẻ đã ngưng tim ngưng thở ngoại viện. Các bác sĩ nỗ lực tiến hành hồi sức hơn 30 phút nhưng không cứu được bé.

Khai thác bệnh sử ghi nhận sáng 28/12, M. được cha mẹ đưa đến nhà cô giáo học. Trên đường, bé có ăn bánh. Khi đến nhà cô khoảng 3 phút, cô giáo phát hiện bé có biểu hiện tím tái và tay ôm cổ, một tay còn cầm bánh. Cô giáo lập tức đưa M. đi cấp cứu tại một phòng khám gần nhà. Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết em M. cấp cứu vì hóc dị vật, tím, ngưng tim 30 phút. Thời điểm nhập viện, trẻ mê, môi tím, hạ thân nhiệt, chi mát, mạch và tim bằng 0, đồng tử giãn 5mm, phản xạ ánh sáng âm. Ê-kíp tiến hành đặt nội khí quản và gắp ra một khối dị vật đường thở, có hình thù giống như miếng thịt hoặc bánh vón cục.

Các bác sĩ tiếp tục hội chẩn qua điện thoại với Bệnh viện Nhi đồng 2 Tp.HCM, làm thủ tục cho M. chuyển viện theo nguyện vọng của gia đình. Mặc dù được các bệnh viện nỗ lực cấp cứu nhưng trẻ tử vong vào chiều cùng ngày.

Ngày 29/12, trường tiểu học nơi bé M. đang theo học đã có báo cáo nhanh đến Phòng Giáo dục và Đào tạo Tp.Biên Hòa, Đồng Nai về vụ việc. Theo báo cáo này, em M. ăn bánh bông lan khi được mẹ chở đến gửi trẻ tại nhà cô. Tại nhà giáo viên, bé không ăn gì.

Khoảng 3 phút sau, thấy bé có biểu hiện tím tái và tay ôm cổ, cô giáo đã sơ cứu và đưa trẻ đi cấp cứu.

Đời sống - Ăn món bánh quen thuộc, bé trai 7 tuổi tử vong nghi do nghẹt thở

Hình ảnh dị vật đường thở được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai gắp ra. Ảnh: BVCC.

Trước đó, cũng có vụ trẻ nhỏ tử vong do hóc dị vật. Thông tin ban đầu trên VTC News trong lúc ăn chôm chôm, bé gái 5 tuổi ở Bình Định không may bị hóc hạt, phát hiện sự việc, người thân đưa cháu đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong.

Cụ thể, trong lúc cha mẹ đi vắng, cháu N.V.M.H. SN 2018, thôn Trung Thuận, xã Mỹ Chánh Tây cùng anh trai ở nhà chơi và ăn chôm chôm thì cháu H. bị hóc hạt. Khi anh trai phát hiện H. bất tỉnh đã chạy đi gọi mẹ về. Dù được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng đã quá muộn.

Được biết, hoàn cảnh gia đình bé H. hết sức khó khăn, cha của bé H. làm thợ hồ, mẹ bị bệnh nặng thường xuyên đi bệnh viện để điều trị nên không có khả năng lao động.

Cách phòng chống hóc dị vật ở trẻ

Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho biết, hóc dị vật đường thở là tình huống cấp cứu, thường gặp ở trẻ em. Dị vật hay gặp là các hạt, vỏ trái cây, đồ chơi, hóc xương cá, xương gà... Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, trẻ sẽ bị tắc nghẽn đường thở, suy hô hấp, tím tái, co giật và có nguy cơ tử vong.

- Khi trẻ bị hóc, các bậc cha mẹ cần tuyệt đối bình tĩnh và không làm trẻ hốt hoảng, vì khi đó trẻ thường cố nuốt dị vật xuống. Phải thực hiện động tác sơ cứu ngay, bất kỳ ai cũng đừng chần chừ khi phát hiện trẻ bị hóc dị vật vì sau 4 phút không lấy được dị vật ra ngoài, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tính mạng.

- Khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ tuyệt đối không đưa ngón tay vào móc dị vật khỏi miệng trẻ. Việc cố gắng lấy tay hoặc các vật khác đưa vào miệng trẻ để móc dị vật ra có thể làm dị vật xuống sâu hơn, hoặc gây trầy xước, chấn thương niêm mạc vùng hầu họng của trẻ.

- Việc phổ biến các kiến thức cho các bậc cha mẹ, cho những trẻ lớn về phương thức xử lý khi trẻ bị hóc là hết sức cần thiết.

- Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng, ấn ngực: Đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay trái, dùng lòng bàn tay phải vỗ lưng 5 lần mạnh và nhanh giữa 2 xương bả vai, sau đó lật ngửa trẻ, nếu còn khó thở dùng 2 ngón tay ấn ngực 5 lần. Nếu trẻ ngưng thở phải thổi ngạt. Nếu thất bại có thể làm lại 6-10 lần.

- Đối với trẻ trên 2 tuổi, dùng thủ thuật Heimlich: Nếu trẻ còn tỉnh, người làm cấp cứu đứng phía sau trẻ hoặc quỳ tựa gối vào lưng trẻ ( trẻ <7 tuổi). Vòng tay ngang lưng, đặt một nắm tay vùng thượng vị ngay dưới mũi kiếm xương ức, bàn tay kia. bàn tay đặt chồng lên. Đột ngột ấn mạnh 5 lần theo hướng từ trước ra sau, từ dưới lên trên. Đối với trẻ đã hôn mê bất tỉnh: Đặt trẻ nằm ngửa, người cấp cứu quỳ gối và đây 2 bàn tay chồng lên nhau vùng dưới xương ức trẻ. Đột ngột ấn nhanh 5 lân. Nếu trẻ ngừng thở phải thổi ngạt và lập lại 6-10 lần...

- Để phòng ngừa nguy cơ hóc dị vật đường thở ở trẻ nhỏ, các gia đình nên chú ý không cho trẻ chơi các đồ chơi có kích thước nhỏ; Không cho trẻ tự bốc ăn các loại hạt; Không để trẻ nhỏ tự ăn thịt chưa tách xương…

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.