Án nước ngoài:
Người đàn ông bị bắn chết giữa phiên tòa
Một người đàn ông Pakistan bị bắn tử vong trong phòng xử án khi đang bị xét xử tội phỉ báng tại tòa thượng thẩm ở Peshawar, Guardian đưa tin hôm 29/7.
Nạn nhân là Tahir Ahmed Naseem đã ở trong tù từ khi bị bắt giữ năm 2018, sau khi tự xưng là một nhà tiên tri. Naseem là một thành viên của giáo phái Ahmedi vốn bị đàn áp ở Pakistan.
“Tôi đang ngồi trong văn phòng vào khoảng 11h30 thì nghe thấy tiếng nổ súng”, Saeed Zaher - một luật sư ở gần hiện trường cho biết. Zaher nói thêm rằng ông đã vội tới hiện trường vụ nổ súng và nhìn thấy dường như nạn nhân bị bắn một phát vào đầu. “Kẻ nổ súng đã bị cảnh sát bắt giữ trong khi thi thể nạn nhân nằm trên chiếc ghế dài trong phòng xử án”. Việc kẻ tấn công qua mặt được giới chức trách để đưa vũ khí vào phiên tòa được cho là vi phạm an ninh nghiêm trọng. “Một người đi vào phòng xử án với một khẩu súng lục và giết người ngay trong phiên tòa là sự việc rất đáng lo ngại”, ông Zaher nói thêm.
Những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy kẻ tấn công ngồi trên ghế, chân không mang giày và bị cảnh sát canh giữ. Người này khẳng định được ra lệnh giết Naseem trong một giấc mơ. Phỉ báng là cáo buộc nhạy cảm ở Pakistan, một tội hình sự có thể lãnh án tử hình, nhưng đôi khi nó được sử dụng để giải quyết điểm cá nhân, gây khó khăn trong việc xét xử của hệ thống tư pháp.
Luật ta:
Kẻ nổ súng bị truy cứu về tội Giết người
Pháp luật hình sự của Việt Nam tuy không có tội Phỉ báng nhưng có hẳn một chương quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (Chương XIV từ Điều 123 đến Điều 156). Trong đó có các tội danh cụ thể như tội Làm nhục người khác (Điều 155), tội Vu khống (Điều 156). Hình phạt cao nhất của các tội danh này là phạt tù có thời hạn.
Theo quy định tại thông tư 15/2003/TT-BCA ngày 10/9/2003 của bộ Công an thì lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân là lực lượng được giao trách nhiệm bảo vệ các phiên toà hình sự và khi có yêu cầu thì bảo vệ các phiên toà dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình…Tuy phiên tòa được xét xử công khai, mọi công dân đều có quyền tham dự, nhưng để đảm bảo an toàn cho hoạt động xét xử, người dự tòa sẽ phải tuân theo nội quy của tòa án. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, lực lượng này phải có biện pháp can thiệp ngay.
Với việc bố trí lực lượng hỗ trợ tư pháp như trên, việc 1 người đi vào phòng xử án với 1 khẩu súng lục và giết người ngay trong phiên tòa ở Việt Nam là điều rất khó diễn ra.
Nếu chiếu theo pháp luật hình sự của Việt Nam, cho dù vì bất cứ lý do gì thì kẻ nổ súng bắn chết bị cáo đang bị xét xử trong phòng xử án sẽ bị xử lý về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS. Hình phạt cao nhất của tội danh này có thể lên tới tử hình.
Ánh Dương