Án Nước ngoài:
Điều tra vụ làm lộ clip khỏa thân của khách hàng
Ngày 9/3, Kbizoom và nhiều trang tin ở Hàn Quốc đưa tin về sự việc một bệnh viện thẩm mỹ ở Hàn Quốc bị lộ clip khỏa thân của khách hàng.
Cụ thể, ngày 6/3, JTBC đưa tin các video từ camera của một phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ ở Gangnam bị rò rỉ trên mạng. Theo đó, có tổng cộng 31 video với khối lượng lên tới 1,5 gb.
Các video được ghi lại trong khoảng thời gian 5 ngày, kể từ ngày 24/2, chứa hình ảnh bệnh nhân thay quần áo và đang điều trị. Trong số các nạn nhân có cả những người nổi tiếng. Có ít nhất 2 nghệ sĩ là ngôi sao hàng đầu Hàn Quốc, với tên bắt đầu bằng J và K. Cả hai người này từng xác nhận thông tin họ phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo báo cáo của JBC, loạt video này có nguy cơ bị lan truyền rộng rãi bởi bất kỳ ai cũng có quyền truy cập và tải xuống chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Hiện đơn vị điều tra mạng của cơ quan cảnh sát thủ đô Seoul đang xem xét và điều tra quá trình rò rỉ loạt video này.
Đây không phải trường hợp vi phạm quyền riêng tư đầu tiên ở Hàn Quốc. Năm 2022, vụ án gây chấn động dư luận "Căn phòng thứ N" liên quan đến Cho Joo Bin khiến khán giả phẫn nộ. Shin Se Kyung và Bomi của Apink cũng là nạn nhân của cuộc trò chuyện nhóm, theo báo cáo của Wikitree.
Theo một cuộc khảo sát do Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc thực hiện trên 2.000 nạn nhân của hành vi quay chụp bất hợp pháp và các tội phạm tình dục khác, 23% số người được hỏi bày tỏ mong muốn tự tử và 16% đã lên kế hoạch thực hiện điều đó. Thiệt hại về tâm lý và tình cảm đối với những cá nhân này là rất lớn và quyền riêng tư của họ phải được bảo vệ bằng mọi giá.
Luật Việt Nam:
Nếu cố ý làm lộ clip khỏa thân của khách hàng, sẽ bị xử lý hình sự
Trước hết, cảnh sát làm điều tra, làm rõ vì sao các video từ camera của phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ trên bị rò rỉ trên mạng. Nếu đây không phải là “sự cố ngoài ý muốn” mà là hành vi có chủ đích thì người thực hiện hành vi sẽ bị xem xét xử lý theo quy định.
Theo Điều 32, Điều 34 và Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Hình ảnh cá nhân bao gồm hình ảnh do chụp, vẽ, hình ảnh do quay phim một người cụ thể. Trong mọi trường hợp, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân đều phải được người đó đồng ý.
Hành vi tung ảnh nóng hay clip khỏa thân của người khác lên mạng trực tiếp xâm phạm đến bí mật đời tư và tác động tiêu cực đến cuộc sống riêng tư của người bị vi phạm.
Tùy thuộc vào mức độ vi phạm cũng như hậu quả xảy ra, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp người nào đó đưa những hình ảnh riêng tư của khách hàng mà không có sự đồng ý của khách hàng đó lên các phương tiện thông tin đại chúng gây lo sợ, mất uy tín, suy sụp tinh thần, xâm phạm đến danh sự, nhân phẩm của khách hàng thì người đã phát tán những hình ảnh đó không chỉ vi phạm những quy định về quyền nhân thân đối với hình ảnh quy định tại Điều 32 mà còn vi phạm quyền nhân thân về bí mật đời tư (Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015) và quyền được bảo vệ danh dự nhân phẩm, uy tín (Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Hình ảnh của một cá nhân là đối tượng thuộc quyền nhân thân của người có hình ảnh đó. Do đó, mọi hình thức sử dụng hình ảnh cá nhân mà không có sự đồng ý của người đó (nếu người đó còn sống) hoặc không được sự đồng ý của thân nhân người đó (trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự) đều vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Hành vi vi phạm không nhất thiết phải gây thiệt hại về tinh thần hay vật chất của người có hình ảnh, mà chỉ cần làm lợi cho người này mà không có sự đồng ý của họ.
Ở mức nhẹ, người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trong trường hợp chứng minh được người nào đó ở bệnh viện cố ý phát tán clip khỏa thân của khách hàng thì tùy vào mức độ có thể bị xử lý về hình sự đối với tội Làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nhẹ thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Nếu phạm tội đối với 02 người trở lên hoặc sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, mức phạt có thể lên tới 02 năm tù.
Ngoài ra, nếu có bằng chứng chứng minh người nào đó cố tình tung clip khỏa thân của khách hàng lên mạng xã hội cho tất cả mọi người xem thì hành vi đó có thể bị khởi tố hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, người thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Tùy theo mức độ nghiêm trọng do hành vi này gây ra mà người làm ra, phát tán các hình ảnh nhạy cảm này có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Trong trường hợp này để bảo vệ quyền lợi và danh dự, nhân phẩm của mình, những khách hàng bị lộ clip khỏa thân cần làm đơn tố cáo đến cơ quan công an nơi bệnh viện đặt trụ sở chính. Khách hàng phải là ngưởi làm đơn khởi tố, vì đây là trường hợp đặc biệt, chỉ khởi tố theo yêu cầu của bị hại theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, nếu chứng minh được bệnh viện trên cố ý làm lộ clip khỏa thân của khách hàng, các khách hàng có có thể nộp đơn khởi kiện lên tòa án, yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại về tinh thần. Mức yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần bao gồm các chi phí để khắc phục, thu hồi các ấn phẩm gây hại.
Mức yêu cầu này do các bên thỏa thuận nhưng không quá 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ánh Dương (Thực hiện)