Án Nước ngoài:
Bác sĩ đăng ảnh làm việc để lộ bộ phận nhạy cảm của nữ bệnh nhân
Theo SCMP, vụ việc bị 1 người dùng mạng có nickname Momo phanh phui. Người này tố cáo vị bác sĩ họ Jiang sau khi xem những bức ảnh về công việc và cuộc sống riêng tư mà anh ta đăng tuần trước trên nền tảng mạng xã hội Douban.
"Hai phần tách biệt trong cuộc sống của tôi: đi làm và tan làm. Tuyệt đối nghiêm túc trong công việc; tận hưởng cuộc sống náo nhiệt sau giờ tan sở", Jiang chú thích cho 2 bức ảnh. Tuy nhiên, 1 trong 2 bức ảnh cho thấy âm đạo của 1 nữ bệnh nhân. Sau khi được chia sẻ, câu chuyện về hành vi sai trái của Jiang hút hơn 7,5 triệu lượt xem trên Douyin.
Xem lại các bài đăng trước đây, Momo phát hiện Jiang làm việc tại Khoa Phụ sản của Bệnh viện Nhân dân số một Côn Sơn, 1 Bệnh viện công ở tỉnh Giang Tô. Momo lập tức liên lạc với Bệnh viện, báo cáo về Jiang. Theo yêu cầu của Bệnh viện, nam bác sĩ đã xóa tài khoản của mình trên Douban.
Nhận thấy bệnh viện quá "nhẹ tay" với Jiang, một người giấu tên khác báo hẳn vụ việc lên cơ quan y tế Thành phố Côn Sơn. Tờ Jiefang Daily đưa tin hiện Jiang bị đình chỉ công tác, trong khi chờ kết quả điều tra.
Peng Lisong, luật sư Công ty luật Yingke Bắc Kinh, cho biết Jiang bị cáo buộc vi phạm Luật Bác sĩ hành nghề của Trung Quốc, trong đó quy định các bác sĩ sẽ nhận cảnh cáo hoặc đình chỉ công tác từ 6 đến 12 tháng nếu bị phát hiện vi phạm quyền riêng tư của bệnh nhân.
Jiang cũng có khả năng vi phạm cả Luật Về quản lý an sinh xã hội. Theo đó, 1 người có thể bị giam giữ 5 - 10 ngày nếu có hành vi quấy rối tình dục bằng hình ảnh, nghe lén, chụp hoặc lưu hành hình ảnh vi phạm quyền riêng tư của người khác.
Hồi tháng Một năm ngoái, 1 bác sĩ phụ khoa ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc cũng từng bị chỉ trích trên mạng xã hội sau khi phát trực tiếp ca phẫu thuật cho 1 bệnh nhân nữ. Kết quả là vị bác sĩ bị bắt và bị thu hồi giấy phép hành nghề y.
Luật Việt Nam:
Bệnh nhân có quyền được giữ bí mật thông tin
Một trong những quyền của bệnh nhân chính là được giữ bí mật thông tin. Khoản 2 Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định về nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, nêu rõ: Tôn trọng quyền của người bệnh; Giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 11 và khoản 4 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009.
Tại khoản 5 Điều 37 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 cũng quy định, bác sĩ có nghĩa vụ giữ bí mật tình trạng bệnh của bệnh nhân, những thông tin bệnh nhân đã cung cấp và hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thông tin bệnh nhân chỉ được phép tiết lộ trong những trường hợp sau: Thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định. (Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009); Được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. (khoản 1 Điều 11 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009).
Đồng thời, tại khoản 4 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 cũng quy định, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cho phép khai thác hồ sơ bệnh án trong các trường hợp: Sinh viên thực tập, nghiên cứu viên, người hành nghề trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ cho việc nghiên cứu hoặc công tác chuyên môn kỹ thuật; Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về y tế trực tiếp quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra chuyên ngành y tế, cơ quan bảo hiểm, tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, luật sư được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền cho phép; Bệnh nhân hoặc người đại diện của bệnh nhân được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh nhân đều được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe, bí mật đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.
Trừ trường hợp được sự cho phép của người bệnh hay các trong trường hợp nghiên cứu, trao đổi trong nội bộ nhóm những người chữa trị bệnh với mục đích phục vụ điều trị, tìm phương pháp chữa bệnh; Trong trường hợp người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh để một số đối tượng nghiên cứu hồ sơ bệnh án phục vụ công việc nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ mà pháp luật cho phép theo quy định trên.
Chiếu theo quy định trên, bác sĩ Jiang đã vi phạm nghĩa vụ phải giữ bí mật thông tin của bệnh nhân mà mình điều trị. Khi chưa được bệnh nhân cho phép, anh này đã tự ý đăng ảnh bộ phận nhạy cảm của bệnh nhân lên mạng xã hội.
Vậy hành vi làm lộ thông tin bệnh nhân không đúng quy định sẽ bị xử lý như thế nào?
Trong trường hợp người làm lộ thông tin cá nhân của bệnh nhân không đúng quy định thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Làm lộ tình trạng bệnh, thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.
Ánh Dương (Thực hiện)