Án nước ngoài:
Lạnh người khi nhận tin cháu trai vẫn còn sống sau 2 tháng hỏa thiêu
Do bị mắc bệnh tâm thần cháu trai của cụ Lưu là anh Tiêu (SN 1977, sống tại tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc) đột nhiên mất tích vào hồi đầu năm. Vào hôm 2/4, cụ Lưu nhận được thông báo từ cảnh sát báo rằng anh Tiêu có thể đang ở trong bệnh viện Trung y Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang).
Ngay hôm sau, cụ Lưu cùng mẹ của anh Tiêu cùng một số người thân đã đến Ôn Châu bằng máy bay để đón con về.
Tuy nhiên, khi tới bệnh viện, các bác sĩ lại nói rằng anh Tiêu đã tử vong do mắc bệnh truyền nhiễm. Để tránh lây lan, thi thể của anh Tiêu được chuyển thẳng tới nhà tang lễ địa phương ở tỉnh Trùng Khánh.
Mong muốn con trai có 1 tang lễ đàng hoàng, mẹ của Tiêu đã chi ra 140.000 tệ (gần 460 triệu đồng) để tổ chức đám tang và mua đất chôn cất theo phong tục địa phương. Tuy nhiên, khi mộ chưa kịp xanh cỏ thì ngày 26/5, cụ Lưu lại nhận được 1 cuộc gọi từ sở cảnh sát tỉnh Trùng Khánh nói rằng họ tìm thấy 1 người đàn ông vô gia cư tự xưng là họ Tiêu tại trạm cứu hộ ở Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây. Nghe được thông tin này, cụ Lưu toát mồ hôi lạnh vì gia đình vừa tổ chức đám tang cho cháu trai xong.
Với sự giúp đỡ của cảnh sát, anh Tiêu trở về nhà an toàn vào ngày 5/6.
Gia đình cụ Lưu đã yêu cầu bệnh viện bồi thường lại số tiền mai táng và chi phí y tế đó. Về vấn đề này, ông Lưu Hiểu, Giám đốc khoa cấp cứu của bệnh viện Trung y Ôn Châu cho biết: "Bác sĩ không thể xác định được danh tính của bệnh nhân mà phải thông qua trạm cảnh sát. Anh ấy được đưa tới bệnh viện của chúng tôi để điều trị khẩn cấp bởi sở Cảnh sát Nam Giao. Với thẻ ID của anh Tiêu, bác sĩ đã chụp ảnh trên thẻ căn cước và đối chiếu với bệnh nhân. Cảm thấy giống nhau nên chúng tôi đã chụp lại thẻ căn cước và gửi tới đồn cảnh sát".
Tòa tuyên án các bác sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ thông báo và cứu người. Về vấn đề bồi thường, họ đề nghị gia đình anh Tiêu có thể đến lấy từ kênh tư pháp.
Luật ta:
Xác nhận sai người, cảnh sát phải có trách nhiệm bồi thường
Trên thực tế, anh Tiêu vẫn còn sống và người đã chết tại bệnh viện kia không liên quan gì tới họ Tiêu. Vì cảnh sát xác định người chết là anh Tiêu nên gia đình mới mất khoản chi phí lớn để tổ chức tang lễ cho anh này. Sau khi xác định có sự nhầm lẫn, cảnh sát phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình anh Tiêu.
Ở Việt Nam, bồi thường thiệt hại được hiểu là một loại trách nhiệm dân sự. Nếu người nào đó gây ra thiệt hại (dù vô tình hay cố ý) thì phải chịu trách nhiệm đối với hành vi mình gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại không còn là quy tắc đạo đức mà đã được pháp điển hóa, ghi nhận thành một chế định quan trọng trong Bộ luật Dân sự năm 2005.
Trong trường hợp này, cảnh sát đã xác nhận sai thông tin cá nhân của anh Tiêu dẫn đến việc bệnh viện thông báo nhầm tới gia đình. Hậu quả là gia đình đã bỏ ra chi phí để tổ chức tang lễ vì tưởng đó là người thân của mình. Gia đình anh Tiêu có thể khởi kiện trạm cảnh sát trên ra tòa đòi bồi thường thiệt hại (chi phí tổ chức tang lễ, chi phí đi lại từ nhà tới bệnh viện, tiền tổn thất tinh thần do tưởng người thân của mình đã chết…).
Khi tòa án phán quyết trạm cảnh sát phải bồi thường, đơn vị này có thể truy trách nhiệm của cán bộ đã xác nhận sai và yêu cầu người này phải hoàn lại số tiền đó.
Ánh Dương