Án nước ngoài:
Bé gái qua đời, cả chung cư ở Trung Quốc phải bồi thường
Bé Yanyan qua đời do bị 1 trái bóng kim loại từ trên cao rơi trúng. Không tìm được thủ phạm, tòa án yêu cầu các gia đình ở khu chung cư phải đền bù cho cha mẹ em. Quyết định của tòa án TP.Toại Ninh (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) về vụ việc bé 1 tuổi thiệt mạng do 1 quả bóng kim loại rơi vào người gây ra nhiều tranh cãi, theo SCMP.
Tháng 11/2016, người mẹ họ Chu đang đưa con gái Yanyan đi dạo. Bất ngờ, cô bé bị quả bóng kim loại có kích thước bằng lòng bàn tay, loại thường dùng để tập thể dục, rơi từ trên tầng cao trúng vào người. Yanyan được đưa vào bệnh viện ngay sau đó và qua đời vào buổi tối cùng ngày.
Suy nghĩ cần đòi lại công lý cho con khiến cô Chu quyết định đi tìm chủ nhân của trái bóng đã gây ra cái chết thương tâm của Yanyan.
Trong suốt 1 tháng, cha mẹ của Yanyan đi tìm kiếm manh mối ở khu vực lân cận tòa nhà, hỏi thăm từng người dân. Cảnh sát đến gõ cửa từng nhà trong khu chung cư để điều tra song cũng không thu được kết quả. Không ai thừa nhận là chủ sở hữu trái bóng kim loại, 2 người quyết định kiện cả khu dân cư ra tòa.
Bốn năm sau, vào cuối tháng trước, tòa án địa phương đã ra phán quyết rằng tất cả hộ gia đình trong khu nhà 8 tầng - ngoại trừ các căn hộ bỏ trống - đều phải chịu trách nhiệm và yêu cầu họ bồi thường.
Quyết định được đưa ra dựa vào Điều 87 của luật Trách nhiệm pháp lý, trong đó việc định tội được áp dụng đối với “tranh chấp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vật ném, vật rơi không xác định được”.
“Mặc dù chỉ có 1 người có thể thực hiện hành vi nhưng luật pháp nên bảo vệ những người yếu thế và cân bằng lợi ích của các bên. Điều này có thể đạt được mục đích an ủi gia đình nạn nhân và là một lời cảnh báo cho công chúng”, phía tòa án nói.
Theo đó, mỗi gia đình phải trả 3.000 NDT (439 USD) cho gia đình của em bé. Phán quyết của tòa án sau đó tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng.
Nhiều người cho rằng không công bằng khi bắt mọi cư dân của tòa nhà phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, một số người nghĩ tòa chung cư nên lắp thêm nhiều camera giám sát hơn và không thể bỏ qua giả thiết quả bóng rơi xuống do thú nuôi trong nhà đùa nghịch đẩy xuống.
Một số hộ gia đình tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định của tòa án cho hay họ có bằng chứng chứng minh không có ai ở nhà vào thời điểm đó.
Luật ta: Phải xác định được người có lỗi mới quy trách nhiệm bồi thường
Chiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam, ngay sau khi xảy ra hậu quả chết người, cơ quan chức năng sẽ phải vào cuộc điều tra.
Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định, sau khi có một trong các căn cứ sau đây thì cơ quan điều tra sẽ phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra, cụ thể: Tố giác của cá nhân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; Người phạm tội tự thú.
Trong giai đoạn này, các cơ quan điều tra sẽ áp dụng mọi biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc xét xử của tòa án.
Nhiệm vụ của cơ quan điều tra là xác định tội phạm và người thực hiện tội phạm; xác định thiệt hại do tội phạm gây ra; xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.
Trong vụ bé gái 1 tuổi nói trên, ngay sau khi nhận được tin tố giác của cha mẹ cháu bé, cơ quan điều tra sẽ phải điều tra, làm rõ có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.
Nếu xác định được người đã vô tình làm rơi quả bóng kim loại xuống dưới khiến cháu bé thiệt mạng thì có thể khởi tố về tội Vô ý làm chết người hoặc tội Cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người, tội danh và hình phạt quy định tại Điều 128 năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hình phạt thấp nhất của tội danh này là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Nếu làm chết 1 người thì hình phạt cao nhất là 5 năm tù giam.
Nếu cơ quan điều tra chứng minh được người đó đã cố tình ném quả bóng xuống phía dưới dẫn tới hậu quả là cháu bé chết thì người thực hiện hành vi đó có thể bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người, theo quy định tại Điều 134 BLHS. Hình phạt cao nhất của tội này là 14 năm tù.
Chỉ khi nào đã xác định được hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng mới xem xét tới vấn đề bồi thường dân sự.
Điều 584 BLDS năm 2015 của nước CHXHCN Việt Nam quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Như vậy, trong vụ chết người vì quả bóng rơi, chiếu theo các quy định của pháp luật Việt Nam nếu cơ quan điều tra không xác định được ai là người đã làm rơi quả bóng xuống đất khiến cháu bé tử vong thì vụ việc sẽ không được khởi tố. Lúc này, vấn đề bồi thường thiệt hại cũng sẽ không được đặt ra. Không có chuyện vì không có ai đứng ra nhận là chủ nhân của quả bóng và cơ quan chức năng không làm rõ được ai đã ném quả bóng mà tất cả các cư dân của khu chung cư đó phải bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Việc tòa án TP.Toại Ninh buộc mỗi gia đình phải trả 3.000 NDT cho gia đình em bé là khiên cưỡng và không có cơ sở.
Ánh Dương